Nữ giáo viên đạt doanh thu cả trăm triệu đồng mỗi tháng từ lá bồ đề
Xã hội - Ngày đăng : 08:25, 23/05/2022
Trong cơn mưa giông tại xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) chiều tháng 5, cô giáo dạy âm nhạc Nguyễn Như Sinh (SN 1989) ngồi chải những chiếc lá bồ đề đã ngâm được hơn 1 tháng. Động tác điệu nghệ, nâng niu chiếc lá nhẹ nhàng, cô chăm chú: “Công đoạn này gọi là chà răng lá, khó nhất trong mọi công đoạn, nhẹ thì những xác lá sẽ không đi, mạnh quá sẽ hỏng luôn chiếc lá đang cầm trên tay”.
Sinh ra trong một gia đình buôn bán những sản phẩm nghệ thuật trầm hương, máu nghệ thuật của cô cũng bắt đầu ngấm dần theo năm tháng. Lên lớp 9, cô đã biết thiết kế những thiệp chúc mừng bằng ép lá, cỏ khô tặng bạn bè.
Cơ duyên từ đó, cô bắt đầu thấy được niềm đam mê của bản thân và tiếp tục làm thiệp bán với 1 cái/1 nghìn đồng.
“Lúc đó nhiều bạn đến mua lắm, mình cũng chỉ bán cho vui thôi ai ngờ được hưởng ứng nhiệt tình nên cũng rất bất ngờ”, cô Sinh hồ hởi.
Niềm đam mê đó tạm gác lại khi cô đậu vào Học viện Âm nhạc Huế rồi trở thành giáo viên dạy âm nhạc tại Trường THCS Phù Đổng (huyện Đại Lộc).
Năm 2017, trong một lần đến chùa, khi đang ngồi dưới gốc cây bồ đề, cô tình cờ thấy được các lá rụng giữa sân đang phân hủy, một số lá thấy được gân trắng. Từ đó, cô Sinh bật ra ý tưởng muốn làm các tác phẩm từ chính những chiếc lá cây này.
“Niềm đam mê từ nhỏ bỗng dưng quay trở lại, tôi thấy ở Ấn Độ và các nước khác có một số sản phẩm về các lá khô rất đẹp nên tìm tòi cách chế tạo để tự làm ra những bức tranh”, cô Sinh nhớ lại.
Khó khăn đến với cô những ngày đầu tiên khi tiếp cận việc ngâm lá, chà răng lá để tạo ra lá nguyên bản chỉ còn mỗi gân. Sau khi hái lá về, cô Sinh sẽ rửa và ngâm lá vào bể, thời gian ngâm lá khoảng 1 tháng cùng với sinh phẩm, từ đây chất diệp lục thối rửa.
Bước tiếp theo - chà răng lá, đây là công đoạn khó nhất, tỉ mỉ nhất trong quá trình tạo ra một chiếc lá hoàn thiện. “Công đoạn này mình sẽ dùng bàn chải, đánh mạnh quá sẽ rách tươm đi chiếc lá vì lúc này ngâm nước lá rất mềm, nhưng đánh nhẹ quá chất phân hủy đọng trên lá không đi hết”, cô giáo âm nhạc giải thích.
Lá khô cô dùng sẽ là lá bồ đề, lá bàng hay bằng lăng vì đây là những loại có gân. Việc chọn lá cũng lắm công phu, theo cô, cây được chọn cần mọc ở những nơi đất khô cằn, lúc này gân mới chắc, lá cũng phải già, lá tốt nhất là loại đã rụng dưới gốc cây.
Sau khi hoàn thành việc chà răng lá, bước tiếp theo là nhuộm màu, phơi khô và lắp ghép thành sản phẩm.
Muốn giúp đỡ người khuyết tật
Hiện sản phẩm của cô có nhiều loại khác nhau, từ lá bồ đề in hình treo xe ô tô, lá bồ đề đặt trong ốp lưng điện thoại đến các bức tranh to, nhỏ đủ loại được ghép bằng chính các lá khô.
Cô kể: “Ngoài những lá bồ đề làm ra để trang trí, tôi sẽ sáng tạo những bức tranh có kích cỡ khác nhau tùy thuộc vào khách hàng đặt như 20x20cm, 100x100cm. Mỗi bức tranh lại mang nhiều nội dung khác nữa, có thể rồng, gà, chim…”
Để tạo ra một bức tranh, cô Sinh mất khoảng 2-3 tiếng đối với tranh nhỏ, với những bức lớn có thể đến 2 ngày hoặc cả tuần. Vì vừa đi dạy vừa làm tranh nên thời gian của cô hoàn toàn kín kẽ: “Ngày đi dạy, tối về phải thức đến khuya để kịp cho khách, hầu như phải tranh thủ mọi thời gian rảnh của mình để hoàn thành sản phẩm”.
Cô giáo Sinh tâm sự, vì các tác phẩm này đều tự tay bản thân cô làm ra nên đôi lúc quá tải khi người đặt nhiều. Cái khó ở mỗi sản phẩm đó chính là việc sáng tạo, suy nghĩ ra nên đặt lá khô gì ở đâu, ví dụ lá bàng có màu trắng sẽ làm mây, lá bồ đề có đuôi nhọn sẽ dùng làm đuôi lông của con rồng hoặc chim…
Theo cô Sinh, mỗi sản phẩm của cô dao động từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng, doanh thu hàng tháng ước đạt 100 triệu đồng.
“Nhiều tác phẩm làm ra, khi đưa đến tay khách mình lại tiếc. Vì đây là hàng thủ công nên để làm lại y chang thì rất khó nên cứ tiếc mãi”, cô Sinh cười.
Cùng với đó, cô Sinh còn tạo việc làm cho 3 bạn khuyết tật trên địa bàn, các bạn này sẽ là người chà răng lá, nhuộm màu và phơi khô, với tiền công khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày.
Nói đến tương lai, cô Sinh bộc bạch, mong muốn sẽ mở một cửa hàng về sản phẩm lá khô, đặc biệt hơn nữa sẽ truyền lại công việc này cho các bạn khuyết tật.
“Biết là khó khi truyền lại công việc này nhưng bản thân tôi tin các bạn sẽ làm được, công việc này cần một chút năng khiếu và đặc biệt là đam mê, có đam mê ắt sẽ thành công”.