Nhà báo gốc Việt Phạm Khuê: Sáng tác tiểu thuyết khó hơn viết 20 bài báo
Đối ngoại - Ngày đăng : 11:33, 22/05/2022
Trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu 2022 tại Việt Nam, nhà báo người Đức gốc Việt Phạm Khuê đã trả lời phỏng vấn của TG&VN nhân buổi giới thiệu sách Dù ở nơi đâu của chị được tổ chức tại viện Goethe Hanoi.
Nhà báo người Đức gốc Việt Phạm Khuê theo học ngành xã hội học tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London và từ năm 2010, làm việc cho tờ báo tuần Die Zeit nổi tiếng tại Đức. |
Mọi người vẫn biết đến chị với vai trò một nhà báo. Cơ duyên nào giúp chị bén duyên với nghiệp văn chương?
Một công ty chuyên về xuất bản đã đọc một bài viết của tôi và hỏi tôi về việc sáng tác một tiểu thuyết. Tôi cũng đã có một số ý tưởng, tuy nhiên hai ý tưởng đầu tiên mà tôi viết ra thì không được tốt lắm.
Sau đó tôi nghĩ rằng mình có nên viết một cuốn sách về gia đình mình không. Và từ đó, tôi bắt đầu bén duyên với thể loại tiểu thuyết.
Các kỹ năng làm báo có giúp ích cho việc viết tiểu thuyết?
Có chứ! Đầu tiên, nó giúp tôi trong việc phỏng vấn vì tôi đã thực hiện nó rất nhiều trong quá trình tác nghiệp. Vấn đề tôi gặp phải đó là làm sao để chuyển đổi từ báo chí thành văn học.
Những bài báo trước đó tôi viết nếu có dài thì cũng chỉ vài trang, so với cuốn sách này là hơn 300 trang. Nói thật, viết tác phẩm này còn khó hơn viết 20 bài báo (cười).
Chị mất bao lâu để hoàn thành cuốn "Dù ở nơi đâu"? Có gặp khó khăn nào trong quá trình đó hay không?
Tôi đã làm việc 4 năm để cho ra đời cuốn sách này. Tôi tìm hiểu rất nhiều, đi lại rất nhiều. Tôi bị gián đoạn mất vài tháng do sinh em bé nữa. Giai đoạn đó thật sự rất khó khăn, tôi cảm thấy mệt và không thể tập trung. Quả thực rất khó để có thể ngồi vào bàn viết.
Nhiều độc giả chia sẻ với tôi rằng họ đã khóc khi đọc tác phẩm, điều này làm tôi quên hết mọi khó khăn trong 4 năm viết sách.
Nội dung tiểu thuyết này có bao nhiêu % là sự thật?
Riêng về cảm xúc thì 100% là đúng. Những thông tin về lý lịch từ nhiều nhân vật khác nhau, nhưng đó đều xuất phát từ người thân quen của tôi. Tôi đã lấy những thông tin này, chỉnh sửa lại một chút để phù hợp với câu chuyện của riêng mình.
Cuốn tiểu thuyết được viết dưới góc nhìn của ba nhân vật Kiều, Sơn và Minh, với câu chuyện về cuộc sống bắt đầu từ năm 1968 cho đến tận bây giờ. Tại sao chị lại xây dựng câu chuyện trong thời gian dài đến vậy?
Câu hỏi lớn nhất tôi đặt ra trong cuốn sách là: “Tôi là ai”? Để trả lời được câu hỏi này thì buộc phải hiểu về gia đình, về những điều gia đình đã phải trải qua. Tuy nhiên, các câu trả lời đều nằm trong lịch sử.
Tôi chọn cách viết về gia đình Việt Nam với những biến cố trải qua trong chiến tranh. Tôi không có ý định viết một cuốn sách về chính trị, cũng không có ý định chống hay ủng hộ chiến tranh, tôi chỉ muốn viết về ảnh hưởng mà các gia đình phải chịu từ cuộc chiến này, từ đó khán giả có thể hiểu hơn về lịch sử Việt Nam.
Trong tác phẩm, chị viết rất nhiều về các món ăn ở Sài Gòn. Đây có phải chủ ý?
Đây chính là chủ ý của tôi, nhân vật chính là nhà phê bình món ăn, những sự việc quan trọng nhất cũng xảy ra trên bàn ăn. Nó có ý nghĩa rất lớn về văn hóa bởi ăn uống đối với người Việt rất quan trọng.
Trên bàn ăn, tất cả những vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận, ăn uống chính là một cách mọi người giao tiếp với nhau và thể hiện tình yêu thương.
Đây là điểm khác biệt giữa văn hóa Đức và văn hóa Việt Nam.
Bìa sách tiểu thuyết Dù ở nơi đâu của nhà báo Phạm Khuê. |
Hẳn có lý do chọn tên Kiều?
Tôi đã nghĩ rất nhiều về tên cho nhân vật chính. Lý do tôi chọn tên Kiều là bắt nguồn từ Truyện Kiều – một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.
Tên thật của tôi là Minh Khuê – bố tôi đã đặt cho tôi tên đó vì thấy trong một bài thơ. Trong tác phẩm, ông bố cũng tặng cho con gái một cái tên mang đầy tính văn học.
Nhiều khi vẫn có người lầm tưởng tên Kiều xuất phát từ Việt kiều (cười).
Điều chị mong muốn gửi gắm tới độc giả thông qua cuốn tiểu thuyết này?
Tôi không viết cuốn sách này cho bản thân hay cho gia đình mình, tôi cũng không viết nó để trở nên nổi tiếng, tôi viết cho tất cả mọi người có thể đọc nó.
Tôi kể câu chuyện của mình, một người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi biết điều này không hề dễ dàng. Rất nhiều người ở trong trường hợp tương tự cũng cảm thấy như vậy nhưng họ chưa bao giờ nói ra.
Tôi nghĩ cuốn sách này giúp họ cảm thấy không một mình. Tôi cũng hy vọng cuốn sách giúp thế hệ phụ huynh nhận ra những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt.
Có khi nào chị gặp phải mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khiến chị muốn khước từ hoặc lựa chọn hoặc chỉ là người Đức hoặc chỉ là người Việt hay chưa?
Đầu cuốn sách, nhân vật Kiều đã chối bỏ nguồn gốc của mình, cô muốn mình là người Đức chứ không phải người Việt Nam. Tuy nhiên, cuối cùng cô vẫn nhận ra rằng việc chối bỏ bản sắc đó là điều không thể.
Tôi có một cậu con trai gần hai tuổi, khi mới sinh, tôi đã tự hỏi rằng tên của con trai mình nên đặt là gì và cậu nên nói ngôn ngữ nào. Tôi đã quyết định cậu không nên có cái tên 100% Việt hay 100% Đức. Với ngôn ngữ tôi muốn con trai mình biết cả tiếng Đức và tiếng Việt.
Điều tôi muốn nói ở đây là sự dung hòa.
Quê hương của chị ở đâu?
Đó là gia đình.
Khi nào thì sách được dịch sang tiếng Việt?
Nhờ viện Goethe mà đã có một vài bản dịch các trích đoạn, các bạn có thể đọc trên tạp chí ZZZ Review. Tôi cũng rất tò mò muốn biết về cảm nhận và phản hồi của khán giả người Việt như thế nào, vì chắc chắn nó sẽ khác so với người Đức.
Thêm nữa, người thân của tôi ở Việt Nam và Mỹ cũng chưa được đọc cuốn sách này. Do đó, tôi rất hy vọng cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Việt trong thời gian sớm nhất.
Trong tương lai, chị có dự định cho ra mắt tiểu thuyết nào nữa hay không?
Câu trả lời là có. Tôi có ý định sẽ sáng tác thêm một cuốn tiểu thuyết thứ hai, tuy nhiên tôi chưa tìm được chủ đề cho nó. Và quá trình này có lẽ phải mất thêm một thời gian nữa.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị!
"Dù ở nơi đâu" kể về câu chuyện của một gia đình Đức - Việt. Nhân vật chính trong chuyện là Kiều, theo bố mẹ rời Việt Nam năm 1968 sang Đức sinh sống.Tuy nhiên, cô thích tự gọi mình là Kim vì nó dễ dàng hơn cho các bạn cô ở Berlin. Kim thường ước rằng gia đình mình không phải trở thành người Đức, mà đơn giản đã là người Đức rồi. Qua chuyến đi thăm chú và họ hàng tại California, Kim tìm hiểu nhiều hơn về gia đình, về bản thân mình và cả văn hóa truyền thống của Việt Nam. Với Kim, chuyến đi này mang ý nghĩa đặc biệt tìm hiểu về lịch sử gia đình và tổ tiên. Đó cũng là sự tìm kiếm lại danh tính, nguồn gốc của bản thân, giúp cô tìm ra câu trả lời mới cho câu hỏi “Bạn đến từ đâu?”. |