Anh cửu vạn trúng độc đắc 42 tờ vé số, xây biệt thự nghìn mét vuông và "nợ như chúa chổm"
Xã hội - Ngày đăng : 11:17, 22/05/2022
"Lên đời" nhờ trúng số độc đắc rồi tay trắng một cách nhanh chóng không còn là chuyện xa lạ đối với dân miền Tây nói riêng và người Việt nói chung. Bởi xưa nay có quá nhiều trường hợp bỗng dưng có tiền tỷ, sau đó ăn chơi trác táng khiến hậu vận trúng số không mấy tốt đẹp. Song bi đát nhất có lẽ là trường hợp của anh T.C.T (SN 1964, Long An) – từng gây rúng động khắp vùng sông nước suốt thời gian dài.
Anh T quê gốc Long Xuyên, làm nghề lơ xe tuyến Sài Gòn – miền Tây. Khi rẽ qua Long An, anh đã đem lòng cảm mến chị U cùng tuổi ở xã An Nhựt Tân (Tân Trụ). Sau đó cả hai nảy sinh tình cảm với nhau song không được gia đình hai bên đồng ý. Họ quyết định đưa nhau đi đăng ký kết hôn rồi về chung sống với nhau. Họ dựng một căn chòi ở bãi đất trống làm chỗ ở với hi vọng "an cư lập nghiệp".
Con đường dẫn vào xã An Nhựt Tân.
Hằng ngày, chị U đi bán nước, còn anh T quyết từ bỏ nghề lơ xe để được gần vợ và xin làm cửu vạn. Một lần, anh gặp ông cụ bán vé số trông rất khắc khổ bèn rủ lòng thương, mua ủng hộ 42 tờ vé số ế.
"Tối đó, vợ chồng nó đang ăn cơm chung với nhau thì cụ ông ban chiều hớt hải chạy tới báo tin vui: trúng độc đắc 42 tờ. Nó không tin vì làm gì có chuyện hoang đường như thế, thậm chí còn nghĩ cụ ông đùa cợt mình. Đến khi cụ ông mời dò số cùng thì nó mới tin mình trúng số là thật", anh P - anh trai chị U cho hay.
Lĩnh hàng tỷ đồng tiền thưởng, anh T trích một ít cho anh em trong gia đình hai bên nội ngoại mỗi người 40-50 triệu đồng. Số còn lại anh làm vốn kinh doanh, sắm xe xịn, mua đất mặt tiền đường quốc lộ 1A xây biệt thự rộng hàng nghìn mét vuông.
Người đàn ông còn chịu chi đến mức sắm loạt xe khách, sà lan, máy xúc để thành lập công ty. Ngoài ra, anh còn mở một quán cà phê cho vợ quản lý.
Thời gian đầu, công việc làm ăn của anh T vô cùng thuận buồm xuôi gió. Anh tạo điều kiện cho biết bao người trong xã có công việc ổn định. "Hồi ấy vợ chồng nó giàu có lắm. Đi đâu cũng đi bằng xe hơi, được mọi người quý mến và nể phục. Song nó cũng bắt đầu đổ đốn, ăn chơi nhậu nhẹt rồi có bồ nhí bên ngoài", anh P kể.
Anh P - anh trai chị U kể chuyện trúng số của vợ chồng em gái năm xưa
Năm 2001, công việc của anh T bắt đầu "xuống dốc không phanh". Sau đó một năm, công ty phá sản. Anh đổ nợ hơn 17 tỷ đồng, những người sát cánh năm nào cũng bỏ đi. Anh đành phải bán xe cộ, nhà cửa để trả nợ. "Căn biệt thự ngoài đường lớn rộng và đẹp cũng phải bán khiến bao người tiếc nuối. Nếu giờ còn chắc nó phải lên tới hàng trăm tỷ đồng. Và sau khi bán hết tài sản, vợ chồng nó vừa đủ để trả nợ và dư 1 tỷ đồng mưu sinh. Nó và cái U gửi con về nhà nội nhờ chăm giúp rồi đi nơi khác làm ăn", anh P nói.
Được biết, vợ chồng anh T hiện đang ở TP.HCM. Anh làm nghề bảo vệ, con chị U phục vụ nhà hàng. Song chính anh P và cả gia đình đều không rõ vợ chồng em gái mình ở địa chỉ cụ thể nào. Anh phỏng đoán cả hai ngại nên không dám về quê. "Thi thoảng chúng nó có gọi điện về hỏi thăm gia đình. Chúng tôi có hỏi địa chỉ cụ thể nơi ở nhưng chúng nó không nói. Chúng nó trải qua biết bao sóng gió cuộc đời, vinh hoa có – khổ cực có – đớn đau có nên tôi không mong gì nhiều, chỉ mong hai đứa yêu thương nhau rồi sống vui sống khỏe", anh P tâm sự.
Lãnh đạo xã An Nhật Tân xác nhận trường hợp của gia đình anh T và cho biết anh chính là người trúng số độc đắc nhiều nhất địa phương – 42 tờ cùng lúc. Tuy nhiên sau khi "đổi đời", anh đã làm ăn sai cách, ăn chơi quá đà, vung tiền không tiếc tay. Vì thế anh đã quay trở cuộc sống khó khăn ban đầu. "Đây chính là bài học cảnh tỉnh cho những người trúng số tại địa phương sau này", vị lãnh đạo nói.
Giờ người dân tại huyện Tân Trụ thi thoảng vẫn nhắc đến câu chuyện của anh T như một giai thoại về trúng số. Dẫu vậy họ vẫn khắc khoải và mong chờ một ngày được may mắn trúng số như anh T, vì thế rất đông người vẫn ngày ngày chơi vé số.
(Theo Thời Đại Plus)