Mỹ gửi ‘sát thủ diệt hạm’ uy lực của Hải quân tới Ukraine

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:24, 21/05/2022

Mỹ đang trang bị cho Ukraine các hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa tấn công dành cho Hải quân (NSM) để chống lại tàu chiến.

Theo “Đạo luật cho thuê quốc phòng Ukraine 2022”, Mỹ sẽ chuyển giao cho Ukraine một lô hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon và NSM có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 260 km. Reuters cho biết, Washington đang cực kỳ nghiêm túc về vấn đề này.

“Ba quan chức Mỹ và 2 nguồn tin trong Quốc hội cho biết, 2 loại tên lửa chống hạm cực mạnh: Harpoon do Boeing sản xuất và NSM - tên lửa chống hạm và tấn công đất liền do công ty Kongsberg Defense & Aerospace (KDA) của Na Uy phát triển, đang được Raytheon - tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia của Mỹ tích cực xem xét việc vận chuyển trực tiếp đến Ukraine hoặc chuyển giao từ các đồng minh châu Âu”, Reuters cho hay.

Mỹ gửi ‘sát thủ diệt hạm’ uy lực của Hải quân tới Ukraine
Từ khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ đã tăng cường viện trợ quân sự, gửi hàng ngàn vũ khí cho Kiev. (Ảnh: AP)

Các hệ thống tên lửa bờ biển được chuyển giao cho Ukraine sẽ được chuyển giao dưới dạng phiên bản di động ven biển. Đồng thời, Mỹ cũng không giấu giếm việc các loại vũ khí này sẽ được sử dụng công khai để tấn công tàu chiến, ngay cả khi tàu chiến không thể hiện hành động gây hấn trực tiếp.

NSM của Mỹ được bố trí lắp trên chiến hạm và có khả năng tránh được radar tầm xa của đối phương. Tên lửa này dài 4 m, nặng 400 kg. Nó có hệ thống tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn trong pha phóng và một động cơ turbo nhiên liệu JP-10 dùng cho pha bay dài sau đó giúp tên lửa đạt tốc độ từ 864-1.110,4 km/h.

NSM có một kíp nổ được lập trình và một đầu đạn dạng phân mảnh nặng 125 kg, với khả năng xuyên phá trước khi nổ để tạo hiệu quả tàn phá tối đa. NSM được thiết kế đặc biệt để có mức độ nhận diện thấp trước radar đối phương và có chế độ bay sát bề mặt biển để lẩn tránh radar đối phương.

Trong khi đó, Harpoon được biết đến là loại tên lửa chống hạm thành công nhất trên thế giới và đang được biên chế cho lực lượng vũ trang của trên 30 nước. Nó thường xuyên được nâng cấp trong những năm qua, và điều này đã dẫn đến sự phát triển của tên lửa tấn công đất đối không (SLAM) và tên lửa đất đối không tầm xa (SLAM-ER).

Do kỹ sư McDonnell Douglas chế tạo cho Hải quân Mỹ vào những năm 1970, tên lửa Harpoon đã được điều chỉnh để sử dụng trên máy bay ném bom Boeing B-52H Stratofortress. Mỗi chiếc B-52H có thể mang từ 8-12 tên lửa Harpoon.

Được triển khai lần đầu tiên vào năm 1977 với vai trò là hệ thống tên lửa chống hạm trong mọi điều kiện thời tiết, Harpoon sử dụng quỹ đạo bay lướt trên mặt biển ở tầm thấp với sự dẫn đường của radar chủ động. Loại tên lửa này có khả năng thực hiện nhiệm vụ của tên lửa đối đất và chống hạm.

Boeing là tập đoàn đang sản xuất Harpoon cho biết để tấn công các mục tiêu trên đất liền cũng như các tàu trong cảng, Harpoon sử dụng điều hướng quán tính có hỗ trợ của GPS để tấn công một mục tiêu đã được xác định.

Với đầu đạn nổ nặng 227 kg, hỏa lực của “sát thủ” Harpoon có thể nhắm đến nhiều mục tiêu trên đất liền, trong đó có các vị trí phòng thủ ven biển, cơ sở tên lửa đất đối không, máy bay đang đậu trên mặt đất và thậm chí cả cá cơ sở hạ tầng quan trọng.

“Đạo luật cho thuê quốc phòng Ukraine 2022” (Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act) sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cho vay hoặc cho thuê viện trợ quân sự cho các đồng minh bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc ngoài Ukraine, một số đồng minh khác của Mỹ như Ba Lan cũng sẽ được hưởng lợi từ đạo luật.

Trong khuôn khổ của đạo luật, Ukraine có thể yêu cầu Mỹ chuyển giao hợp lý các loại vũ khí hoặc hỗ trợ về an ninh khác. Đổi lại, Mỹ sẽ nhận được đảm bảo rằng quốc gia nhận hỗ trợ sẽ thay thế hoặc hoàn trả những khí tài và viện trợ này trong tương lai.

Thanh Bình (lược dịch)