Mỹ duy trì 100.000 binh sĩ đồn trú tại châu Âu tuỳ động thái của Nga; Thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:57, 21/05/2022
Các binh sĩ thuộc Sư đoàn dù số 82 của quân đội Mỹ chuẩn bị lên máy bay vận tải để sang châu Âu, tại Fort Bragg, North Carolina, ngày 14/2. (Nguồn: Reuters) |
Các quan chức nói trên cho hay, Mỹ có thể thiết lập nhiều căn cứ quân sự hơn tại châu Âu nếu môi trường an ninh thay đổi và cũng có thể tăng cường tạm thời quân số nếu Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định tiến hành nhiều hơn các cuộc tận trận quân sự.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, Mỹ đã tăng cường quân số đồn trú tại châu Âu từ khoảng 60.000 lên 100.000 binh sĩ.
Ngày 18/5, các Đại sứ Thụy Điển và Phần Lan đã chuyển đơn xin gia nhập NATO của các nước này tới Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về tiến trình xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển không phải là vấn đề song phương giữa Washington và Ankara. Đây là tuyên bố được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 20/5. Theo đó, Washington vẫn đang thảo luận với Ankara và có niềm tin vấn đề này sẽ được giải quyết.
Trả lời phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Về câu hỏi cho cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ cho việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO, đây không phải là vấn đề song phương giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ".
Tuyên bố trên được xem là tương đồng với bình luận mới đây của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan - người cho rằng "đây cũng không phải là vấn đề của Mỹ" nhưng lưu ý, Washington muốn tranh cãi được giải quyết và sẵn sàng có hành động hỗ trợ các bên.
Trước đó, Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại trụ sở của liên minh quân sự này và dự kiến tiến trình gia nhập NATO sẽ được khởi động trong ít tuần tới. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO, khẳng định sẽ kiên quyết phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối quân sự này, cáo buộc hai nước Bắc Âu không thể đưa ra lập trường rõ ràng về việc chống khủng bố.