Tư duy 'xe lớn phải đền xe bé': Pháp luật đang bảo vệ người sai
Xã hội - Ngày đăng : 08:05, 21/05/2022
Trong những vụ tai nạn liên quan đến xe máy đi ngược chiều trên đường cao tốc dành riêng cho ô tô, lái xe ô tô dù không sai nhưng vẫn sẽ gặp rất nhiều rắc rối, phiền toái. Xe của họ bị gọi là “xe gây tai nạn”, họ trở thành “người gây tai nạn” và họ phải tốn rất nhiều thời gian để làm việc với cơ quan điều tra, giải quyết các thủ tục pháp lý. Cùng với đó là những yêu sách của người nhà nạn nhân dù trong nhiều vụ việc, nguyên nhân lại xuất phát từ chính người đã mất.
Luật sư Trần Văn Huy - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín cho rằng, thực tế đáng buồn trên một phần bắt nguồn từ chính những bất cập của pháp luật.
Rạng sáng 18/5, nam thanh niên đi xe máy vào làn đường dành riêng cho ô tô trên cầu Chương Dương (Hà Nội), lấn làn lao thẳng vào đầu xe tải, tử vong tại chỗ.
Bất cập của pháp luật
Vị luật sư dẫn luật, khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Theo đó, trong mọi trường hợp, nếu người bị thiệt hại vô ý gây ra thiệt hại hoặc có lỗi cố ý, nhưng không phải hoàn toàn thì chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi có hậu quả xảy ra đều phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định: “Bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”.
“Việc mâu thuẫn trong các quy định về bồi thường thiệt hại nêu trên đã làm cho đương sự, cơ quan và người tiến hành tố tụng có cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau để thỏa thuận hoặc giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của bị hại, làm cho pháp luật không được thực thi nghiêm minh.
Chính sự bất cập này đã tạo nên những nhập nhằng trong khâu giải quyết tai nạn giao thông có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ”, luật sư Huy nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong các vụ tai nạn liên quan đến xe đi ngược chiều gây tai nạn thì tài xế đi đúng phần đường có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do không làm chủ tốc độ, không đảm bảo khoảng cách an toàn.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Hoàng Ngọc - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự - nhận định nếu tài xế đi đúng tốc độ và bị xe đi ngược chiều đâm trực diện thì không thể truy cứu trách nhiệm.
“Chúng ta có thể hiểu thuật ngữ “không làm chủ tốc độ, không đảm bảo khoảng cách an toàn” nghĩa là: Người lái xe phải kiểm soát được phương tiện của mình trong mọi tình huống, có thể duy trì sự cẩn trọng cần thiết và đúng đắn và luôn luôn trong điều kiện có thể thực thi mọi thao tác cần thiết của người lái xe.
Người lái xe khi điều chỉnh vận tốc của phương tiện, thường xuyên phân tích tình thế xung quanh, cụ thể như địa hình vùng đất, tình trạng đường sá, điều kiện và tải trọng phương tiện mình điều khiển, điều kiện thời tiết và mật độ lưu thông trên đường, để có thể dừng phương tiện trong khoảng tầm nhìn phía trước và dừng ngay trước bất kỳ vật cản nào có thể lường trước...
Như vậy, thuật ngữ này chỉ áp dụng cho hai xe đi cùng chiều, khi xảy ra tai nạn, cụ thể là xe đi đằng sau, tông vào đuôi xe đằng trước”, luật sư Hoàng Ngọc nói.
Nói thêm về việc này, luật sư Trần Văn Huy cũng cho rằng việc giữ khoảng cách chỉ đạt được khi hai xe điều khiển cùng chiều.
“Lấy ví dụ trong một vụ tai nạn xảy ra tại cao tốc giữa ô tô và xe máy đi ngược chiều, nếu người lái xe ô tô nhìn thấy và nhận biết có xe máy ngược chiều, có thể phanh hoặc giảm tốc độ để giữ khoảng cách nhưng trong khi đó, xe máy vẫn di chuyển đến gần xe ô tô thì việc tài xế ô tô phanh, giảm tốc độ chỉ có tác dụng hạn chế sự gia tăng thêm chuyển động của xe mình đến gần xe máy mà thôi. Khi đó rất khó và thậm chí là không thể đảm bảo khoảng cách được”, luật sư Huy nói.
Xe máy cố tình đi vào làn xe ô tô trên Đại lộ Thăng Long gây tình trạng mất an toàn giao thông. (Ảnh: Ngô Nhung)
Ông Huy cho biết thêm, để xác định việc “giữ tốc độ”, “đảm bảo khoảng cách an toàn” phụ thuộc vào kết quả điều tra do cơ quan có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật, nhằm phát hiện và thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có liên quan để xác định diễn biến, nguyên nhân, điều kiện gây ra tai nạn giao thông…
Đồng thời xử lý những hành vi gây ra tai nạn giao thông (xử lý hành chính nếu hành vi của người gây tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm hoặc xử lý hình sự nếu hành vi của người gây tai nạn giao thông có đủ dấu hiệu của tội phạm) theo đúng quy định của pháp luật.
Từ vai ‘được bồi thường’ thành ‘phải bồi thường’
Trong rất nhiều vụ tài xế xe máy đi sai tử vong sau khi gây tai nạn, các tài xế “xe lớn” dù không có lỗi nhưng vẫn phải đền bù để nhận được đơn bãi nại từ phía người nhà nạn nhân để sự việc sớm kết thúc, tránh những phiền toái không đáng có, lấy lại phương tiện bị tạm giữ.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Hoàng Ngọc cho biết khi xảy ra vụ việc tai nạn giao thông, phương tiện giao thông có liên quan được coi là vật chứng và được dùng để phục vụ cho công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết vụ việc trong những trường hợp nhất định, khi đó cơ quan có thẩm quyền có thể tạm giữ phương tiện.
“Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Thời hạn tạm giữ có thể được gia hạn thêm 30 ngày nếu người có thẩm quyền đang giải quyết vụ án sẽ phải báo cáo trực tiếp bằng văn bản đối với thủ trưởng nếu cảm thấy cần thiết”, luật sư Hoàng Ngọc nói.
Cùng nhận định trên, luật sư Trần Văn Huy khẳng định: “Theo quy định của pháp luật, trong một vụ án thuộc bất cứ lĩnh vực nào thì vật chứng chứng đều bị tạm giữ cho đến khi điều tra xong hoặc chỉ trả lại vật chứng khi nó không làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra nữa. Riêng các vụ tai nạn giao thông thì sẽ tạm giữ phương tiện của cả hai bên”.
Vị luật sư này cho biết, đa phần các vụ tai nạn giao thông thì không ai mong muốn cả nên cơ quan điều tra sẽ khuyến khích hai bên tự thoả thuận dân sự. Bên có thiệt hại làm đơn đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự, hay còn được gọi là đơn bãi nại. Sau đó, công an và viện kiểm sát sẽ thống nhất đóng lại hồ sơ, đình chỉ điều tra.
“Việc tự thoả thuận, đền bù hay khắc phục hậu quả của hai bên là tự nguyện, pháp luật không can thiệp. Trong trường hợp hai bên không thể thoả thuận dân sự thì công tác điều tra vẫn được thực hiện. Các phương tiện chỉ được trả lại khi có kết luận điều tra, việc trả vật chứng không làm ảnh hưởng đến kết luận điều tra hoặc đến giai đoạn xử lý vật chứng tại toà.
Vậy nên nếu không có đơn không truy cứu trách nhiệm hình sự, hay còn được gọi là đơn bãi nại của bên có thiệt hại về người, thì xe trong vụ tai nạn có thể sẽ bị giữ rất lâu để phục vụ công tác điều tra”, luật sư Huy nói.
Sau tai nạn giao thông, dù là bên bị thiệt hại hay bên không bị thiệt hại thì đều phải chịu trách nhiệm đối với phần lỗi của mình, không thể quy kết cứ “xe lớn” là phải bồi thường “xe bé”.
Luật sư Trần Văn Huy
Theo luật sư Trần Văn Huy, xử lý vi phạm giao thông ở Việt Nam lâu nay vẫn theo thông lệ, người từ vai “được bồi thường” lại phải chuyển qua vai “phải bồi thường”. Quan điểm này hình thành phần nào dựa trên cảm tính rằng phương tiện lớn hơn khi vận hành khả năng xảy ra lỗi trong tai nạn nhiều hơn, người điều khiển xe lớn có khả năng tài chính tốt hơn để bồi thường thiệt hại xảy ra… nhưng điều này hết sức phi lý và vô căn cứ.
“Hiểu đúng, đủ theo quy định của pháp luật thì việc bồi thường phải dựa trên yếu tố lỗi. Ai có lỗi, lỗi nhiều hay ít…, tất cả dù là bên bị thiệt hại hay bên không bị thiệt hại, hoặc bên thiệt hại nhiều hơn hay bên thiệt hại ít hơn đều phải chịu trách nhiệm đối với phần lỗi của mình, không thể quy kết cứ “xe lớn” là phải bồi thường “xe bé”.
Một Nhà nước vận hành theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, dứt khoát phải làm theo luật, không thể theo lệ như nhiều trường hợp thực tế hiện nay được”, luật sư Huy nói.
Phải loại bỏ tư duy “xe lớn đền xe bé”
Trả lời về nghịch lý xử lý giao thông ở Việt Nam hiện nay, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải TP Hà Nội - nhấn mạnh: “Việc xử phạt vi phạm đảm bảo công bằng, ai có lỗi người đó phải chịu trách nhiệm khắc phục và chịu hình phạt.
Nếu chỉ căn cứ vào tính nhân văn thì pháp luật không được thực thi minh bạch, ý thức của người tham gia giao thông không được nâng cao, chắc chắn những vụ tai nạn tương tự sẽ xảy ra ngày càng nhiều.
Ở nhiều nước trên thế giới, sau tai nạn cứ xe nào đi sai thì phải đền bù cho bên còn lại, họ không quan tâm xe nào lớn, xe nào bé. Trong trường hợp người đi sai thiệt mạng thì gia đình họ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường”, ông Liên nói.
Ông Liên đặt thắc mắc rằng tại sao hàng chục năm nay, từ người dân cho đến các chuyên gia đã nhiều lần phản biện vấn đề này nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể giải quyết, dư luận vẫn sục sôi khi nhắc đến cụm từ “xe lớn đền xe bé”.
“Cơ quan lập pháp, hành pháp mà không tiếp thu ý kiến của người dân là thể hiện sự không trong sáng, không chuẩn mực.
Chúng ta đang trong giai đoạn sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, đây là thời điểm thích hợp để loại tư duy "xe lớn đền xe bé" khi tai nạn giao thông xảy ra. Không thể để một tư duy lạc hậu tồn tại mãi rồi tạo nên những tiền lệ xấu cho xã hội được”, ông Liên nói thêm.