Ai cản Phần Lan và Thụy Điển vào NATO?

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:03, 20/05/2022

Sự phản đối của Nga, thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Croatia có thể khiến đường vào NATO của Phần Lan và Thụy Điển trở nên khó khăn hơn.
(05.20) Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và người đồng cấp Thụy Điển Ann Linde trong họp báo chung tại trụ sở NATO ngày 24/1. (Nguồn: John Thys/AFP/Getty Images)
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và người đồng cấp Thụy Điển Ann Linde trong họp báo chung tại trụ sở NATO ngày 24/1. (Nguồn: John Thys/AFP/Getty Images)

Ngày 18/5, đại diện Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO cho Tổng thư ký khối Jens Stoltenberg.

Mặc dù có sự đồng thuận cao nội bộ nói riêng và hầu hết thành viên NATO nói chung, Helsinki và Stockholm sẽ phải đối mặt ba rào cản đáng chú ý.

Tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Croatia

Đầu tiên và mới nhất, đó là tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Croatia Zoran Milanovic.

Phát biểu trước các phóng viên hôm 18/5, ông cho biết có thể chỉ thị Mario Nobilo, Đại diện thường trực của Croatia tại NATO ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập.

Tổng thống Zoran Milanoviccho rằng động thái này có thể chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế sang vấn đề người Croatia đang phải đối mặt ở Bosnia và Herzegovina.

Ông nói: “Với tôi, người Croatia ở Bosnia quan trọng hơn toàn bộ biên giới Nga - Phần Lan”.

Croatia từ lâu đã than phiền về hệ thống bầu cử ở Bosnia và Herzegovina, nơi cộng đồng người Croatia đã được công nhận là bình đẳng theo hiến pháp năm 1995.

Croatia đã yêu cầu nước láng giềng cập nhật luật bầu cử để người Croatia ở đây có thể bầu ra đại diện của chính họ, trái với quy định hiện hành là được bầu bởi cộng đồng người Hồi giáo Bosnia, vốn lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, đây dường như không phải là thách thức quá lớn bởi lẽ, quyết định ủng hộ hay phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO không nằm trong tay Tổng thống Croatia, mà do Quốc hội quyết định.

Ngoại trưởng nước này Gordan Grlic-Radman nói rằng, Đại sứ Nobilo đã được yêu cầu “chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển” và “sẽ được ủy quyền ký một nghị định thư trong vài ngày tới”.

Ông khẳng định Quốc hội Croatia “hoàn toàn chắc chắn” sẽ phê chuẩn.

Rào cản ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO
Tổng thống Croatia Zoran Milanovic bất ngờ tuyên bố có thể không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển vào NATO. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Tuyên bố của ông Milanovic dường như mang tính nội bộ hơn, khi nó làm nổi bật căng thẳng giữa ông với chính phủ của Thủ tướng Andrej Plenkovic, người ông cáo buộc không bảo vệ lợi ích của Croatia.

Theo Chủ tịch Quốc hội Croatia Gordan Jandrokovic, việc phủ quyết sẽ làm tổn hại vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

Thái độ của Nga

Đầu tiên là sự phản đối của Moscow. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto khẳng định người đồng cấp Nga Vladimir Putin “rất bình tĩnh” khi điện đàm về NATO.

Chính ông chủ Điện Kremlin cũng cho rằng việc Helsinki và Stockholm gia nhập NATO “không đem tới nhiều thay đổi” bởi từ lâu, cả hai đã là đối tác quan trọng, tham gia tập trận và tham vấn chính trị với khối trên kể từ năm 1995.

Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh về hậu quả có thể xảy ra một khi Phần Lan và Thụy Điển, hai nước có chung đường biên giới với Nga, chính thức gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO chỉ là một động thái địa chính trị nhằm kiềm chế Nga.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao xứ bạch dương cảnh báo sẽ đáp trả bằng nhiều biện pháp khác nhau. Việc Nga trục xuất hai nhà ngoại giao Phần Lan và cắt điện tới nước láng giềng do chưa nhận được thanh toán có lẽ chỉ là khởi đầu.

“Chúng tôi không nhận thấy Phần Lan và Thụy Điển có bất kỳ mối lo ngại nào về an ninh. Chúng tôi coi quyết định của họ, có lẽ là do Mỹ và NATO vận động, giống như một động thái địa chính trị nhằm kiềm chế Nga, giữa bối cảnh NATO dự kiến mở rộng hoạt động sang Bắc Cực”. (Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov)

Bài toán mang tên Thổ Nhĩ Kỳ

Quan trọng hơn, khi một quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO, họ cần được toàn bộ 30 nước trong liên minh phê chuẩn theo nguyên tắc đồng thuận. Chỉ cần một nước phản đối, cánh cửa NATO sẽ khép lại với Phần Lan và Thụy Điển.

Hiện tại, kế hoạch gia nhập liên minh của Phần Lan và Thụy Điển đang vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là thành viên truyền thống của NATO trong 70 năm qua.

Vậy lý do của Istanbul là gì?

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không chấp nhận thành viên mới của NATO ủng hộ lực lượng người Kurd PKK mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Ankara từ lâu đã cho rằng các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Phần Lan và Thụy Điển, nơi có cộng đồng người nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ đông đảo, là nơi trú ngụ của nhiều phần tử cực đoan người Kurd.

Đây là một vấn đề gây căng thẳng nhất trong nội bộ NATO từ lâu. Bởi lẽ, các nước thành viên đều coi đảng Công nhân người Kurd (PKK) là tổ chức khủng bố trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn ủng hộ và cung cấp vũ khí cho lực lượng dân quân người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ngày 18/5, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển chỉ đạt tiến triển nếu Helsinki và Stockholm có bước đi cụ thể nhằm giải quyết những quan ngại an ninh của Ankara.

Tuy nhiên, hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định sẵn sàng thảo luận với hai quốc gia Bắc Âu về các vấn đề này.

Rào cản ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO
Nga sẽ là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong đàm phàn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu tới đây. (Nguồn: Anadolu)

Yếu tố khác đáng cân nhắc khác trong câu chuyện này là quan hệ giữa Ankara và Moscow, cũng như vị trí của nước này trong xung đột Nga-Ukraine.

Quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển tốt đẹp. Dù các dự án đường ống của Moscow tại châu Âu gặp khó, dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển 32 tỷ m3 khí đốt/năm của xứ bạch dương vẫn được tiếp tục. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 27 tỷ USD và được kỳ vọng đạt 100 tỷ USD những năm tới.

Về quân sự, Moscow cung cấp cho Ankara hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S400, trong khi Mỹ và NATO vẫn tiếp tục cấm vận vũ khí với nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không tham gia các hoạt động trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga. Ông Tayyip Erdogan hiện đang là trung gian hòa giải Nga-Ukraine.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ duy trì tuyên bố chủ quyền với Biển Đen. Quan trọng hơn, các vũ khí của nước này xuất hiện tại Ukraine, nhất là máy bay không người lái Bayrakhtar TB-2 thuộc biên chế của các lực lượng của Kiev, đã khiến Moscow gặp nhiều khó khăn trong triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích nhận định Nga sẽ là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong đàm phàn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu tới đây.

Có ý kiến cho rằng Ankara sẽ không hy sinh lợi ích trong quan hệ với Moscow, được coi là quan trọng hơn nhiều so với việc Helsinki và Stockholm vào NATO.

Song không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đổi ý một khi các yêu cầu của nước này với hai nước Bắc Âu về PKK, vấn đề then chốt với ông Erdogan, được chấp nhận.

Liệu Phần Lan và Thụy Điển sẽ vượt qua những thách thức này ra sao?

Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Phan Quân