Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Nepal

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:45, 20/05/2022

Kathmandu Post trích dẫn các nguồn tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Chăn nuôi Nepal cho hay, một đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xảy ra tại 6 quận của thủ đô Kathmandu của Nepal.

Cho đến nay, đợt bùng phát ASF đã dẫn đến 934 con vật chết và 1.364 ca nhiễm trùng ở lợn. Tuy nhiên, các nhà chức trách Nepal vẫn chưa thông báo chính thức về sự bùng phát của ASF.

Trước đó, vào đầu năm 2022, chính phủ Italy đã cho các vùng 30 ngày để xây dựng kế hoạch của từng địa phương nhằm giải quyết với sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, được phát hiện ở Đông Bắc Italy.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Nepal
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Nepal. (Ảnh: RIA)

Theo đó, Chính phủ Italy đã bổ nhiệm một ủy viên đặc biệt để điều phối các biện pháp nhằm đối phó với sự bùng phát của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Italy cho biết “kế hoạch này nhằm “xóa sổ” dịch tả lợn châu Phi ở lợn rừng trên lãnh thổ Italy và ngăn chặn sự lây lan của dịch này đối với lợn nuôi, nhằm đảm bảo việc bảo vệ sức khỏe động vật, hệ thống sản xuất quốc gia và xuất khẩu”.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch lây nhiễm cao ở các đàn lợn, khiến lợn chết hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất chăn nuôi gia súc và nguồn cung thực phẩm.

Kể từ năm 2005, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận ở 75 quốc gia trên thế giới. ASF đang lan rộng ở một số quốc gia ở Nam Á, châu Âu, Caribe và Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến cả lợn nhà và lợn hoang.

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm, thời gian ủ bệnh đến 2 tuần, vật mang mầm bệnh là động vật. Virus xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, vết thương trên da, niêm mạc, vết côn trùng đốt. Các trường hợp lây nhiễm sang người vẫn chưa được ghi nhận, nhưng các nhà khoa học không loại trừ nguy cơ như vậy.

Thanh Bình (lược dịch)