Hậu quả khôn lường từ lạm dụng 'thần dược' corticoid

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 17:42, 20/05/2022

Corticoid là dược chất chống viêm, chống dị ứng, hiệu quả trong điều trị các bệnh liên quan đến sưng, viêm… Chính vì có nhiều tác dụng nên hiện nay nhiều người có xu hướng tôn sùng như một “thần dược” mà không biết hậu quả khó lường.
hinh_anh_bn_voi_bieu_hien_cua_hoi_chung_cushing.png
Hình ảnh một bệnh nhân lạm dụng corticoid bị teo cơ tứ chi, béo bụng, da mỏng ... Ảnh: BVCC

Lạm dụng vì có tác dụng nhanh

Do làm giảm đau, giảm sưng nhanh và giảm nhiều triệu chứng khác, corticoid rất dễ bị lạm dụng. Chúng có trong thuốc do người dân tự mua như: thuốc chữa đau nhức xương khớp, thuốc bôi ngoài da, chữa ho, cảm, sốt, thuốc dân gian...

Bà N.T.T. (54 tuổi, TP.HCM) cho biết khoảng 10 năm trở lại đây bà thường xuyên đau nhức các khớp tay chân cứ mỗi lần thấy đau nhức khớp bà lại đến các hiệu thuốc mua thuốc chữa đau nhức để cắt đứt cơn đau liền. Thời gian gần đây bà thường xuyên cảm thấy khó thở kèm theo sốt cao, đến bệnh viện khám thấy loãng xương và đái tháo đường.

Bà T. cho biết thêm tính chất công việc và không có thời gian điều trị lâu dài nên dùng các loại thuốc giảm cơn đau nhanh để đỡ tốn thời gian.

Còn bà D.T.K (61 tuổi, ở Bắc Ninh) là bệnh nhân nội trú đang điều trị tại khoa Nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp 2 cách đây 1 năm (đang duy trì tiêm insulin hằng ngày), đau khớp gối khoảng 10 năm, bà K. đã nhiều lần tiêm khớp không rõ thuốc và ngoài ra bà còn sử dụng thuốc nam để điều trị đau khớp theo kinh nghiệm truyền miệng.

Đợt này, bà thấy mệt mỏi nhiều, ăn uống giảm, gầy sút 7kg trong một tháng nên đã đến bệnh viện khám. Qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm bác sĩ phát hiện bệnh nhân có biểu hiện kiểu hình Cushing: teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng, da mỏng, dễ xuất huyết …. và suy tuyến vỏ thượng thận do lạm dụng các thuốc có chứa corticoid.

Nhiều hiệu thuốc thường cảnh báo người mua về biến chứng nguy hiểm nếu sử dụng nhiều corticoid như loét dạ dày, loãng xương,... Tuy nhiên, nếu người mua có nhu cầu sử dụng hiệu thuốc vẫn bán theo hộp, theo đó chỉ vài chục ngàn là có ngay một hộp corticoid để dùng.

Một hiệu thuốc nằm trên đường Lê Quang Định (Q.Gò Vấp) cho biết nếu trường hợp muốn cắt đứt cơn đau nhanh chóng, người bệnh có thể dùng thuốc kháng viên corticoid, thuốc rất hữu hiệu trị ho, viêm họng, đau nhức khớp... Chủ hiệu thuốc vẫn cảnh báo người mua không nên sử dụng quá nhiều và phải uống theo đơn của bác sĩ, tuy nhiên khi được tỏ ý muốn mua cả hộp về uống hiệu thuốc vẫn bán.

thuoc-khang-histamin-tri-man-ngua.jpeg
Không nên lạm dụng corticoid - Ảnh: Internet

Nhiều sản phẩm corticoid trá hình

TS.BS Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết corticoid hay corticoids là một dược chất có tác dụng như một nội tiết tố của tuyến thượng thận trong cơ thể tiết ra. Nội tiết tố này có 3 tác dụng chính bao gồm kháng viêm, ức chế miễn dịch và tăng chuyển hóa trong cơ thể, qua đó có thể giúp giảm các tình trạng sưng viêm, ức chế miễn dịch và giúp cơ thể hoạt động hăng hái hơn.

Như vậy corticoids được dùng trong trường hợp giảm nhanh sưng viêm của các mô hoặc cơ quan đang bị viêm nhiễm hay các tình trạng dị ứng do cơ địa như hen suyễn, mày đay, chàm lupus đỏ, bệnh thấp, viêm giáp tự miễn, bệnh bóng nước tự miễn….

Corticoid khi dùng chúng chỉ có tác dụng ở giai đoạn đầu trong một thời gian ngắn, nhưng nếu lạm dụng trong thời gian dài thì cơ thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái dị hóa (cơ teo, mục xương, mỏng rạn da, tích trữ mỡ…), ngày càng bệ rạc và mệt mỏi.

Hiện nay corticoids bị lạm dụng, tức sử dụng corticoids không đúng cách trong cuộc sống rất nhiều. Chính vì bất kỳ tình trạng nào gây viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) hay mệt mỏi, đau nhức cấp thời thì corticoid đều giúp cho người dùng cảm giác khỏe ngay lập tức. Từ đó dẫn đến nhiều người “nghiện” đến mức không thể bỏ được đặc biệt là ở những người lao động nặng nhọc.

TS Vân Thanh cho biết hiện nay corticoids tồn tại “trá hình” trong rất nhiều sản phẩm như viên thuốc gia truyền, thuốc bắc, thuốc đông y, thuốc tễ... trôi nổi nhiều trên thị trường. Khi cơ thể tiêu thụ qua đường chích, truyền, uống hoặc bôi mỗi ngày trên diện tích da rộng từ hơn 30% bề mặt cơ thể và trong khoảng thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên thì chắc chắn sẽ có tác dụng phụ toàn thân.

Ngoài ra corticoids được tồn tại với nhiều tên gọi, hình dạng khác nhau chẳng hạn viên đề-xa, viên hạt dưa màu vàng, hình tròn nhỏ, dẹt, bầu dục, lục giác… với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, hồng, xanh dương nhạt… mà chúng ta rất khó để nhận biết.

Cẩn trọng với thuốc nam trôi nổi

ThS.BS Phạm Thị Lưu - Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – cho biết trung bình một ngày bệnh viện này có thể có đến 1/3 số bệnh nhân nhập viện tại khoa có tình trạng lạm dụng corticoid. Đây thực sự là một hồi chuông đáng báo động.

Có nhiều trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc theo đơn cũ không đi khám lại hoặc tự ý ra các hiệu thuốc mua thuốc về dùng theo kinh nghiệm truyền miệng, thấy hiệu quả giảm đau, chống viêm tức thì ngay sau khi sử dụng thì cho rằng đó là “thần dược” nên đã dùng thường xuyên.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân còn tìm đến các loại thuốc đông y, thuốc nam vì nghĩ nó “lành hơn” thuốc tây mặc dù không biết nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính: đau khớp, gút, viêm mũi xoang, dị ứng… mà nhóm thuốc này rất khó xác định được thành phần cũng như liều lượng corticoid trong đó, chỉ đến khi các tác dụng phụ của việc lạm dụng corticoid nặng nề mới đến gặp các bác sĩ và phát hiện ra tác hại của nó.

“Việc sử dụng corticoid như con dao hai lưỡi. Vì vậy, để phát huy hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng bất lợi của nhóm thuốc này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị và chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt các loại thuốc nam, thuốc bắc trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc mạnh mẽ để siết chặt quản lý việc quảng cáo thuốc trên mạng cũng như việc mua bán thuốc không có đơn hiện”, bác sĩ Lưu nói.

ANH ĐÀO