Hàn Quốc lo lắng khi người dân đổ xô bắt đáy Luna
Cuộc sống số - Ngày đăng : 07:29, 20/05/2022
Giá trị của đồng Luna lao thẳng đứng cùng với đồng tiền ổn định TerraUSD. Cả hai token đều gắn với Terra, nền tảng blockchain do Do Kwon, nhà phát triển người Hàn Quốc, sáng lập. Theo hãng phân tích Elliptic, nhà đầu tư đã mất khoảng 42 tỷ USD vì chúng.
Luna là một trong các đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới. Cú rơi tự do của nó cùng với TerraUSD đã gây ra “địa chấn” trên toàn bộ cộng đồng tiền mã hóa. Bitcoin cũng mất khoảng 1/4 giá trị trong vỏn vẹn vài ngày, từ 9 đến 12/5.
Từng được giao dịch gần 100 USD vào cuối tháng 4, Luna nay chỉ còn khoảng 1 cent, thấp đến mức nhiều người kỳ vọng nó sẽ hồi sinh từ tro tàn. Một số nhà đầu tư tin rằng Luna sẽ không sụp đổ.
“Luna từng nằm trong top 10 đồng coin tính theo vốn hóa thị trường, vì vậy, họ sẽ làm mọi thứ có thể để phục hồi”, một nhà đầu tư viết trên nền tảng Naver nhưng không nói “họ” ở đây là ai. Blogger này cho biết đã mua 300.000 Luna hồi cuối tuần với giá 0,33 won (0.0003 USD) thông qua sàn giao dịch quốc tế.
Chứng kiến lượng người mua Luna tăng đột biến, Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) đã phải lên tiếng cảnh báo. Theo một nguồn tin tại FSC, chỉ trong 2 ngày, tính đến 15/5, trên các sàn giao dịch lớn của Hàn Quốc, số nhà đầu tư mua Luna đã tăng hơn 50%, đạt 280.000 người. Người mua chủ yếu sinh sống ở trong nước, tỉ lệ nhỏ đến từ nước ngoài.
Bithumb và Upbit, hai trong số các sàn giao dịch lớn nhất xứ “củ sâm”, thông báo sẽ ngừng hỗ trợ giao dịch Luna tương ứng vào ngày 27/5 và 20/5, trong khi Coinone đã tạm dừng hoạt động liên quan đến Luna và có thể loại bỏ đồng tiền này khỏi sàn vào ngày 25/5.
Hoạt động mua bán sôi động dường như không ảnh hưởng lớn đến giá của Luna. Trong tuần qua, Luna dao động loanh quanh chưa tới 1 cent. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư vào tài sản biến động mạnh và rủi ro, từ tiền mã hóa cho tới chứng khoán, của người Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ, lại khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Sự nhiệt tình của các nhà đầu tư đã giúp Luna và TerraUSD lọt vào danh sách những đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới theo vốn hóa. Song mọi chuyện quay ngoắt 180 độ vào ngày 10/5, khi TerraUSD mất chốt 1:1 với đồng USD. Ngày 18/5, giá TerraUSD vào khoảng 10 cent.
Không như các đồng ổn định khác được gắn với tài sản thật, giá trị của TerraUSD được xác định bằng quy trình thuật toán phức tạp và liên kết với token Luna. Trong hệ thống, 1 token TerraUSD có thể đổi lấy 1 USD Luna và ngược lại. Nếu TerraUSD giảm xuống dưới 1 USD, nhà giao dịch được khuyến khích mua đồng tiền ổn định để đổi nó lấy 1 USD Luna, từ đó giảm nguồn cung TerraUSD và đẩy giá trở lại 1 USD.
Đó là về lý thuyết, nhưng thị trường chứng minh lý thuyết đã sai. Khi thị trường sụp đổ, hàng trăm nhà đầu tư nhỏ lẻ trút sự phẫn nộ lên mạng xã hội, một số yêu cầu ông Kwon bồi thường tổn thất.
Tuần trước, Kwon thông báo kế hoạch thay đổi hệ thống để giải cứu Luna và TerraUSD, song không rõ có đạt được hay không. Trong khi đó, chính phủ không làm được gì nhiều để bảo vệ nhà đầu tư do giao dịch tiền mã hóa diễn ra ngoài phạm vi pháp lý.
Du Lam (Theo Reuters)