Những 'ngã rẽ' không tồi nếu thí sinh trượt lớp 10 công lập
Xã hội - Ngày đăng : 16:11, 19/05/2022
Năm học 2021-2022, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 em so với năm học 2020-2021.
Dự kiến, các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào trường công lập chỉ khoảng 77.000 học sinh. So với năm 2020-2021, chỉ tiêu vào lớp 10 trường công lập năm 2022- 2023 đã tăng thêm 10.000 học sinh.
Như vậy sẽ có đến 52.000 học sinh không tiếp tục học THPT công lập. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong số này, dự kiến sẽ có khoảng 27.000 học sinh sẽ vào học lớp 10 các trường ngoài công lập; khoảng 12.900 học sinh học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và 12.100 học sinh học các trường nghề. Đó cũng là những cánh cửa mà các thí sinh có thể cân nhắc.
Trên thực tế, mong con thi đỗ vào trường THPT công lập là nguyện vọng chính đáng của tất cả các bậc phụ huynh. Nhưng đôi khi, có những học sinh vì khả năng có hạn nên gia đình và nhà trường cần định hướng theo từng giai đoạn, lộ trình để có hướng đi phù hợp.
Theo quy định của Hà Nội, các trường tư có thể được tuyển sinh bằng xét học bạ THCS, bằng kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố hoặc kết hợp cả hai phương thức. Vậy nên học trường tư cũng là một trong những lựa chọn không tồi nhất là khi Hà Nội có trên 100 trường ngoài công lập.
Không ít trường THPT ngoài công lập vẫn có tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học công lập khá cao. Nhiều trường tư thục thậm chí đi đầu trong việc áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, các phương pháp dạy học tiên tiến.
Nếu không may trượt lớp 10 công lập thì thí sinh vẫn còn nhiều lựa chọn khác. (ảnh minh họa) |
Ngoài ra, thí sinh có thể cân nhắc đến việc học nghề vì có những nghề có cơ hội việc làm tốt nhưng việc tuyển sinh sau THCS vẫn rất hạn chế.
Hiện nay về nội dung chương trình của trường nghề không có sự khác biệt so với chương trình tại các trường công lập. Nhiều trung tâm cũng đã có sự thay đổi, nâng cấp phương pháp giáo dục đào tạo, để đảm bảo các em học tại trung tâm không bị chênh kiến thức so với các học sinh trường công lập.
Kết thúc chương trình học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các em sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT cùng với học sinh chính quy, bằng tốt nghiệp không phân biệt hình thức đào tạo.
Hiện nay phương án cho con em vào các trường nghề, cũng là lựa chọn không tồi nếu khả năng học của các em không thực sự tốt. Bởi lẽ, tốt nghiệp những trường này thí sinh đồng thời vừa được đào tạo văn hóa vừa được đào tạo nghề.
Đó là chưa kể, theo quy định hiện nay, học sinh học trường nghề sau THCS vẫn được học chương trình văn hóa, bên cạnh chương trình đào tạo nghề.
Học sinh tốt nghiệp trường trung cấp nghề được phép dự thi tốt nghiệp THPT như học sinh hệ THPT và được cấp bằng tốt nghiệp như học sinh hệ THPT. Học sinh tốt nghiệp trung cấp cũng có thể học liên thông lên cao đẳng.
Vậy nên, với sự phát triển ngày càng đầy đủ về các nghề các ngành, các cấp học theo yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học, việc không thi đỗ vào lớp 10 công lập không có nghĩa là cánh cửa đã đóng bởi vẫn còn các mô hình đào tạo khác để học sinh lựa chọn.
Nếu phụ huynh muốn cho con học các trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề trên địa bàn thì nên dành thời gian tìm hiểu thêm về học phí, chương trình đào tạo để xem có phù hợp với năng lực của con em mình hay không.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho hay hiện nay hệ thống giáo dục trung học trên địa bàn thành phố rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Học sinh thành phố có nhiều hướng lựa chọn cho giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Việc học tiếp lớp 10 THPT công lập chỉ là một trong nhiều hướng lựa chọn cho học sinh sau THCS.
Hoàng Thanh