Báo động: Đột quỵ đang tấn công người trẻ

Tin Y tế - Ngày đăng : 16:01, 19/05/2022

Đột quỵ là bệnh lý thường xuất hiện ở người cao tuổi (50 - 60 tuổi), nhưng nay độ tuổi mắc căn bệnh ngày càng trẻ hóa. Tại TP.HCM đã ghi nhận nhiều người trẻ bị đột quỵ khi đang khỏe mạnh.
z2699655735794_dce119ec1d3714837c063ff60956a4da.jpg
Đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa - Ảnh: BVCC

Đột quỵ ở người trẻ tăng 2% mỗi năm

Mới đây, Bệnh viện Xuyên Á TP.HCM đã cứu sống bệnh nhân B.K. (18 tuổi, ngụ Long An) bị đột quỵ do xuất huyết não.

Theo lời kể người nhà, cách đây khoảng hai tuần, sau khi đi học về, K. vào phòng tắm thay quần áo. Vừa bước ra ngoài, K. bất ngờ lên cơn co giật mạnh, bất tỉnh rồi rơi vào hôn mê.

Gia đình lập tức đưa K. tới bệnh viện cấp cứu. Qua kết quả chụp CT não, các bác sĩ kết luận K. bị đột quỵ do xuất huyết não, cần phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Bệnh nhân được nhanh chóng chuyển từ khoa cấp cứu lên phòng mổ trong tình trạng hôn mê sâu, liệt nửa người bên trái, phản xạ ánh sáng yếu, phải thở máy qua nội khí quản.

Sau khi loại trừ các nguyên nhân dị dạng mạch máu não, các bác sĩ kết hợp cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Kết quả chụp CT kiểm tra sau mỗi ngày thấy khối máu trong não thất tan nhiều và lưu thông dịch não tủy trở lại ổn định.

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai cho biết (từ ngày 9/11 đến 15/12/2020) nơi này đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi. Thậm chí, tại đây đã tiếp nhận trường hợp 14 tuổi cũng bị đột quỵ. Khi nhập viện, bệnh nhân này có biểu hiện đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động. Chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch não…

Tương tự, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận điều trị trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi và nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại đây đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17%.

Vì sao đột quỵ có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi?

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM sở dĩ đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa do những nguyên nhân dưới đây:

- Ăn uống không lành mạnh: Những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo như thức ăn nhanh, nội tạng động vật, thực phẩm ngọt nhiều đường… có nguy cơ khiến mỡ máu tăng cao. Đồng thời những tác nhân này sẽ bám vào thành mạch máu rất dễ khiến gây tắc nghẽn. Trong khi đó, những thực phẩm trên là một trong những món sở trường của giới trẻ hiện nay và là nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi hàng đầu.

- Uống nhiều bia rượu: Chất cồn trong rượu bia là một trong những nguyên nhân gây tăng khả năng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Kết hợp với bia rượu là việc sử dụng đồ nhậu nhiều dầu mỡ, chất béo khiến cho nguy cơ mắc bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng cao. 90% các cơn đột quỵ xảy ra đều do điều này.

- Làm việc quá sức: Khi làm việc quá sức sẽ gây những áp lực lớn lên não. Trong môi trường sống hiện đại, giới trẻ có xu hướng theo đuổi công việc cộng với những áp lực, căng thẳng khiến cho huyết áp tăng cao, cơ tim co bóp mạnh.

Khi dòng máu chảy về não tăng đột ngột gây nguy cơ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não.

- Tình trạng thừa cân: Chế độ dinh dưỡng không hợp lý gây nên tình trạng thừa cân ở giới trẻ. Khi cơ thể tiêu thụ lượng thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo thì nguy cơ tăng cân ngày càng cao.

Đặc biệt với dân văn phòng, do tính chất công việc ít vận động khiến cho cân nặng tăng không kiểm soát dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ.

 - Lười vận động: Một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi là do lười vận động. Đây là lý do các bác sĩ khuyến cáo người trẻ phải chăm tập thể dục. Hoạt động nhiều khiến cho cơ thể đánh tan mỡ thừa, giải độc cơ thể, giảm mỡ máu và giúp ổn định cân nặng, giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi.

0ba3984f69659b3bc274-1618284512583425549418-1618288992330800896996.png
Nhiều người trẻ tuổi vẫn bị đột quỵ - Ảnh: BVCC

Dấu hiệu nhận biết đột qụy?

Theo TS. BS Nguyễn Bá Thắng - trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (hay còn gọi là quy tắc FAST) sau đây:

F - Face (mặt): Người bệnh có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh cười mở miệng lớn.

 A - Arm (cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên và giữ lại cùng một lúc.

 S - Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói.

 T - Time (thời gian): tranh thủ tối đa thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc gọi xe cứu thương để được cấp cứu kịp thời.

"Để phòng ngừa đột quỵ, cần giữ lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, thể dục, thể thao; chế độ ăn hợp lý, tăng cường rau xanh, giảm mỡ béo, đường bột; bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia… Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả", bác sĩ Thắng nói.

ANH ĐÀO