Nhận định U23 Việt Nam - U23 Malaysia: Đừng để là chữ nếu…
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 12:51, 19/05/2022
U23 Việt Nam và U23 Malaysia sẽ chơi “ván bài lật ngửa” khi bước vào trận bán kết 2 môn bóng đá nam SEA Games 31 vào tối nay (19h00) trên sân Việt Trì. Mặc dù huấn luyện viên Park Hang-seo quyết định cho các học trò thực hiện buổi tập kín vào chiều 18.5 nhưng có thể nói rằng, đến thời điểm này, cả U23 Việt Nam cũng như U23 Malaysia không có gì để giấu diếm nữa cả. Tất cả đã biết điểm mạnh, điểm yếu của 2 đội là gì.
Nhìn từ vòng bảng, hẳn nhiên, giới chuyên môn đã có đủ dữ liệu để đánh giá về 2 đối thủ. Và khi cả việc huấn luyện viên Park Hang-seo hay đồng nghiệp Brad Maloney đều đã chỉ ra cho bàn dân thiên hạ thấy các khía cạnh quan trọng trong cách chơi của đối thủ, những nhân tố cần lưu tâm… thì vấn đề quyết định trận đấu phụ thuộc vào tâm lý của 22 cầu thủ (có thể ít hơn tùy theo diễn biến trận đấu) trên sân.
Những vấn đề nào tác động đến tâm lý của các cầu thủ? Những tác động đó mang tính tích cực hay tiêu cực? Làm gì để phát huy điểm mạnh hoặc khắc phục điểm yếu? Cần gì để điều chỉnh tâm lý theo thế trận?... Đó là số ít những câu hỏi cần cả 2 đội trả lời nếu muốn trận đấu diễn ra theo ý mình.
Nói về kết quả ở vòng bảng, dù U23 Việt Nam đứng đầu bảng A nhưng chưa chắc tâm lý đã thoải mái bằng U23 Malaysia về nhì bảng B. Bởi trong lúc đội chủ nhà đi trên hành trình theo chiều hướng ngày càng đi xuống về mặt hiệu quả tấn công thì Malaysia duy trì được sự hưng phấn sau trận mở màn thắng U23 Thái Lan. Họ rất chủ động trong lựa chọn của mình.
Nói một cách hình ảnh, U23 Việt Nam vẫn “chưa phá được vòng vây tâm lý” cũng chỉ bởi 3 trận đấu không thực sự tốt, nhưng dù sao, thầy trò Park Hang-seo cũng có “trợ thủ” quan trọng để gánh hộ. Một là sự căng thẳng được giải tỏa phần nào khi đối thủ không phải U23 Thái Lan (nói gì thì nói, U23 Thái Lan vẫn là cái tên luôn tạo ra áp lực cho bóng đá Việt Nam, nhất là ở vòng bán kết). Hai là đông đảo người hâm mộ trên sân Việt Trì.
Thầy Park và các nam cầu thủ có thể “tham khảo” cách mà các tuyển thủ nữ thể hiện ở trận bán kết với Myanmar tối 18.5 trước sự cổ vũ của gần 16.000 cổ động viên trên sân Cẩm Phả. Vẫn sẵn sàng “va chạm” để không bị tâm lý lo sợ lấn át, và đồng thời cách triển khai tấn công thực sự có ý đồ. U23 Việt Nam còn rất thiếu chi tiết đó.
Yếu tố tích cực khác mà U23 Việt Nam lợi thế hơn đối thủ là có Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh trong đội hình. Không khó để thấy sự khác biệt trong thể hiện của U23 Việt giữa thời gian có và không có bộ ba cầu thủ quá tuổi này. Ở trận đấu quan trọng như bán kết, kinh nghiệm của họ đủ quan trọng để “bơm” thêm sự tự tin cho các đàn em.
U23 Malaysia không gọi cầu thủ nào trên 23 tuổi nên rõ ràng là trong bối cảnh áp lực lớn từ cổ động viên chủ nhà, họ sẽ khó khăn hơn. Tận dụng được điều đó trong khoảng thời gian đầu trận, U23 có thể sẽ tạo lợi thế. Nhưng cũng phải thấy rằng, với dàn sao trẻ, khi cùng nhau vượt qua được sức ép, U23 Malaysia sẽ trở nên đáng gờm.
Một vấn đề khác, trận đấu này diễn ra khi đã xác định được đội đầu tiên vào chung kết (U23 Thái Lan gặp U23 Indonesia ở trận bán kết lúc 16h00), đó cũng có thể là một tác động không nhỏ đến tâm lý khi “nghĩ về cơ hội vô địch”.
Nói về chuyên môn, “ván bài” ở Việt Trì không vồ vập trong tấn công, dù sơ đồ chiến thuật giống nhau (3-4-3). Thay vào đó, cần chờ xem 2 huấn luyện viên có “miếng đánh” nào để buộc đối thủ phải sơ hở (chứ khó có chuyện chủ quan). Nhìn chung, đây không phải là thời điểm để… nghĩ về những thứ khác. Tâm trí phải dành trọn cho từng giây của trận đấu. Cơ hội đến phải tận dụng tốt nhất có thể, nếu không muốn sau trận đấu phải lôi chữ “nếu” ra từ két sắt…