Đi ô tô điện cần bảo dưỡng những gì?
Soi xe - Ngày đăng : 12:30, 19/05/2022
Bảo dưỡng động cơ điện
Nếu so với động cơ chạy bằng xăng dầu có tới hàng trăm linh kiện và bộ phận cơ khí phải thường xuyên kiểm tra định kỳ thì động cơ của xe ô tô điện có kết cấu đơn giản hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải vì lý do đó mà người dùng chủ quan trong việc kiểm tra và bảo dưỡng động cơ điện. Một số công việc cần chú ý khi bảo dưỡng bộ phận này bao gồm: làm vệ sinh động cơ; kiểm tra ổ trục, dây dẫn điện; kiểm tra và bôi trơn bạc đạn,…
Kiểm tra và bổ sung chất làm mát pin
Đối với cơ chế vận hành của xe điện, nhiệt độ pin là một vấn đề rất lớn, vì vậy pin lithium-ion là bộ phận cần được kiểm tra và bảo dưỡng kỹ càng nhất. Bởi ô tô điện nếu không được đảm bảo về khả năng làm mát có thể dẫn đến hiện tượng cháy nổ rất nguy hiểm. Đây là danh mục quan trọng nhất trong việc bảo dưỡng ô tô điện.
Giống như nước làm mát trên ô tô động cơ xăng và dầu, chủ xe cần thường xuyên kiểm tra và bổ sung thêm chất làm mát pin cho ô tô điện để đảm bảo khả năng vận hành ổn định và an toàn nhất.
Bổ sung và thay thế dầu hộp số
Hầu hết hộp số trên ô tô điện hiện nay là hộp số một cấp, có kết cấu đơn giản hơn rất nhiều so với các loại hộp số sàn, hộp số tự động của ô tô sử dụng động cơ đốt trong (một số mẫu ô tô điện thậm chí còn không có hộp số). Do có cấu tạo đơn giản như vậy cùng với việc được bôi trơn bằng nhớt tổng hợp cao cấp, hộp số của ô tô điện gần như không gặp những hư hỏng quá đáng lo và có độ bền cao. Vì vậy bộ phận này không đòi hỏi quá nhiều thời gian cũng như chi phí trong việc bảo dưỡng xe ô tô điện.
Hạng mục cần quan tâm nhất khi bảo dưỡng hộp số ô tô điện là dầu bôi trơn. Chủ xe chỉ cần lưu ý kiểm tra, bổ sung và thay thế dầu bôi trơn khi cần thiết để đảm bảo khả năng vận hành lý tưởng nhất, tránh hư hỏng các chi tiết cơ khí.
Một số hạng mục bảo dưỡng ô tô điện khác
- Má phanh: Ô tô điện sử dụng hệ thống phanh tái tạo với cơ chế đảo chiều động cơ điện để làm chậm các bánh xe lại, vì vậy các má phanh sẽ không bị mài mòn quá nhiều như cơ chế phanh trên ô tô động cơ xăng và dầu. Mặc dù vậy, má phanh vẫn là một hạng mục đòi hỏi chủ xe điện cần kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ, với tần suất thấp hơn ô tô động cơ đốt trong.
- Lốp xe: Cần kiểm tra áp suất lốp và tình trạng thực tế về độ mòn của từng bánh xe. Ngoài ra còn cần kiểm tra độ chụm bánh xe để đảm bảo sự an toàn tối đa khi xe vận hành.
- Cần gạt nước kính chắn gió: Giống như ô tô sử dụng động cơ đốt trong, xe điện cũng có cần gạt nước với cơ chế hoạt động tương tự. Vì thế cần gạt nước cần được bảo dưỡng định kỳ, thay lưỡi gạt 2 lần/1 năm (tùy vào điều kiện sử dụng xe mà có thể sớm hơn).
- Các bộ phận khác: Ngoài ra việc bảo dưỡng ô tô điện còn cần quan tâm đến một số chi tiết khác nhưng không đòi hỏi tần suất cao như hệ thống túi khí an toàn, dầu phanh, bộ lọc không khí trong cabin, hệ thống đèn chiếu sáng, các bộ phận lái và hệ thống treo.