Nỗi thống khổ người đi đúng phải đền cho người đi sai!
Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 19/05/2022
Chuyện “xe lớn phải đền xe bé” lại trở thành chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên các hội nhóm giao thông. Chủ đề này bắt nguồn từ vụ tai nạn vừa xảy ra trên cao tốc Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long, Hà Nội), khi một phụ nữ đi xe máy ngược chiều trên làn đường dành cho ô tô chết thảm sau cú va chạm với ô tô bán tải.
Từ đây, nhiều lái xe ô tô chia sẻ câu chuyện xảy ra với chính họ khi đi đúng vẫn phải còng lưng đền bù cho xe đi sai, chạy ẩu dù trong vụ tai nạn giao thông (TNGT) vừa qua không hề có chuyện gia đình người phụ nữ xấu số bắt ép lái xe bán tải phải bồi thường.
Mất gần trăm triệu đồng để có đơn bãi nại
Chia sẻ với phóng viên VTC News, anh N.V.A (trú tại tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vào năm 2020, gia đình anh trở thành nạn nhân của “luật rừng” bất thành văn “xe lớn phải đền xe nhỏ” sau vụ TNGT gây chết người.
“Hôm đó em trai tôi điều khiển xe ô tô 4 chỗ lưu thông trên tuyến đường thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Một xe máy đi đối diện lấn làn và đâm trực diện vào bên ghế phụ của xe em tôi”, anh A. kể.
Sau tai nạn, với trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia giao thông, gia đình anh A. đưa người bị nạn đi cấp cứu. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện thì người này đã mất. Gia đình anh A. cũng tự nguyện gửi 10 triệu đồng để hỗ trợ gia đình người tử nạn tổ chức ma chay.
“Cùng thời điểm đó, cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường, thực hiện các nghiệp vụ để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Theo camera hành trình, xe của em trai tôi đi với tốc độ 52 - 54 km/h trên cung đường cho phép chạy 80 km/h.
Đoạn đường này ngoài khu dân cư, không có dải phân cách cứng nhưng có vạch liền. Sau tai nạn, xe ô tô nằm hoàn toàn bên phía làn lưu thông, xe máy lấn làn và đâm trực diện vào phía bên ghế phụ của xe ô tô.
Cảnh sát giao thông cũng kiểm tra nồng độ cồn của em trai tôi, trang thiết bị, giấy tờ xe… mọi thứ đều đúng theo quy định. Cuối cùng, họ kết luận tai nạn xảy ra do người đi xe máy lấn làn”, anh A. nói.
Tình trạng các phương tiện xe hai bánh vi phạm đi ngược chiều diễn ra rất phổ biến, xảy ra cả trong các tuyến đường nội đô và trên các tuyến đường quốc lộ
Tuy không có lỗi nhưng sau vụ tai nạn, chiếc xe của em trai anh A bị tạm giữ vì có yếu tố chết người và công an cũng hướng dẫn gia đình anh gặp gia đình người thiệt mạng để thoả thuận dân sự.
“Để cơ quan công an đóng hồ sơ, mình lấy được xe ra thì phải có đơn bãi nại của bên bị thiệt hại về người. Gia đình chúng tôi đến gia đình người tử nạn nhờ họ làm đơn bãi nại. Một thời gian dài sau đó, gia đình họ vẫn không hợp tác với cơ quan chức năng để sớm giải quyết vụ việc do không đồng ý với mức chi phí mà gia đình tôi đưa ra.
Dù được cơ quan công an thông báo tai nạn xảy ra là do người thân của họ lấn sang làn ngược chiều và gây ra tai nạn, nhưng họ lại lấy lý do vừa có người chết nên gia đình đau buồn, không có tâm trí để giải quyết”, anh A kể.
Lo ngại chiếc xe hư hỏng mà còn “dầm mưa dãi nắng” hơn tháng trời nên gia đình anh A. phải chi ra số tiền gần 100 triệu đồng cho gia đình người thiệt mạng để có được có được lá đơn bãi nại.
Chúng tôi là người đi đúng, nhưng lại mất đủ thứ tiền từ chi phí hỗ trợ mai táng, đền bù rồi tiền sửa xe.
Anh N.V.A
“Thoả thuận lên, thoả thuận xuống năm lần bảy lượt thì họ mới đồng ý. Về mặt pháp lý thì gọi là tiền hỗ trợ sau tai nạn, nhưng thực chất chính là tiền đền bù.
Chúng tôi là người đi đúng, nhưng lại mất đủ thứ tiền từ chi phí hỗ trợ mai táng, đền bù rồi tiền sửa xe. Chiếc xe là không chỉ là phương tiện đi lại, mà với gia đình chúng tôi còn là công cụ làm ăn mà cứ bị dầm mưa dãi nắng hư hỏng càng nặng hơn, rồi còn phải trả phí trông giữ nữa chứ, không thể cứ để xe bị giam mãi được nên chẳng còn cách nào khác phải chi tiền để bên bị thiệt hại làm đơn bãi nại”, anh A bức xúc nói.
Anh A cho biết, trước đó, bản thân anh cũng rơi vào sự việc tương tự nhưng cả hai bên đều sử dụng phương tiện là xe máy.
“Năm 2001, tôi đang đi đúng phần đường và tốc độ cho phép. Một người đàn ông đi từ bên kia đường quay đầu rồi đâm thẳng vào xe tôi. Tai nạn xảy ra, anh ta thiệt mạng còn tôi phải nằm viện mất mấy tháng”, anh A kể.
Ra viện, anh A phải đến nhà người gây ra tai nạn cho mình để làm thủ tục đền bù.
“Mất cả tháng trời thoả thuận thì tôi phải đền bù cho gia đình họ 15 triệu đồng. Số tiền đó cách đây hơn 20 năm là cả một gia tài.
Là một người sống và làm việc luôn tuân thủ theo pháp luật, tuy nhiên tôi cho rằng luật định còn nhiều kẽ hở, bất cập. Ví dụ trong nhiều vụ tai nạn, thuật ngữ “không giữ tốc độ, không đảm bảo khoảng cách an toàn” là như thế nào?
Mình chạy đúng tốc độ thì tại sao lại là không giữ tốc độ, làm sao giữ khoảng cách an toàn khi mình bị đâm trực diện? Hay như vụ án ở trên Thái Nguyên rầm rộ một thời gian dài, người ta lùi thẳng vào mình thì làm sao giữ khoảng cách an toàn được”, anh A thắc mắc.
Mất đủ loại chi phí để lấy xe về
Anh V.V.H (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể rằng bản thân cũng mất nhiều thời gian và tiền bạc khi vướng phải vụ TNGT mà anh là người đi đúng luật.
“Vào một buổi tối cách đây gần 5 năm, tôi đang di chuyển bằng ô tô trên trục đường Giải Phóng, xe đi đúng tốc độ, đúng làn đường thì bị một nam thanh niên đi ngược chiều tông phải.
Sau va chạm, người thanh niên bị thương khá nặng, hai chiếc xe cũng bị hư hỏng. Tôi chủ động gọi cấp cứu đưa anh ta vào viện và liên hệ với công an để giải quyết sự việc”, anh H nói.
Lực lượng chức năng sau đó có mặt đo đạc hiện trường, tạm giữ cả hai phương tiện để giám định. Những ngày sau đó, anh H phải đến cơ quan công an để cung cấp lại toàn bộ diễn biến buổi tối xảy ra tai nạn.
Người điều khiển xe máy bất chấp "tử thần" chạy ngược chiều trên các tuyến đường dành riêng cho ô tô.
“Theo lời giải đáp của cơ quan công an thì vụ việc mang tính chất dân sự nên cả hai bên chủ động hoà giải. Tôi đã đến viện, thăm hỏi và gửi chút tiền bồi dưỡng vì dù sao nam thanh niên đó cũng bị tổn hại về sức khoẻ.
Tôi cứ nghĩ mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp nhưng bên phía gia đình nam thanh niên đòi bồi thường quá cao, tôi không thể chấp nhận được”, anh H kể.
Anh H tiếp tục đến nhờ tổ CSGT xử lý tai nạn ra giải quyết nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng chỉ khi có đơn bãi nại của người đi xe máy thì anh mới được lấy xe ra.
“Hơn tháng trời, nhiều lần thoả thuận bất thành, xe bị tạm giữ khiến công việc bị dồn ứ. Cuối cùng tôi cũng phải "tặc lưỡi" đồng ý với mức đền bù mà gia đình họ đưa ra để sự việc sớm kết thúc.
Đi đúng luật, bị người ta đâm vào nhưng tôi vừa mất tiền đền bù cho người gây ra tai nạn, vừa mất tiền kho bãi khi xe bị tạm giữ, tiền sửa xe hư hỏng do tai nạn và thêm nhiều khoản chi phí khác”, anh H bức xúc nói.
Câu chuyện “người đi đúng phải đền bù cho người đi sai”, “xe lớn phải đền xe bé” cho tới bây giờ vẫn kéo dài nếu không nói là... bất tận, nếu chưa xóa bỏ được kiểu suy nghĩ và hành xử như vậy.