Chính sách của Australia đối với Trung Quốc hậu bầu cử: Tiếp tục đường lối cứng rắn?

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:21, 18/05/2022

Ngày 17/5, trang tin của Viện Quan hệ quốc tế Australia đăng bài viết của Elena Collinson, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc, Đại học Công nghệ Sydney, trong đó phân tích xu hướng chính sách của Australia với Trung Quốc sau bầu cử.
Dự báo chính sách của Australia đối với Trung Quốc hậu bầu cử
Quan hệ Australia-Trung Quốc sẽ tiếp tục theo chiều hướng đối kháng. (Nguồn: The New Daily)

Lập trường thống nhất trước thách thức cận kề

Chính sách đối với Trung Quốc hiện vẫn là một vấn đề trọng tâm trong chiến dịch bầu cử liên bang năm 2022 tại Australia. Vấn đề này càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn sau khi Quần đảo Solomon và Trung Quốc ký kết thỏa thuận an ninh được cho là có khả năng mở đường cho Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Thái Bình Dương.

Cho dù ban đầu đã rơi vào thế phòng thủ khi bị chính phủ liên đảng cầm quyền chỉ trích là “mềm yếu” trong quan hệ với Trung Quốc, Công đảng đối lập đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội chuyển sang thế phản công, khi người phụ trách vấn đề ngoại giao của đảng này là Thượng nghị sĩ Penny Wong tuyên bố, để xảy ra việc ký kết thỏa thuận an ninh trên là “sai lầm tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Australia ở Thái Bình Dương, kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai”.

Tuy nhiên, công chúng Australia không bị tác động nhiều bởi những cáo buộc trên. Theo kết quả khảo sát gần đây của Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, tỷ lệ người dân Australia ủng hộ chính sách về quan hệ với Trung Quốc của liên đảng Tự do - Quốc gia và của Công đảng là gần ngang nhau, lần lượt chiếm 36% và 35%.

Quả thực, hiện đang có một sự đồng thuận lưỡng đảng về nội dung chính sách đối với Trung Quốc, một sự đồng thuận được cả liên đảng và Công đảng chia sẻ trong chiến dịch tranh cử.

Cả hai đều phản đối các biện pháp trừng phạt thương mại của Trung Quốc đối với Australia, ủng hộ việc đa dạng hóa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Australia để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Họ cùng khẳng định rằng, Australia sẽ chỉ cân nhắc đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ngừng trừng phạt thương mại đối với Australia, cũng như nối lại đối thoại cấp cao giữa hai nước.

Cả hai phe đều cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, tăng ngân sách quốc phòng của Australia lên hơn 2% GDP. Phe đối lập cũng khẳng định, một chính quyền Công đảng sẽ duy trì sự hợp tác với nhóm Bộ tứ và Thỏa thuận An ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS), tiếp tục lập trường hiện nay về vấn đề Biển Đông và không tham gia Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc.

Trước chiến dịch tranh cử, lập trường lưỡng đảng đã được chính phủ cầm quyền thừa nhận và ca ngợi. Sau khi ra thông báo về AUKUS vào tháng 9/2021, Thủ tướng Scott Morrison cảm ơn lãnh đạo phe đối lập vì “đã có ‘cách tiếp cận đồng nhất’ đối với nỗ lực quốc gia quan trọng này”.

Đầu năm 2021, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton đánh giá cao sự ủng hộ của Công đảng đối với quyết định của Canberra về việc hủy bỏ các thỏa thuận của bang Victoria với Trung Quốc, liên quan đến BRI. Trước đó, vào năm 2020, Nghị sỹ đảng Tự do James Paterson cũng “đánh giá cao sự ủng hộ lưỡng đảng” đối với Dự luật Quan hệ đối ngoại.

Một mối đe dọa an ninh

Đối với người dân Australia, một cuộc thăm dò cho thấy cứ 10 người dân Australia thì có 4 người có cùng ý kiến cho rằng chính sách của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định của họ tại phòng bỏ phiếu vào ngày 21/5 tới, hầu hết đều cảnh giác cao với hành vi và ý định của Bắc Kinh.

Cuộc thăm dò trên cũng cho thấy, 73% số người Australia được hỏi cho rằng, "Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh", tăng 6% so với năm 2021. Như vậy, lập trường của công chúng Australia đối với Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn đáng kể.

Sự khác biệt rõ ràng giữa hai chính đảng lớn nhất ở Australia nằm ở cách thức thực hiện các chính sách. Công đảng cam kết thúc đẩy vai trò của ngoại giao và “đảm bảo vai trò trung tâm hơn của chính sách đối ngoại trong nội dung và thực thi chiến lược” nếu đảng này lên nắm quyền.

Công đảng cũng sẽ thực thi chính sách Trung Quốc của mình với kế hoạch 7 điểm, trong đó có “xây dựng một gia đình Thái Bình Dương mạnh hơn” và gắn bó sâu sắc hơn với Đông Nam Á, thông qua các cam kết về viện trợ nước ngoài 470 triệu AUD trong 4 năm, bổ nhiệm một đặc phái viên ASEAN và thành lập riêng một văn phòng phụ trách khu vực trong Bộ Ngoại giao và thương mại.

Một chính phủ mới và một sự điều chỉnh trong cách phát biểu có thể tạo ra một số cơ hội để mối quan hệ Australia-Trung Quốc trở nên ít đối kháng hơn.

Tuy nhiên, sự cứng rắn cốt lõi của quan hệ song phương có thể sẽ vẫn tiếp tục, vì chính sách đối với Trung Quốc trong chính trường Australia vẫn tiếp tục chịu sức ép từ các dòng chảy toàn cầu, khi những phức tạp ở khu vực Thái Bình Dương tiếp tục lộ rõ và mối quan ngại trong công chúng Australia về Bắc Kinh ngày càng tăng thêm.

Phương Hà