5 vũ khí Nga siêu cấp dễ khiến NATO phải 'toát mồ hôi hột'

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:05, 18/05/2022

Xung đột tại Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Một số loại vũ khí của Nga có thể khiến NATO phải dè chừng trước bất cứ động thái nào.
5 vũ khí Nga siêu cấp dễ khiến NATO phải 'toát mồ hôi hột'
Ngư lôi hạt nhân Poseidon. (Nguồn: Creative Commons)

Nga đang tiêu hao đáng kể vũ khí quân sự khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, NATO sẽ lo sợ nhất vũ khí Nga nào nếu xung đột mở rộng?

Hay nói cách khác là các nhà phân tích phương Tây lo ngại nhất về loại vũ khí nào khi xem xét khả năng quân sự lâu dài của Moscow?

Hiện nay, Nga đang tiếp tục xây dựng sức mạnh vũ khí hạt nhân bằng cách bổ sung ngư lôi đầu đạn hạt nhân của riêng mình. Đáng chú ý, Moscow cũng đang trang bị tên lửa hạt nhân cho các loại vũ khí siêu thanh. Đồng thời, quốc gia này cũng không ngừng cải tiến trực thăng tấn công và tên lửa đất đối không.

Trong một bài viết trên trang 19FortyFive, Tiến sĩ Brent M. Eastwood* đã điểm danh 5 loại vũ khí bổ sung sức mạnh quân sự đáng gờm cho quân đội Nga.

Ngư lôi hạt nhân Poseidon

Nga đang phát triển ngư lôi hạt nhân Poseidon mới. Loại vũ khí này được cho là lớn bằng một chiếc xe buýt với đường kính 7 Feet (2,13m), nặng 100 tấn.

Vì sẽ được trang bị một thiết bị hạt nhân do đó, ngư lôi Poseidon có tầm bắn rất xa, thậm chí có thể nhắm vào các thành phố của Mỹ ở cả hai bờ Đông và Tây.

Nga có thể triển khai Poseidon theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn có thể sử dụng một cách tiếp cận rất chậm khiến ngư lôi khó bị phát hiện hoặc được phóng từ một container dưới đáy biển. Nga đặt mục tiêu phóng ngư lôi Poseidon từ tàu ngầm K-329 Belgorod.

5 vũ khí Nga siêu cấp dễ khiến NATO phải 'toát mồ hôi hột'
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf

Hệ thống S-400 Triumf (SAM) đặc biệt mạnh. Nó không chỉ có thể tiêu diệt máy bay có người lái và một số máy bay không người lái của đối phương, mà còn có thể được sử dụng để chống lại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cách xa tới 400km, tùy thuộc vào loại tên lửa được sử dụng.

S-400 là thế hệ tiếp theo của hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Mỗi khẩu đội S-400 có 8 bệ phóng và 32 tên lửa với radar và đài chỉ huy di động. Hệ thống này đã được quân đội Nga sử dụng từ năm 2007.

S-400 là một hệ thống mà nhiều nước “thèm muốn”. Loại vũ khí này đã được bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Trung Quốc và Ấn Độ.

Đầu năm nay, 80 đại diện quân đội từ 52 quốc gia đã chứng kiến sức mạnh của S-400 trong cuộc bắn đạn thật tại nơi thử nghiệm Ashuluk (Nga).

Hệ thống S-500 thế hệ tiếp theo được dự kiến ra mắt vào năm nay (2022).

5 vũ khí Nga siêu cấp dễ khiến NATO phải 'toát mồ hôi hột'
Hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Hệ thống phòng không Pantsir S-1

Hệ thống pháo tên lửa phòng không Pantsir S-1 gồm bệ phóng tên lửa di động và súng phòng không.

Hệ thống Pantsir S-1 triển khai 12 tên lửa dẫn đường đất đối không và hai khẩu pháo 30mm. Ngoài máy bay, Pantsir có thể tiêu diệt tên lửa hành trình và đạn đạo đang bay tới, cũng như đầu đạn dẫn đường chính xác cao.

Hệ thống Pantsir đã được sử dụng trong nội chiến Syria, xung đột ở vùng Donbass và nội chiến ở Libya.

Các phiên bản nâng cấp khác còn có thể bổ sung radar cải tiến, tăng phạm vi phát hiện và pháo quay hiệu quả.

5 vũ khí Nga siêu cấp dễ khiến NATO phải 'toát mồ hôi hột'
Mi-28NM là phiên bản trực thăng tấn công mới nhất của Nga. (Nguồn: RIA Novosti)

"Thợ săn đêm" - Trực thăng tấn công Mi-28NM

"Thợ săn đêm" Mi-28NM là trực thăng tấn công mạnh tương tự như AH-64 Apache của Mỹ. Đây là loại trực thăng chiến đấu được trang bị cảm biến mới có thể bay và tấn công vào ban đêm.

Radar kiểu mới cho phép quan sát 360 độ cùng với hình ảnh radar mặt đất. Mi-28NM có thể bay 300km/h với tầm bay 450km.

Được mệnh danh là "thợ săn đêm", Mi-28NM được trang bị đầy đủ "tận răng" với một khẩu pháo 30mm, tên lửa chống tăng Ataka và rocket.

Loại trực thăng này được nâng cấp với các tính năng phù hợp mọi thời tiết, đặc biệt là phù hợp với điều kiện sa mạc ở Trung Đông.

Mi-28NM có khả năng liên lạc tốt hơn với các đơn vị trinh sát và tình báo trên mặt đất để thu nhận mục tiêu nhanh hơn.

5 vũ khí Nga siêu cấp dễ khiến NATO phải 'toát mồ hôi hột'
Các phương tiện quân sự của Nga, bao gồm cả hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars trong buổi diễn tập cho cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II ở trung tâm Moscow, ngày 7/5. (Nguồn: Reuters)

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars

ICBM RS-24 Yars có thể phóng di động hoặc phóng từ bệ phóng. Đây là một tên lửa nhiên liệu rắn ba giai đoạn. Nó có thể triển khai 3 đến 6 đầu đạn phân hướng (MIRV) nhắm mục tiêu độc lập có công suất từ ​​150-250 kiloton với tầm bắn khoảng 10.000km.

Tính đến năm 2016, có ít nhất 63 ICBM di động và 10 ICBM dựa trên bệ phóng được đưa vào sử dụng.

Phiên bản di động của loại vũ khí này rất khó bị phát hiện và chỉ mất 7 phút để triển khai phóng tên lửa.

RS-24 Yars cũng có thể được trang bị phương tiện lượn siêu thanh Avangard. Giống tất cả các vũ khí siêu thanh khác, RS-24 Yars trang bị thêm Avangard cực kỳ nhanh và cơ động.


* Tiến sĩ Brent M. Eastwood là cựu sĩ quan bộ binh của quân đội Mỹ. Hiện ông là biên tập viên về an ninh quốc phòng cho trang 19FortyFive, đồng thời là chuyên gia về vấn đề các mối đe dọa mới nổi. Ông là tác giả của cuốn "Humans, Machines, and Data: Future Trends in Warfare" (Con người, Máy móc và Dữ liệu: Xu hướng chiến tranh trong tương lai).

Thuý Huyền