Làm sao dạy con dùng tiền hiệu quả?

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:45, 18/05/2022

Những bài học đầu tiên của trẻ trong việc quản lý tiền nong thường không phải ở trường mà từ chính cha mẹ.

Nếu biết dạy con khéo léo từ những bài học nhỏ, cha mẹ hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng kiểm soát tài chính của bé sau này.

Trẻ làm quen với khái niệm về tiền bạc

Nhận thức về tiền của một đứa trẻ có thể bắt đầu sớm hơn cha mẹ nghĩ rất nhiều. Khoảng 4-5 tuổi trẻ đã biết quan sát cách cha mẹ sử dụng tiền bạc như: thấy cha mẹ chi trả tiền cho các hoạt động thường ngày, thấy người lớn rút tiền ở các cây ATM... Nhiều trẻ đã biết bỏ tiền nuôi heo đất, được cho tiền ăn vặt. Chính những hoạt động nho nhỏ hàng ngày ấy giúp trẻ làm quen dần với khái niệm tiền bạc, ý thức được giá trị của tiền trong cuộc sống.

Thay vì phản đối và cấm con, hãy tạo cho con cơ hội phát triển kiến thức, sự hiểu biết về tài chính, tăng kĩ năng quản lí tiền bạc. Đây hoàn toàn là những kĩ năng tốt cho trẻ nếu cha mẹ biết cách dạy con đúng hướng.

photo-1-1508292398942-1509586527.jpg
Thay vì phản đối và cấm con, hãy cho trẻ cơ hội phát triển kiến thức, sự hiểu biết về tài chính.

Những bài học cơ bản

Trong những năm đầu đến trường, trẻ em thường bắt đầu hiểu biết rõ ràng hơn về tiền bạc. Tiền là gì và nó hoạt động như thế nào? Và bạn có thể giúp chúng phát triển những kiến thức này. Đầu tiên, hãy cố gắng dạy trẻ những đồng tiền khác nhau và giá trị của chúng khi so với nhau. Hãy sử dụng hình ảnh trên các đồng tiền để giúp trẻ xác định từng mệnh giá tiền khác nhau.

20201117_061140_384224_day-con-ve-tien-bac.max-1800x1800.jpg
Dạy trẻ làm quen bắt đầu bằng việc nhận diện những mệnh giá khác nhau của đồng tiền.

Cho con thực hành giao dịch

Một khi con của bạn đã có hiểu biết tương đối về giá trị của mỗi đồng tiền, bạn có thể thử cho con một số tiền nho nhỏ khi đi mua sắm. Hãy giao cho trẻ phụ trách mua một mặt hàng quen thuộc nào đó. Điều này sẽ không chỉ giúp trẻ thực hành tìm hiểu các đồng tiền, nó cũng giúp thúc đẩy hiểu biết của trẻ về sự cần thiết phải trả tiền cho mỗi mặt hàng hàng ngày.

excited-little-redhead-children-holding-money_171337-1657.jpg
Cho trẻ thực hành những giao dịch đơn giản trong cuộc sống thường ngày.

Chia sẻ cùng con mục tiêu chung của gia đình

Một khi trẻ em bắt đầu đi học, đó cũng là một thời điểm tốt để bắt đầu cho trẻ tìm hiểu những khái niệm đơn giản về tài chính gia đình. Ví dụ, hãy cho trẻ biết rằng tiền của gia đình sẽ được sử dụng như thế nào. Không cần cho trẻ biết số tiền cụ thể, tuy nhiên có thể chia sẻ để chúng biết rằng những người lớn trong gia đình phải làm việc vất vả để kiếm tiền, và tiền được sử dụng để mua các mặt hàng khác nhau cần thiết cho gia đình. Bạn cũng có thể giải thích cho trẻ rằng số tiền còn lại sẽ được tiết kiệm cho các hoạt động đặc biệt của cả nhà, chẳng hạn như chuyến du lịch sắp tới, đổi nhà, về thăm ông bà…

tu-duy-giao-duc-cua-bo-me.jpg
Chia sẻ cùng con mục tiêu chung của gia đình để trẻ hiểu hơn về cách đặt và thực hiện mục tiêu tài chính.

Tiền tiêu vặt - Bài học đầu tiên về thu nhập

Tiền tiêu vặt là một bài học sớm cho trẻ về việc tiếp nhận thu nhập. Khi một đứa trẻ bắt đầu đi học là một thời điểm tốt để bắt đầu nghĩ về đến việc cho trẻ một khoản thu nhập thường xuyên dưới hình thức tiền tiêu vặt. Cha mẹ có thể thưởng cho con khi trẻ ngoan, làm việc tốt để trẻ có động lực cố gắng thay vì phát tiền tiêu vặt định kì hàng ngày cho bé.

Đến độ tuổi đi học cấp 1, hầu như trẻ nào cũng rất hào hứng với việc có tiền tiêu vặt. Nếu cha mẹ tranh thủ từ khoản tiền tiêu vặt dạy trẻ sẽ giúp trẻ hiểu hơn về thu nhập, để dành và chi tiêu. Nhiều trẻ đã biết tiết kiệm tiền tiêu vặt hoặc chi tiêu hợp lí khi dành dụm những “đồng thu nhập” đầu tiên của mình.

nuoi-day-con-ve-tien-bac-3.jpg
Bất kì trẻ nào cũng hào hứng với những khoản tiền tiêu vặt được cha mẹ cho.

Bỏ heo - Bài học đầu tiên về việc tiết kiệm

Dạy bé tiết kiệm bằng cách nuôi heo để thực hiện mục tiêu nào đó mà trẻ muốn. Khi trẻ muốn mua một món đồ chơi mới, thay vì đáp ứng con, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ vạch mục tiêu và tìm cách thực hiện mục tiêu đó.

Trẻ có thể làm việc nhà giúp cha mẹ để nhận được tiền và dành dụm để mua món đồ chơi mình thích. Khi thảo luận về tiền tiêu vặt với con trẻ, hãy khuyến khích trẻ tiết kiệm.

Các chuyên gia cho rằng khoản tiền tiêu vặt tốt nhất là khoản tiền mà trẻ phải lao động để kiếm được. Chắc chắn, nếu đứa trẻ phải làm các công việc vặt mỗi tuần để nhận tiền tiêu vặt, điều này dạy cho trẻ một bài học rất quan trọng trong cuộc sống: phải lao động để kiếm tiền ... không làm việc, không được trả tiền! Điều này cũng có thể giúp trẻ thấy giá trị thực của đồng tiền và biết quý đồng tiền dành dụm.

day-tre-quan-ly-tien-bac.jpg
Bỏ ống tiết kiệm chính là bài học đầu tiên của trẻ về cách quản lí đồng tiền.

Gương từ cha mẹ

Cha mẹ ảnh hưởng đến con cái, đó là điều chắc chắn. Cách dùng tiền của cha mẹ sẽ là hình ảnh trong tương lai của trẻ. Do đó, bằng cách dạy trẻ các thói quen tốt về tiền bạc, chúng ta có thể giúp chúng quản lý tiền tốt hơn sau này trong cuộc sống. Nhiều người làm ra rất nhiều tiền nhưng sử dụng không đúng cách, không biết tiết kiệm và đầu tư nên vẫn “tay trắng”.

Chính vì vậy, hãy trang bị những kĩ năng cho con bạn từ chính những bài học tài chính đơn giản. Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những thói quen tài chính của mình: cha mẹ có khoản dự phòng trong ngân hàng không hay luôn trong tình trạng thiếu hụt? Những khoản nợ có bủa vây và khiến bạn căng thẳng? Bạn có đang tiêu tiền bất chấp không cần biết ngày mai? Nếu đang gặp phải những tình trạng này bạn cần nhanh chóng tìm ra lối thoát vì con cái sẽ nhìn chính cha mẹ làm tấm gương cho mình đấy!

Hà Chi