Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi McDonald’s rời khỏi Nga?

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:07, 18/05/2022

Hai tháng sau khi đóng cửa các nhà hàng, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh lớn nhất trên thế giới McDonald’s hôm 16/5 đã tuyên bố chính thức rút lui khỏi thị trường Nga và bắt đầu quá trình bán tất cả các cửa hàng.

Theo đó, trong một thông cáo báo chí được công bố trên trang web của công ty, McDonald’s cho biết họ sẽ đảm bảo rằng 62.000 nhân viên của họ ở Nga tiếp tục được trả lương cho đến khi việc bán lại được hoàn tất, những người này cũng có thể tiếp tục được làm việc cho đơn vị chủ sở hữu mới.

“Cuộc khủng hoảng nhân đạo do xung đột quân sự ở Ukraine gây ra và môi trường kinh tế khó lường dẫn đến kết quả là McDonald’s quyết định việc tiếp tục hoạt động ở Nga không còn khả thi và không còn phù hợp với các giá trị của thương hiệu”, McDonald’s thông báo.

“Chúng ta có các nghĩa vụ đối với cộng đồng toàn cầu và chúng ta phải luôn kiên định với các giá trị của mình”, Giám đốc điều hành của McDonald’s, Chris Kempczinski cho hay.

Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi McDonald’s rời khỏi Nga?
McDonald's cho biết họ đã bắt đầu quy trình bán tất cả các nhà hàng và tài sản của mình ở Nga, để chính thức hoàn toàn rút khỏi đất nước này sau hơn 30 năm hoạt động. (Ảnh: AP)

Tổn thất lớn

McDonald’s rời khỏi Nga đồng nghĩa với tổn thất đáng kể đối với công ty mẹ. Theo ước tính sơ bộ, tài sản chủ yếu là phi tiền tệ với số tiền từ 1,2-1,4 tỉ USD. Số tiền này được tạo thành từ cả khoản lỗ từ việc chuyển đổi các loại tiền tệ được ghi nhận trước đó trong vốn chủ sở hữu của cổ đông và việc xóa bỏ các khoản đầu tư ròng trên thị trường Nga.

Theo các chuyên gia, trước đây McDonald’s lẽ ra phải cắt giảm chi phí, nhưng quyết định vẫn hỗ trợ nhân viên của mình cho đến cùng. Như đã nêu trong thông báo của McDonald’s, người lao động sẽ tiếp tục nhận lương cho đến khi hoàn thành các giao dịch. Sau đó, họ sẽ có thể tìm được công việc với một nhà tuyển dụng mới. McDonald’s dự kiến ​​rằng toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty này trên thị trường Nga sẽ được tiếp quản với một người mua mới.

Thương hiệu mới

Theo các nguồn tin, các cửa hàng đồ ăn nhanh sẽ mở cửa dưới một thương hiệu mới. Nhóm nghiên cứu thị trường được cho là được bảo lưu hoàn toàn, giống như hầu hết các mục trong thực đơn.

Tuy nhiên, McDonald’s cũng nhấn mạnh, thỏa thuận mới có thể sẽ bao gồm lệnh cấm đối với cả thương hiệu.

Việc hợp tác với các nhà cung cấp cũng dự kiến ​​sẽ tiếp tục, vì hơn 90% trong số họ là các công ty Nga. Do đó, việc tiếp tục công việc có thể xảy ra sớm nhất là vào giữa tháng 6 năm nay. Đồng thời, vẫn chưa biết ai có thể là người mua tiềm năng của McDonald’s.

Nga “bật đèn xanh”

Các nhà chức trách Nga không đe dọa McDonald’s bằng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. Đặc biệt, công ty đã được ông Artem Kiryanov, Phó Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia về chính sách kinh tế nói là một ví dụ về người sử dụng lao động có trách nhiệm.

Trong một bình luận với Lente.ru, ông cho hay, mạng lưới cửa hàng này hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Lao động, giữ lại cơ sở sản xuất và đóng thuế. Đối với những công ty như vậy, việc khởi động lại hoặc bắt đầu công việc mới sẽ trở nên đơn giản.

Trong hoàn cảnh đó, công ty có thể hoạt động trở lại bất cứ lúc nào mà không gặp phải sự phản đối từ chính quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp rời khỏi Nga với việc thanh lý một pháp nhân, ông Kiryanov cảnh báo, sẽ không dễ dàng cho các công ty quay trở lại, kể cả do cạnh tranh gia tăng.

Trước đó, vào tháng 3 vừa rồi, chuỗi cửa hàng ăn nhanh lớn nhất thế giới đã đóng cửa tất cả 847 nhà hàng từng giúp họ thu về 50 triệu USD mỗi tháng ở Nga, bao gồm cả địa điểm Quảng trường Pushkin mang tính biểu tượng ở trung tâm Moscow.

Ngoài việc đóng cửa các địa điểm ở Nga, McDonald’s cũng đã đóng 108 nhà hàng ở Ukraine trong thời điểm hiện tại. Nga và Ukraine cùng chiếm khoảng 2% doanh thu toàn hệ thống, lần lượt 9% doanh thu và 3% thu nhập hoạt động của McDonald’s.

Thanh Bình (lược dịch)