NATO tiếp tục phô diễn sức mạnh sát biên giới Nga
Đối ngoại - Ngày đăng : 23:51, 17/05/2022
Hàng nghìn binh sĩ từ 14 quốc gia bao gồm Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan và Ukraine đang tham gia cuộc tập trận chung quy mô lớn ở Estonia diễn ra từ ngày 16/5.
Theo thông báo từ NATO, cuộc tập trận “Hedgehog 2022” là một trong những sự kiện diễn tập quân sự lớn nhất trongg lịch sử diễn ra ở Estonia. Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 15.000 binh sĩ đến từ 14 quốc gia bao gồm các nước thành viên và đối tác của NATO.
Quân đội Ukraine tập trận gần biên giới Nga vào năm 2021. (Ảnh: Reuters) |
Đài truyền hình Yle của Phần Lan đưa tin các binh sĩ từ Phần Lan, Thụy Điển, Georgia và Ukraine cũng sẽ tham gia cuộc tập trận bao gồm nhiều nội dung gồm diễn tập trên không, trên biển và trên đất liền, cũng như huấn luyện chiến tranh mạng. Đáng nói, tàu đổ bộ lớp Wasp của hải quân Mỹ có tên Kearsarge cũng được điều động tham gia diễn tập.
Cả NATO và Tướng Veiko-Vello Palm, Phó Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Estonia, đều phủ nhận việc cuộc tập trận “Hedgehog 2022” diễn ra cách biên giới Nga khoảng 60 km không liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Cuộc tập trận diễn ra chỉ sau một ngày Phần Lan và Thụy Điển chính thức thông báo kế hoạch gia nhập NATO. Giới chức phương Tây cho biết Phần Lan và Thụy Điển đã có kế hoạch gia nhập NATO từ rất lâu và trước khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ.
Trên thực tế, đợt diễn tập quân sự ở Estonia chỉ là một phần trong hoạt động quân sự quy mô lớn của NATO gần biên giới Nga. Bởi hiện tại, Lithuania cũng đang tổ chức cuộc tập trận "Iron Wolf" với sự tham gia của 3.000 binh sĩ NATO, cùng 1.000 thiết bị quân sự bao gồm các xe tăng Leopard 2 của Đức.
Hai cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhất của NATO là "Defender Europe" và "Swift Response" cũng đang diễn ra ở Ba Lan và 8 quốc gia khác có sự tham gia của 18.000 binh sĩ đến từ 20 quốc gia.
“Các cuộc tập trận trên chứng minh NATO vững mạnh và sẵn sàng bảo vệ các nước thành viên, cũng như phòng thủ trước mọi mối đe dọa. Cuộc tập trận giúp loại bỏ mọi sự hiểm nhầm về năng lực bảo vệ mỗi tấc đất lãnh thổ của các nước đồng minh”, RT dẫn lời phát ngôn viên NATO là ông Oana Lungescu.
Hay gần đây, Lực lượng Phản ứng NATO cũng đang tiến hành cuộc tập trận "Wettiner Heide" với sự tham gia của 7.500 binh sĩ ở Đức.
Địa Trung Hải sẽ là nơi diễn ra đợt tập trận hải quân Neptune với sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman. Theo đó, USS Harry S. Truman sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của NATO. Đây là lần thứ hai kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ được chuyển cho bộ chỉ huy NATO quản lý.
Vào tháng Sáu tới, các nước Baltic và Ba Lan sẽ là nơi diễn ra “cuộc tập trận phối hợp phòng thủ tên lửa và phòng không có quy mô lớn nhất châu Âu” với sự góp mặt của binh sĩ và thiết bị đến từ 23 quốc gia.
Hồi cuối tháng Tư, Phần Lan đã tổ chức các cuộc diễn tập hải quân của NATO. Hiện tại, Phần Lan đang chủ trì cuộc tập trận chung trên đất liền với sự tham gia của các binh sĩ Mỹ, Anh, Estonia và Latvia.
Những cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của NATO diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Nga với NATO và một số đối tác của khối quân sự ngày càng gia tăng.
Phần Lan vốn là quốc gia có chung đường biên giới dài với Nga. Thụy Điển quyết định thay đổi chính sách không liên kết lâu nay, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo kết quả thăm dò dư luận, đa số người dân Phần Lan và Thụy Điển ủng hộ quan điểm gia nhập NATO.
Moscow khẳng định sẽ đưa ra biện pháp đáp trả thích hợp, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Bởi lâu nay, Nga xem việc NATO mở rộng phạm vi hoạt động là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia.
Nga có thêm phản ứng
Hôm 16/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nhận định việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ làm gia tăng căng thẳng. Theo ông Ryabkov, động thái này sẽ làm tổn hại tới an ninh hai nước, thay vì tăng cường đảm bảo an ninh.
Cũng theo quan chức ngoại giao cấp cao Nga, phản ứng thực tế của Moscow trước mối đe dọa quân sự gia tăng từ phía NATO sẽ phụ thuộc vào tình hình trên mặt đất.
Ông Ryabkov nói thêm hai quốc gia Bắc Âu chọn “sự hy sinh thường tình”, và có động thái làm leo thang căng thẳng quân sự ở châu Âu bằng cách tìm cách gia nhập NATO.
Cả Phần Lan và Thụy Điển vẫn duy trì quan điểm đứng ngoài khối NATO trong suốt Chiến tranh Lạnh. Nhưng hiện tại, hai nước này đã thay đổi chính sách và cho biết họ cần gia nhập NATO sau khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2.
Trong khi đó, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đưa ra lời giải thích vì sao đối với Nga việc Ukraine gia nhập NATO lại gây quan ngại lớn hơn so với chuyện Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên mới của khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
“Chúng tôi không có tranh chấp lãnh thổ với cả Phần Lan và Thụy Điển. Ukraine có khả năng trở thành một thành viên của NATO mà Nga và Ukraine lại có tranh chấp lãnh thổ, nên trong trường hợp này đây sẽ là mối đe dọa cực lớn đối với toàn châu lục”, ông Peskov nói với các phóng viên hôm 16/5.
Bình luận của ông Peskov liên quan tới việc bán đảo Crimea thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga thông qua cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014. Song Kiev lại khẳng định bán đảo Crimea là “vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng” và khẳng định sẽ giành lại quyền kiểm soát.
Theo Moscow, một trong những mục đích chính trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là đảm bảo Ukraine giữ vị trí là quốc gia trung lập và không bao giờ gia nhập NATO.
“Chúng tôi cho rằng việc đưa Phần Lan và Thụy Điển vào NATO sẽ không tăng cường và cải thiện cấu trúc an ninh ở châu lục”, ông Peskov nhấn mạnh.
Quá trình phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của một quốc gia cần có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên cũ. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang là nước phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Song Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana lại bày tỏ sự tự tin rằng, khối quân sự sẽ vượt qua được rào cản của Thổ Nhĩ Kỳ để kết nạp thêm Phần Lan và Thụy Điển.
Minh Thu (lược dịch)