Ghe bún riêu 'mặc' áo hồng rực nổi nhất Cần Thơ gây xôn xao
Du lịch online - Ngày đăng : 19:09, 17/05/2022
"Khoác" áo hồng cho ghe bún riêu
Bún riêu cua là món ăn sáng "quốc dân" mỗi khi du khách ghé thăm chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Vẫn là chiếc thuyền chuyên chở gánh hàng bún quen thuộc, nhưng vợ chồng anh Ngô Quốc Bảo (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Linh lại có cách tiếp cận khách hàng khá độc đáo. Anh chị đã "khoác" màu hồng rực rỡ lên chiếc ghe nâu, xanh sờn cũ. Đáng chú ý, không chỉ chiếc ghe, mà hầu hết tất cả những vật dụng trên ghe đều được phủ các sắc hồng. Khăn, giỏ nhựa, nắp nồi nước dùng nấu bún. Đến cả chủ nhân cũng được “hồng hóa” với áo hồng, nón lá cũng hồng nốt
Anh Bảo cho biết, vì yêu thích màu hồng và muốn tạo điểm nhấn cho du khách khi có dịp đến tham quan chợ nổi chụp hình, vợ chồng anh đã nảy ra ý tưởng độc đáo này. Từ lúc khoác màu hồng cho ghe bún riêu, vợ chồng anh Bảo bán hàng "đắt như tôm tươi". Mỗi sáng, ghe bún của anh bán được khoảng 150 tô, cao gấp ba lần so với trước.
Lão ông kiếm bộn tiền nhờ nhà rông siêu nhỏ
Với đôi bàn tay khéo léo, ông Đinh Nhiêu (68 tuổi, ở huyện Phú Thiện, Gia Lai) đã biến những thân tre nứa thành nhà rông siêu nhỏ rất độc đáo, với hoa văn tinh xảo. Trước khi làm ra tác phẩm mỹ nghệ với mô hình nhà rông, ông Nhiêu đã phải nghiên cứu, tìm hiểu nhiều năm trời về các chi tiết từ thiết kế nhà rông truyền thống để sản phẩm của mình giống bản chính nhất. Để sản phẩm tăng tính thẩm mỹ, ông đã sơn lên những thanh tre, nứa.
Ngoài nhà rông siêu nhỏ, ông còn khéo léo thiết kế những chiếc gùi siêu đẹp, màu sắc rực rỡ. Báo Dân Trí cho biết, nhờ những đồ mỹ nghệ này, ông có thể thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Cô giáo dạy nhạc biến lá cây thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo
Những chiếc lá khô tưởng như bỏ đi qua bàn tay khéo léo của cô giáo Nguyễn Như Sinh (ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cô Sinh cho hay trên Dân Trí, từ nhỏ, cô đã đam mê nghệ thuật, khéo tay, thích sáng tạo, biến hóa những món đồ tưởng chừng như bỏ đi thành những sản phẩm đẹp mắt.
Nhận thấy thị trường có nhu cầu cao với những sản phẩm độc đáo, cô Sinh bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về dòng tranh làm từ lá cây bồ đề. "Tôi chọn lá bồ đề để làm tranh bởi loại lá này rất đẹp mắt và có tạo hình trái tim rất ý nghĩa", cô Sinh tiết lộ. Đến nay, cô đã có trên 2.000 bức tranh sáng tạo từ lá cây khô, được bán cho khách hàng khắp các tỉnh, thành. Giá của mỗi bức tranh làm từ lá bồ đề dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy kích thước và độ khó.
Chiếc bánh thạch rau câu hình chữ S với sắc hoa 3 miền đất Việt
Nghệ nhân - giảng viên đào tạo rau câu 3D Thuần Nguyễn - đã cùng các học trò ở Hà Nội kỳ công tạo hình những chiếc bánh thạch rau câu xếp hình chữ S Việt Nam khiến mọi người được chứng kiến không khỏi trầm trồ và ngẩn ngơ, với đủ các loại hoa đặc trưng cho từng vùng miền Tổ quốc. Những bông hoa thạch 3D xếp hình chữ S Việt Nam gồm 26 loại hoa có kích cỡ 18cm và được trải thảm theo chiều dài 4,5 m2.
“Nguyên liệu để tạo nên những chiếc bánh thạch 3D rau câu xếp hình chữ S hoàn toàn tự nhiên và hết khoảng 52kg nguyên liệu. Tính ra, tổng chi phí là 12 triệu đồng. Đây là chiếc bánh thạch 3D đầu tiên được tạo hình Việt Nam, xếp vào mẹt tre truyền thống thân thiện với môi trường giữ gìn được nét văn hoá và có thể tái chế được”, nghệ nhân Thuần Nguyễn chia sẻ.
Nuôi cua biển trong nhà ở Hà Nội
Trại nuôi cua của anh Lê Đức Cảnh (37 tuổi, ở xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) là mô hình nuôi cua trong nhà thứ hai ở miền Bắc (một mô hình khác ở Hạ Long, Quảng Ninh). Theo Zing, những con cua biển tại đây được nuôi riêng trong những chiếc hộp, nhiều gian tầng khác nhau và đánh số thứ tự. Điều này giúp cua tránh đánh và ăn thịt lẫn nhau.
Để nuôi được cua biển, anh Cảnh phải nghiên cứu lắp đặt hệ thống lọc nước tuần hoàn mới có thể giữ được vi lượng và khoáng chất trong nước. Để có nước biển, anh Cảnh phải thuê xe chở những téc nước từ Hạ Long về Hà Nội. Thức ăn thừa và chất thải của cua sẽ đi qua hệ thống lọc thô, sau đó đi ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn. Những vi sinh sống nhờ vào hạt nhựa kaldnes có vai trò như san hô để lọc thức ăn thừa, chất thải của cua giúp môi trường sạch hơn.
Giống gà lạ hiếu chiến như sư tử, 4 triệu đồng/cặp
Anh Phạm Minh Biên (35 tuổi, ở Vĩnh Long) bén duyên với nghề nuôi chim, gà độc, lạ từ năm 2015. Trong đó, có giống gà “ngực khủng” Serama, gà sư tử Ba Lan...
Anh Biên đặc biệt bị hút hồn bởi giống gà sư tử Ba Lan, vì đây là loài gà lạ, đẹp mắt. Gà Ba Lan có rất nhiều màu, điểm đặc biệt là chùm lông trên đầu của chúng như một vương miện nhỏ, làm tôn vẻ đẹp kiêu kỳ.
“Gà sư tử Ba Lan vừa đẹp, vừa lạ, càng lai, sinh sản càng lâu thì màu của chúng đột biến, rất đẹp mắt. Do có tên gọi 'sư tử' nên giống gà này rất 'sung', hiếu chiến và bờm lông trên đầu giống như sư tử”, anh Biên chia sẻ. Theo anh Biên, gà sư tử Ba Lan khoảng một tháng tuổi có giá 300.000 đồng/con; gà trưởng thành từ 2-4 triệu/cặp.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)