Quỹ bình ổn âm rất sâu, lấy gì để 'chặn' đà tăng của giá xăng dầu?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:23, 17/05/2022

Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến hết quý I.2022 là âm 169,920 tỉ đồng, trong đó, 2 "ông lớn" về kinh doanh xăng dầu là Petrolimex và PVOIL cũng âm rất sâu.

Quỹ Bình ổn âm rất sâu

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, mỗi lít xăng RON95 từ ngày 11.5 đã cán mốc 29.980 đồng, E5 RON 92 là 28.950 đồng một lít. Riêng loại xăng RON95 V (loại xăng cao cấp) giá đã vượt 30.000 đồng.

Đây là đợt tăng giá liên tiếp từ cuối tháng 4 và sau đợt tăng này, giá xăng RON95 đã lập đỉnh mới, cao hơn mức thiết lập hồi giữa tháng 3 là 160 đồng một lít. Còn E5 RON92 thấp hơn mức đỉnh hồi tháng 3 khoảng 30 đồng mỗi lít.

Vừa qua, cơ quan điều hành tiếp tục không chi Quỹ Bình ổn xăng dầu với các mặt hàng xăng, dầu diesel. Mức chi quỹ với dầu hoả tăng lên 300 đồng một lít (kỳ trước là 0 đồng), dầu madut là 33 đồng (kỳ trước là 0 đồng).

Mức trích Quỹ bình ổn với xăng RON95, xăng E5 RON92 và dầu diesel là 100 đồng một lít. Những kỳ điều chỉnh gần đây, mặc dù nhà điều hành thường xuyên trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu, nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn đang âm quỹ.

Cụ thể, theo số liệu của cơ quan quản lý, tính đến cuối tháng 12.2021, tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu là gần 899 tỉ đồng. Trong quý đầu năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỉ, tuy nhiên, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỉ đồng.

Với các số liệu này, tính đến cuối tháng 3, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước đã rơi xuống mức âm 170 tỉ đồng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là đơn vị thường xuyên cập nhật số dư Quỹ bình ổn xăng dầu.

Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay âm rất sâu. Ảnh: Tùng Giang

Trước thời điểm 15h ngày 11.5, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex là âm 53 tỉ đồng. Trong khi đó, theo số liệu tính đến ngày 21.4, Quỹ bình ổn xăng dầu hình thành tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) âm đến 1.065 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ xăng dầu khác cũng đang ghi nhận mức âm quỹ lớn như Công ty CP XD Tân Nhật Minh (-114 tỉ); Công ty TNHH Petro Bình Minh (-110 tỉ); Công ty TNHH TM&DV Long Hưng (-95 tỉ); Công ty TNHH Hải Linh (-91 tỉ)...

Xem xét việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, về bản chất, nguồn tiền của Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua lại cho thấy khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp cũng phải "mạnh tay" chi quỹ. Khi giá giảm, người tiêu dùng lại không được mua giá thấp ngay, bởi vì cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước đó, chưa kể là có dư để còn chi cho những lúc giá dầu thế giới tăng cao.

Ông Thịnh cũng cho rằng, liên Bộ Công Thương - Tài chính khi điều hành giá cũng cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tiếp tục giảm thêm thuế, phí để chặn đà tăng của giá xăng dầu.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho biết, việc điều hành giá xăng dầu, quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát. Hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng.

Theo chuyên gia, hiện, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải "cõng" 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng. Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

"Thu ngân sách chiếm từ 30-50% giá bán lẻ xăng dầu trên mỗi một lít xăng, đây là dư địa rất lớn để nhà chức trách điều hành giá xăng dầu. Ví dụ, một lít xăng 30.000 đồng, dư địa điều hành còn khoảng 10.000 - 15.000 đồng, chứ không chỉ 2.000 đồng giảm 50% Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ đầu tháng 4 đến hết năm nay.

Chỉ có điều việc giảm thuế phí cần cân nhắc, đánh đổi giữa một bên là thu ngân sách và một bên là giảm giá giá xăng dầu để phục vụ mục tiêu trong chương trình phát triển, phục hồi kinh tế", TS Nguyễn Đình Ánh nhận định.

(Theo Lao Động)