Vé "chợ đen" trận bán kết U23 Việt Nam tại SEA Games 31 tăng giá gấp 10 lần

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 21:52, 16/05/2022

Những người hâm mộ không kịp mua vé theo "đường chính ngạch" có thể phải trả cái giá gấp 10 lần nếu muốn xem trận bán kết bóng đá nam SEA Games 31.
Vé
Vé bán kết xem U23 Việt Nam thi đấu tăng giá phi mã. Ảnh: VBDVN

Đắt gấp 10 lần và phe còn khuyên người hâm mộ... đừng mua!

Việc U23 Việt Nam vào bán kết môn bóng đá nam SEA Games 31 với ngôi đầu bảng A càng giúp vé "chợ đen" trở nên cao giá. Cái "cao giá" ở đây không chỉ là đắt về mặt tiền bạc, mà phe vé "chợ đen" giờ đây còn có quyền "chảnh", thay vì chào mời khách mua còn sẵn sàng khuyên ngược lại là... "đừng mua làm gì, đắt lắm".

Dọc đại lộ Hùng Vương, trước cửa sân vận động Việt Trì (Phú Thọ) - nơi sẽ diễn ra trận bán kết có U23 Việt Nam - các phe vé vẫn hoạt động tập nập trong ngày 16.5. Có cảm giác thời gian càng gần về cuối ngày, vé xem bóng đá trong tay họ càng có giá.

 
Người mua vé bán kết ở thời điểm này phải chi khoản tiền chênh lệch không nhỏ. Ảnh: M.Đ 

Phải đến tối 16.5, cục diện bảng B mới ngã ngũ và U23 Việt Nam mới biết đối thủ tại bán kết có phải U23 Thái Lan hay không, nhưng với những phe vé tự tin, họ vẫn nói với nhau "U23 Malaysia hay U23 Thái Lan, vé vẫn "cháy" như thường". Tâm lý này được lý giải bởi, nếu ngoài sức hút kiểu "siêu kinh điển Đông Nam Á", một bộ phận rất đông khán giả thích xem thầy trò ông Park đá với U23 Malaysia - đội mà họ nghĩ cơ hội chiến thắng sẽ cao hơn.

Chính cái tâm lý ấy đã đẩy giá vé xem trận bán kết bóng nam SEA Games 31 tăng một cách phi mã. Con số tính đến chiều 16.5 đã tăng lên hơn 10 lần giá niêm yết. Thế nhưng, "phe vé" còn chưa phải đon đả mời bán, bởi còn muốn nghe ngóng thị trường 2 ngày tới. Giờ, họ vẫn thích gom hàng hơn. Vậy mới có chuyện, "5 lần, 7 lượt" phe khuyên khán giả đừng mua vé vì đắt.

"Vé bán kết giờ đắt lắm, có thì bán không thì đừng mua, xem ở nhà thôi. Vé khán đài C,D đã 3,5 triệu đồng thì A,B cứ gấp đôi tiền lên (6-7 triệu cho loại vé 600.000 đồng - PV). Vé xấu đã hơn 3 triệu rồi đấy", một phe vé trước cửa sân Việt Trì chia sẻ.

 
Phe vé tự tin với việc "cháy" vé bán kết xem U23 Việt Nam thi đấu. Ảnh: M.Đ

Tìm đến một phe vé khác ở đầu đại lộ, mọi thứ nhẹ nhàng và có vẻ giá tốt hơn đôi chút. Vé loại 600.000 đồng khán đài B được bán với giá hơn 5 triệu đồng, khán đài A cũng tương tự. "Nếu bạn có để bán lại thì dưới 5 triệu một chút, còn muốn mua thì hơn 5 triệu. Nói thế cho nhanh, chúng tôi bán để kiếm chênh lệch có vài trăm nghìn thôi ấy mà", anh bán vé nói nghe chừng rất thật thà.

Cận thận bị lừa đảo mua vé qua mạng

Thực tế, dù giá cả thất thường nhưng phe vé truyền thống ít nhiều có độ uy tín về mua bán. Song, nếu ham rẻ hoặc muốn tiện lợi mà mua qua các kênh online, người hâm mộ phải hết sức cẩn thận trước các chiêu trò lừa đảo.

Trước hết là chiêu trò đẩy giá. Nhiều người vẫn tin, đây chính là phe vé truyền thống tự tạo "chim mồi", đẩy giá thật cao để nâng giá chung. Hoặc không, họ sẽ tạo cho tâm lý người mua thấy rõ rằng họ là bên mua truyền thống vẫn rẻ hơn để nhanh chóng bán được hàng.

Thế nhưng, điều đó không đáng sợ bằng việc lừa đảo bán hàng. Không ít các tài khoản đăng lên các hội nhóm mua bán vé rằng "cần thanh lý gấp với giá rẻ, chỉ ngang hoặc đắt hơn giá gốc một chút" nhưng khi người mua đã chuyển tiền, thứ họ nhận lại đôi khi chỉ là... một tài khoản đã không còn xác định.

Ảnh: CMH
Đẩy giá lên quá cao, hoặc bán thanh lý giá thấp đều có thể là chiêu trò. Ảnh: CMH

Điều đó đồng nghĩa, nếu giá quá cao hoặc quá thấp so với mặt bằng chung "chợ đen" thì cũng đều đáng nghi. Người hâm mộ hãy cố gắng tỉnh táo, bởi xem bóng đá cũng là để giải trí, đôi khi tránh rước bực vào người.

MINH TRIẾT