Bác sĩ nói về công văn gây hoang mang: Đừng "đá bóng qua chân" bệnh viện

Tin Y tế - Ngày đăng : 10:35, 16/05/2022

Nhiều bệnh viện ở TPHCM mong muốn các cơ quan có thẩm quyền phải sớm thống nhất hướng dẫn, khi Bảo hiểm xã hội đã yêu cầu dừng chi trả phí xét nghiệm làm trên máy mượn sau công văn của Bộ Y tế.

Mới đây, Công văn số 2348/BYT-KH-TC do Bộ Y tế ban hành đã gây tranh cãi và lo lắng, bởi ngay sau đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra yêu cầu dừng thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với từ ngày 9/5.

Dù Bộ Y tế lên tiếng khẳng định không có chuyện bỏ thanh toán BHYT với các trường hợp thuộc diện trên, tuy nhiên với các bệnh viện (BV), mọi thứ vẫn còn ngổn ngang.

Bác sĩ nói về công văn gây hoang mang: Đừng đá bóng qua chân bệnh viện - 1

Bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại bệnh viện ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Lo cho bệnh nhân trước, tiền tính sau

Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương (TPHCM) chia sẻ, mỗi ngày nơi đây có khoảng 900 lượt bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng. Khoảng 80% bệnh nhân trong số này thuộc diện có BHYT. Do đó, khi nhận được thông tin sẽ bị dừng thanh toán phí xét nghiệm BHYT trên máy đặt, máy mượn, bệnh viện như "ngồi trên đống lửa".

Theo bác sĩ Chiến, dù là vấn đề gì thì khi ra quyết định đều cần có lộ trình. Nếu "bóp" việc trả phí xét nghiệm ngay lập tức thì BV trở tay không kịp, vì mọi hóa chất xét nghiệm đều phải thông qua đấu thầu.

"Muốn mua một chiếc máy xét nghiệm sau khi thực hiện đấu thầu ít nhất phải mất 3-4 tháng, trong khi đó bệnh nhân không thể chờ được. Mua máy cũng gây lãng phí, vì công nghệ và hóa chất có thể thay đổi, cập nhật điều trị tốt hơn theo từng năm, nên dùng máy thuê mượn sẽ có lợi hơn máy mua" - bác sĩ Chiến dẫn chứng và cho biết hầu hết các xét nghiệm, BV đều thực hiện bằng máy mượn của đơn vị trúng thầu hóa chất.

Để đảm bảo quyền lợi và chất lượng điều trị cho bệnh nhân, lãnh đạo BV Nguyễn Tri Phương chọn cách vẫn thực hiện xét nghiệm và chi trả như trước đó, trong khi chờ đợi hướng dẫn mới nhất từ Sở Y tế TPHCM.

Bác sĩ nói về công văn gây hoang mang: Đừng đá bóng qua chân bệnh viện - 2

Nhiều bệnh viện vẫn đang thực hiện thanh toán tiền xét nghiệm cho bệnh nhân có BHYT (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Tương tự, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cũng cho biết, BV đang giữ nguyên các quyền lợi xét nghiệm cho tất cả bệnh nhân có BHYT, dù 80% các xét nghiệm thực hiện trên máy mượn, máy đặt. Thống kê cho thấy, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận hơn 3.000 lượt khám chữa bệnh. Chi phí xét nghiệm cho các bệnh nhân tốn khoảng 100 triệu đồng/ngày.

"Chúng tôi vẫn báo cáo tình hình theo yêu cầu của Bảo hiểm xã hội, nhưng sẽ tiếp tục cho bệnh nhân hưởng BHYT khi xét nghiệm. Nếu chiếu theo nội dung các công văn mà dừng thanh toán đột ngột, bệnh nhân lấy tiền đâu để đóng. Nên cứ làm và chờ thôi, từ từ tính sau" - bác sĩ Khanh chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, sau khi nhận được công văn của Bộ Y tế, ông có phần e ngại. Bởi nếu sau này phía bảo hiểm không chịu chi trả thì rất khó truy thu lại tiền từ bệnh nhân. Do đó, BV mong chờ các bên sớm có giải pháp để xử lý vấn đề trên. Còn quyền lợi của người bệnh cần phải được đảm bảo.

Bác sĩ nói về công văn gây hoang mang: Đừng đá bóng qua chân bệnh viện - 3

Các bệnh viện mong chờ Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm thống nhất hướng dẫn việc chi trả tiền xét nghiệm trên máy mượn, máy đặt (Ảnh: Hoàng Lê).

Đừng "đá bóng qua chân" các bệnh viện!

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất (TPHCM) cho biết, BV đã gửi văn bản kiến nghị khẩn đến Bộ Y tế để xin hướng dẫn cụ thể việc thanh toán phí xét nghiệm thực hiện trên máy đặt, máy mượn, vì công tác khám chữa bệnh nơi đây đang ảnh hưởng rất nhiều.

PGS Thanh dẫn chứng, trách nhiệm của BV là cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là đối tượng cán bộ. Một ngày, BV có hơn 3.000 lượt khám chữa bệnh, hầu hết đều cần xét nghiệm. Khi 2 công văn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội ban hành, nguy cơ không được thanh toán các chi phí cận lâm sàng là rất lớn và sẽ khiến BV "vỡ trận".

Giám đốc BV Thống Nhất nhận định, chuyện cần quan tâm nhất không phải việc dùng máy đặt hay máy mượn, mà ở chuyện minh bạch trong đấu thầu. Vì việc đấu thầu diễn ra theo từng năm, nên khi hãng nào trúng thầu, BV sẽ mượn máy xét nghiệm của hãng đó.

Đây là biện pháp tốt nhất và giá cả hợp lý nhất, vì các máy xét nghiệm hầu hết là máy đóng (máy chỉ sử dụng hóa chất của chính hãng mới cho ra đầy đủ các thông số cần thiết, kết quả chính xác). Nếu bỏ tiền ra mua máy sẽ mất rất nhiều tiền nhưng sang năm hãng khác trúng thầu hóa chất thì không dùng được - đây là vấn đề bất cập.

Bác sĩ nói về công văn gây hoang mang: Đừng đá bóng qua chân bệnh viện - 4

Lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất cho biết sẽ đặt quyền lợi của bệnh nhân tham gia BHYT lên hàng đầu (Ảnh: Hoàng Lê).

Một lãnh đạo bệnh viện ở TPHCM thẳng thắn nhận định, dù Bộ Y tế giải thích thế nào thì Công văn số 2348 cũng khiến cho phía bảo hiểm xã hội hiểu rằng phải dừng thanh toán chi phí xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn.

"Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng phải ngồi lại với nhau để có hướng dẫn cụ thể, không thể "đá bóng qua chân" bệnh viện. Chúng tôi chỉ là những người thực hiện. Để ảnh hưởng đến công tác quản lý và khám chữa bệnh cho bệnh nhân thì không hay" - vị này nói.

Ngày 9/5, Bộ Y tế đã ra Công văn số 2348/BYT-KH-TC gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về việc bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KHTC trong thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt.

Đến ngày 12/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra Công văn số 1261/BHXH-CSYT yêu cầu dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các máy mượn, máy đặt từ ngày 9/5.

Trong văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên quan đến hai công văn trên, BV Chợ Rẫy khẳng định, nếu không được thanh toán chế độ BHYT đối với các xét nghiệm thực hiện trên máy đặt, máy mượn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân, có khả năng gây ra các tác động lớn với an ninh xã hội.

UBND TPHCM cũng nhận định, việc dừng thanh toán chi phí xét nghiệm đối với các máy đặt, máy mượn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị, sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Khi thực hiện theo các công văn trên, ước tính khoảng 4 tỷ đồng xét nghiệm mỗi ngày của bệnh nhân tại địa phương sẽ không được bảo hiểm thanh toán.

Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn đang được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6807/BYT-BH ngày 9/11/2018 của Bộ Y tế, không liên quan đến việc bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KHTC.

Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất hướng dẫn các nội dung cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền hai bên sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định.