Mỹ nói sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho các nước xin gia nhập NATO
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:08, 16/05/2022
Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng, nếu cần thiết, để cung cấp sự hỗ trợ về mặt quân sự đối với Thụy Điển và Phần Lan trong lúc những nước này chờ đợi phản hồi của NATO đối với đơn xin gia nhập thành viên của họ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho hay.
Trong hôm 15/5 vừa qua, cả Phần Lan và Thụy Điển đều chính thức công bố ý định gia nhập NATO, bất chấp nhiều cảnh báo từ phía Nga. Moscow, coi việc NATO mở rộng như mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của họ, trước đó từng tuyên bố sẽ đưa ra những biện pháp đáp trả tương xứng.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC trong hôm thứ Sáu tuần trước, phát vào hôm 15/5, ông Kirby nói rằng những lời cảnh báo của Nga “rõ ràng là gây quan ngại.”
“Nhưng Nga không phải là bên quyết định xem liệu Phần Lan và Thụy Điển có trở thành đồng minh NATO hay không, đó là quyết định của người dân Phần Lan và người dân Thụy Điển” – ông Kirby nói.
Khi được hỏi rằng liệu Mỹ có điều binh sĩ tới bảo vệ Phần Lan và Thụy Điển nếu hai nước này bị tấn công hay không, ông Kirby ban đầu nói rằng ông không muốn bàn về một viễn cảnh chỉ có trên giả thuyết, nhưng cũng đưa ra một cách phản ứng khá chi tiết.
Ông nhấn mạnh rằng cả Phần Lan và Thụy Điển “đều sở hữu quân đội hiện đại” mà các lực lượng Mỹ “đang có sự hợp tác hài hòa”. Mối quan hệ gần gũi giữa Washington và hai nước Bắc Âu, theo quan điểm của ông Kirby, sẽ cho phép Washington cung cấp cho Stockholm và Helsinki sự hỗ trợ về mặt quân sự.
“Nếu trong giai đoạn họ đang đệ đơn xin gia nhập NATO và trong lúc đang gia nhập NATO, họ cần sự hỗ trợ hoặc muốn có thêm khả năng quân sự… chúng tôi sẽ cung cấp cho họ một vài sự cần thiết nếu cần” – ông Kirby nói.
Phần Lan, chia sẻ đường biên giới dài với Nga, và Thụy Điển đã quyết định cân nhắc lại chính sách mà họ đã duy trì bấy lâu nay, sau khi có sự thay đổi lớn trong dư luận kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo một số kết quả thăm dò mới đây, phần lớn người dân ở hai quốc gia này ủng hộ việc gia nhập NATO.
Theo RT