Học sinh tự chọn môn học: Vì sao trường tư không lo môn Lịch sử bị “ghẻ lạnh”

Xã hội - Ngày đăng : 08:03, 16/05/2022

Các chuyên gia cho rằng không cần lo lắng môn Lịch sử không phải là bắt buộc hay lựa chọn vấn đề chúng ta cần quan tâm hơn cả chính là cách dạy môn Sử trong nhà trường như thế nào để thực sự thành môn học hấp dẫn với học sinh.

Từ năm học 2022- 2023, Bộ GD-ĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đặc biệt, ở chương trình cấp THPT, học sinh phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 5 môn gồm: khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Với chương trình mới này, học sinh lớp 10 từ năm học tới sẽ không phải học Lịch sử hay Hoá học, Sinh học hay Địa Lý nếu không muốn và các em hoàn toàn có thể chọn các môn như Âm nhạc hay Giáo dục kinh tế và pháp luật… tùy vào sở thích và định hướng tương lai của các em.

Tuy nhiên nhiều người lo ngại nếu để Lịch sử là môn tự chọn thì nhiều học sinh sẽ từ chối học bộ môn này.

Nhiều học sinh trường tư chọn môn Sử

Một khảo sát ở Trường THCS & THPT Lomonoxop (Hà Nội), trong 429 học sinh lớp 9 thì có 204 chọn môn lịch sử, chiếm tỉ lệ 47,55%; 160 học sinh chọn địa lý, chiếm 37,2%; 339 học sinh chọn kinh tế và pháp luật, chiếm 79%; 260 học sinh chọn vật lý, chiếm 60,6%; 191 học sinh chọn hóa học, chiếm 44,5%; 146 học sinh chọn sinh học, chiếm 34%; 189 học sinh chọn công nghệ, chiếm 44%; 326 học sinh chọn tin học, chiếm 75,9%; 248 học sinh chọn nghệ thuật, chiếm 57,8%.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng, những môn tưởng có tỉ lệ chọn thấp thì kết quả lại tương đối cao, cụ thể là lịch sử và nghệ thuật.

co_chi_3.jpeg
Để học sinh có cái nhìn sinh động, chân thực về các sự kiện lịch sử, một số trường chức các buổi đi thực tế tại bảo tàng, các khu di tích

Theo cô Nghiêm Thị Nguyệt Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông IVS (Hà Nội) thì tại trường này 2 năm gần đây có 100% học sinh chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp là các môn xã hội, không có bạn nào thi tổ hợp khoa học tự nhiên nên không cần lo lắng việc thí sinh không lựa chọn môn Lịch Sử, vấn đề là chúng ta dạy học như thế nào để tạo sự hấp dẫn..

Thầy Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho hay không có sự chênh lệch lớn trong việc lựa chọn giữa nhóm môn học khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Trong đó, các môn lịch sử, kinh tế và pháp luật có tỉ lệ lựa chọn tương đương với nhiều môn khác như địa lý, vật lý, sinh học...

Trường THCS&THPT Marie Curie (Hà Nội) cũng đã tiến hành khảo sát kết quả các môn học tự chọn của học sinh và có 52,4% học sinh lựa chọn môn lịch sử trong khi các môn Vật lý chỉ có 44,4% lựa chọn còn môn Hóa học cũng chỉ có 27,2% học sinh lựa chọn.

Vì sao học sinh trường tư thích Sử?

Cô Nghiêm Thị Nguyệt Anh - Hiệu trưởng Trường THPT IVS (Hà Nội) cho rằng tại trường cô không phải lo học sinh không lựa chọn học môn Lịch sử mà vấn đề là cách dạynhư thế nào để hấp dẫn học sinh.

“Trong đổi mới giáo dục nhà trường xác định đưa Lịch sử đến gần học sinh hơn bằng cách cải tiến phương pháp dạy trong đó không dạy đọc chép mà lồng ghép các video cho học sinh xem hay "tiểu phẩm hóa" giờ học lên lớp, kịch hóa 1 đoạn ngắn trong sự kiện lịch sử.

Cụ thể như nhân kỷ niệm thành lập Đảng cô và trò cùng tái hiện hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Đảng thành một vở kịch ngắn diễn ngay trên lớp. Các em cũng rất hứng thú, hồi ức chiến tranh cũng trở nên sống động hơn là cách học đọc chép khô khan, từ đó, có thể tạo điểm nhấn tốt với các con. Hay nhà trường mời cựu chiến binh tham gia nói chuyện về chiến tranh biên giới Việt Nam - Trung Quốc....”, cô Nguyệt Anh kể.

Theo cô Nguyệt Anh, đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay chính là giảng dạy theo hướng nghiên cứu bài học và giáo viên không phải người truyền đạt kiến thức mà là người gieo vấn đề, tạo tình huống và giao vấn đề để học sinh đi tìm kiến thức. Qua đó học sinh vừa tiếp thu bài học vừa có những kỹ năng tìm vấn đề, giải quyết vấn đề... Để làm được việc này đòi hỏi sự tâm huyết của giáo viên.

"Vấn đề của môn Lịch sử và việc học sinh có lựa chọn môn học này hay không, cốt yếu ở cách dạy học, truyền tải của giáo viên. Bên cạnh đó cũng như cần đổi mới trong cách ra đề thi phù hợp với tư duy trong dạy học”.

Cũng theo cô Nguyệt Anh, không cần tranh cãi môn Lịch sử phải là môn bắt buộc hay lựa chọn với học sinh mà cái quan tâm là phương pháp dạy môn Sử trong cơ sở giáo dục. Nếu vẫn giữ mãi cách dạy học truyền thống đọc chép, với các con số thì dù Lịch sử thành môn học bắt buộc thì với học sinh cũng học đối phó còn nếu giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, tạo nên những tiết học hấp dẫn, cuốn hút bài thi thì theo hướng mở, nhẹ nhàng chắc chắn là môn tự chọn nhưng cũng nhiều học sinh lựa chọn.

MINH AN