Vinh danh "người trao chìa khóa" thành Đại La cho Lý Công Uẩn
Dòng chảy - Ngày đăng : 18:13, 15/05/2022
Sáng nay (15/5), tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đồng tổ chức hội thảo khoa học có chủ đề "Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ".
Tới dự hội thảo có nhiều lãnh đạo, chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa đến từ các bộ, ngành, địa phương, đại diện các dòng tộc họ Lưu trên cả nước. Tại hội thảo, các ý kiến đã nhấn mạnh, làm rõ những công lao to lớn của Thái sư Lưu Cơ đối với lịch sử dân tộc.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, Thái sư Lưu Cơ là một khai quốc công thần của triều Đinh nhưng còn ít được biết đến, không chỉ trong nhận thức đại chúng mà ngay cả đối với giới sử học.
Một trong những lý do quan trọng là triều đại mà ông có nhiều đóng góp, trong một thời gian dài, chưa được nghiên cứu đầy đủ, vị trí của nước Đại Cồ Việt cũng chưa được nhìn nhận một cách xứng đáng…
"Trên thực tế, công lao đức độ của ông đã được nhân dân những nơi có sự hiện diện của ông hoặc biết đến ông ghi nhận qua hệ thống rất nhiều đền thờ, các gia phả, thần phả. Nhưng với tầm vóc và công lao đóng góp của mình, Thái sư Lưu Cơ xứng đáng có vị trí tôn vinh trong di tích Hoàng Thành Thăng Long và ở Thủ đô Hà Nội", GS.TSKH Vũ Minh Giang nêu quan điểm.
TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho hay: "Sự nghiệp của Lưu Cơ gắn với hai sự kiện lớn của nhà Đinh, Tiền Lê. Đó là dẹp sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại và làm Thái sư Đô hộ phủ trông coi Đại La, cai quản toàn bộ Giao Châu cho đến khi trao tòa thành nguyên vẹn cho Lý Công Uẩn.
Chính trong thời gian cai quản thành Đại La, ông đã tu sửa tòa thành thuộc Đường thành tòa thành của nước Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ. Từ tòa thành hướng vọng về phía Bắc, Lưu Cơ đã cho sửa sang tòa thành hướng về phía Nam. Chính ông là người đã "trao chìa khóa" chìa khóa tòa thành Đại La cho Lý Công Uẩn sau hơn 40 năm trông coi tu tạo tòa thành này.
Theo "Phả ký tông từ họ Lưu", Thái sư Lưu Cơ sinh ngày 3 tháng Giêng năm 940 ở Tri Hối, châu Đại Hoàng - nay là xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Lưu Cơ cùng quê, là đồng hương, cùng thế hệ của Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú từ thuở cờ lau tập trận.
Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa ở động Hoa Lư thuộc Gia Hưng, Gia Viễn ngày nay, Lưu Cơ khi mới ngoài 20 tuổi đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thu giang sơn về một mối. Ông trực tiếp cầm quân đánh dẹp sứ quân Lý Khuê (tức Lý Lãng Công) ở Siêu Loại - Bắc Ninh.
Năm Mậu Thìn 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại thắng Minh Hoàng, định đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.
Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Lưu Cơ làm Thái sư Đô hộ phủ, Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Đinh Điền làm Ngoại giáp.
Thái sư Lưu Cơ là vị tướng có tài thao lược, là vị quan đầu triều trông coi hình án, là nhà cai trị giỏi, nhất quán vì độc lập, tự chủ của đất nước. Cũng từ năm 971, với tư cách là Thái sư Đô hộ phủ, Lưu Cơ được Đinh Tiên Hoàng giao cai quản thành Đại La và quản lý cả vùng Giao Châu cũ - tức Bắc Bộ ngày nay - đóng bản doanh tại thành Đại La, thủ phủ của Giao Châu. Vai trò này của ông sánh ngang hàng Phó vương, giúp Đinh Tiên Hoàng cai quản phần đất trọng yếu và giàu có nhất của Đại Cồ Việt.
Khi triều Đinh suy vong, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế lập nên nhà Tiền Lê, Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ đã giúp Lê Hoàn huy động nhân tài vật lực tổ chức cuộc kháng chiến chống Tống vào năm 981 thắng lợi.