Bệnh nhi sốt xuất huyết nhập viện tăng cao tại Cần Thơ, Sóc Trăng

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:46, 15/05/2022

Bệnh nhi bị sốt xuất huyết ở các địa phương ĐBSCL nhập viện tăng cao so với đầu năm 2022, và có nguy cơ bùng phát, nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Cần Thơ, từ đầu năm 2022 đến ngày 11.5, toàn thành phố ghi nhận 394 ca sốt xuất huyết.

Các quận, huyện như: Thốt Nốt, Cờ Ðỏ, Thới Lai, Phong Ðiền và Vĩnh Thạnh đều có số ca tăng cao hơn so với cùng kỳ.

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường - Phó Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ - cho biết: "Nếu trẻ sốt 1-2 ngày có thể điều trị tại nhà, uống thuốc hạ sốt, đi khám bác sĩ, nhưng nếu trẻ sốt đến ngày thứ 3, ngay trong mùa mưa, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được bác sĩ khám, xét nghiệm chẩn đoán chính xác".

Theo bác sĩ Trường, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan vì bệnh sốt xuất huyết thường diễn tiến nặng từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7.

Với trẻ nhũ nhi, thừa cân, béo phì, trẻ có bệnh lý nền có nguy cơ bị nặng hơn các trẻ khác, cần được quan tâm, theo dõi, điều trị tích cực hơn.

Ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, các trẻ có chẩn đoán sốt xuất huyết đều được bác sĩ chỉ định nhập viện để theo dõi, điều trị.

 
Các bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết Cần Thơ và các tỉnh miền Tây tăng cao.

Anh N.H.H (xã Trường Lạc, quận Ô Môn, TP. Cần) có con bệnh sốt xuất huyết đang điều tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ chia sẻ: "Lúc đầu thấy con nóng sốt, cứ nghĩ là bệnh cảm thông thường nên mua thuốc cho uống.

Hai ngày sau, cháu vẫn tái đi, tái lại kèm biểu hiện lừ đừ và nôn ói, nên gia đình đưa đến bệnh viện. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn".

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết tăng nhanh, bác sĩ Lê Phúc Hiển - Phó Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch Y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, đề xuất các trạm y tế phối hợp chính quyền địa phương, cộng tác viên thực hiện ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường xung quanh, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, ngủ mùng kể cả ban ngày, diệt lăng quăng, diệt muỗi... để chủ động phòng dịch hiệu quả.

Trong khi đó, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng tăng cao từ cuối tháng 4.2022 đến nay, nhiều nhất ở TX. Vĩnh Châu và huyện Long Phú. Nhiều trường hợp đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng bệnh sốt xuất huyết chuyển biến nặng.

Tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng trong tuần qua tiếp nhận điều trị nhiều ca bệnh từ các trung tâm y tế trong tỉnh chuyển lên.

Những trường hợp dấu hiệu sốt tái đi tái lại, nôn, lừ đừ... mới được đưa đến cơ sở y tế điều trị. Đây là biểu hiện nặng của bệnh sốt xuất huyết. Đối với những trường hợp như thế phải điều trị hồi sức tích cực, theo dõi thường xuyên và điều trị thời gian kéo dài hơn.

 
Bệnh sốt xuất huyết không nguy hiểm nhưng nếu điều trị không kịp thời, nguy cơ tử vong cũng rất cao.

Bác sĩ Hồng Tuấn Hòa - Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng - nhận định: “Tại bệnh viện, lượng bệnh tăng so với những năm về trước, nhất là tỷ lệ bệnh trung bình và nặng tăng hơn. Bệnh nhân đến trễ dễ dẫn đến nặng.

Vì vậy, lưu ý bà con có con em nghi ngờ hay sốt ngày thứ 2 trở đi và có biểu hiện lừ đừ, nôn, xuất huyết bất thường thì phải đưa đến bệnh viện sớm nhất”.

Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết không nguy hiểm nhưng nếu điều trị không kịp thời thì nguy cơ tử vong cũng rất cao. Vì vậy, khi phát hiện trẻ em bị sốt cần theo dõi và đưa đến cơ sở y tế sớm nhất để được khám, điều trị kịp thời.

HỒ THẢO