Trọng tâm của chương trình nghị sự thượng đỉnh Hàn-Mỹ

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:37, 15/05/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 20/5 và vấn đề Triều Tiên sẽ là một trong những trọng tâm hàng đầu của chương trình nghị sự thượng đỉnh song phương Hàn-Mỹ. Việc hình thành các liên minh kinh tế và các cơ chế để kiềm chế Trung Quốc cũng sẽ nằm trong danh sách ưu tiên của chương trình nghị sự tại Seoul lần này.
Trọng tâm của chương trình nghị sự thượng đỉnh Hàn-Mỹ
Trọng tâm của chương trình nghị sự thượng đỉnh Hàn-Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters)

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ lần này là sự kiện ngoại giao quan trọng đối với tân Tổng thống Yoon Suk-yeol, người đã nhấn mạnh việc tăng cường liên minh với Mỹ ngay từ chiến dịch tranh cử tổng thống. Đây cũng là lần đầu tiên sau 29 năm, một tổng thống Mỹ đến thăm Hàn Quốc trước Nhật Bản kể từ thời Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993.

Báo The Korea Herald ngày 12/5 cho rằng chính quyền của tân Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn khi Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo Hàn Quốc - một quốc gia có thế mạnh về các ngành công nghiệp chiến lược của tương lai như chip và pin - vào chuỗi cung ứng về phe của họ.

Triều Tiên - trọng tâm của chương trình nghị sự

Trong khi Văn phòng tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa công bố nội dung của Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, Nhà Trắng gần đây đã đưa ra thông báo rằng Triều Tiên sẽ là vấn dề “hàng đầu và trọng tâm” trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh tại Seoul.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trong thông cáo ngày 9/5 cho biết, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Tổng thống Biden có kế hoạch thảo luận với người đồng cấp Yoon Suk-yeol về an ninh và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, và Triều Tiên sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự.

Triều Tiên đã phá vỡ cam kết đình chỉ các vụ thử lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khi tiến hành vụ thử ICBM giữa tháng 3 vừa qua.

Kể từ thời điểm đó, Mỹ và Hàn Quốc đã gia tăng đồn đoán rằng Triều Tiên nhiều khả năng đang hoàn tất chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Cũng có nhiều suy đoán rằng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy trong lúc Tổng thống Biden thăm Hàn Quốc.

Thư ký báo chí Psaki cho biết Nhà Trắng đang theo dõi sát sao các dấu hiệu về khả năng Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân khác vào khoảng thời gian Biden tới Seoul.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp hôm 11/5 để thảo luận việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo. Mỹ đang thúc đẩy thông qua một nghị quyết về các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên trong tháng này. Tuy nhiên, việc thông qua nghị quyết nhiều khả năng sẽ bị chặn lại bởi Trung Quốc và Nga tiếp tục phản đối.

Trong khi đó, Triều Tiên đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Hôm 12/5, Triều Tiên đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi công bố bệnh nhân nhiễm Omicron đầu tiên.

Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Viện nghiên cứu Triều Tiên cho rằng trong bối cảnh hiện nay có 2 khả năng: một là Triều Tiên có thể hoãn vụ thử hạt nhân để tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19; hai là Triều Tiên sẽ tiến hành thử hạt nhân để chuyển hướng sự chú ý của người dân.

Theo Giáo sư Yang, nếu Triều Tiên thúc đẩy vụ thử hạt nhân xung quanh chuyến thăm Hàn Quốc của Biden, đối thoại Mỹ-Triều sẽ bị trì hoãn lâu dài và Mỹ sẽ thúc đẩy việc gia tăng áp đặt các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên.

Các liên minh công nghiệp trở nên quan trọng

Một vấn đề nổi lên trong chương trình nghị sự ở Seoul sắp tới là Tổng thống Biden sẽ công bố thành lập Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) nhân chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin hôm 12/5 xác nhận chính quyền mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tiến hành tham vấn với phía Mỹ và các quốc gia khác về IPEF, dự kiến sẽ chính thức được triển khai trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20 đến 24/5.

Do nhận thấy sự lo ngại gia tăng từ phía Trung Quốc, trong phát biểu sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng Park Jin cho rằng “Sáng kiến IPEF không được thiết kế để nhắm vào một quốc gia nhất định, vì vậy tôi nghĩ nó sẽ không trực tiếp gây ra xung đột lợi ích với Trung Quốc”.

IPEF là sáng kiến của chính quyền Biden nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.

Chính vì vậy, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Biden lần này được cho là động thái gây áp lực với Trung Quốc thông qua Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Và đây cũng được coi là thời điểm thích hợp để khởi động IPEF, một cơ chế tham vấn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục tiêu bảo hộ các quy tắc thương mại và chuỗi cung ứng khỏi sự can thiệp và sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Trung Quốc đã có phản ứng sớm về động thái mới của Hàn-Mỹ.

Thời báo Hoàn cầu, phương tiện truyền thông của chính phủ Trung Quốc, đã cảnh báo rằng việc tham gia IPEF sẽ là một phép thử đối với chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol và rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc đều có thể gây thiệt hại cho thương mại Hàn-Trung.

Theo Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Viện nghiên cứu Triều Tiên, trước khi mọi thứ trở nên phức tạp hơn, “ngoại giao cân bằng” là mấu chốt quan trọng đối với Hàn Quốc để theo đuổi lợi ích quốc gia căn cứ trên tình hình thực tiễn hiện nay.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp lãnh đạo 4 tập đoàn lớn hàng đầu của quốc gia này là Samsung, Hyundai, SK và LG để kêu gọi gia tăng đầu tư vào Mỹ. Cuộc gặp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn được coi là động thái tập trung vào việc xây dựng một liên minh “an ninh kinh tế” trong các ngành công nghiệp mới quan trọng của tương lai như chất bán dẫn, xe điện và pin.

Mỹ sẽ tìm cách tăng cường liên minh kinh tế và an ninh với Hàn Quốc thông qua các lĩnh vực Hàn Quốc đang giữ thế mạnh là chất bán dẫn vì nước này đang cạnh tranh với Trung Quốc về vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chip.

Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực chip kể từ khi ông nhậm chức. Ông đã chủ trì các cuộc họp liên quan đến chất bán dẫn và gây áp lực buộc tập đoàn Samsung phải đầu tư nhà máy thứ hai của Samsung Electronics tại bang Texas. Trong lịch trình thăm Hàn Quốc lần này, Tổng thống Biden được cho là sẽ thăm nhà máy bán dẫn Samsung Electronics ở Yongin, tỉnh Gyeonggi.

Hyundai Motor cũng dự kiến công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở Georgia, khu vực Đông Nam của Mỹ trong chuyến thăm của Biden tới Hàn Quốc. Kế hoạch đầu tư được đưa ra trong bối cảnh Biden đang có chính sách thúc đẩy đầu tư vào xe điện. Tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ năm 2021, có 4 tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 44 nghìn tỷ Won (34 tỷ USD) vào Mỹ.

Nguyệt Ánh