Hậu COVID-19 rối loạn giấc ngủ, trằn trọc cả đêm, bác sĩ chỉ cách khắc phục

Tin Y tế - Ngày đăng : 08:19, 15/05/2022

Sau khi hết F0, rất nhiều trường hợp gặp triệu chứng mất ngủ hậu COVID-19. Theo chuyên gia y tế, người bệnh có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ trong những tuần và tháng sau sau khi khỏi bệnh.
Hậu COVID-19 rối loạn giấc ngủ, trằn trọc cả đêm, bác sĩ chỉ cách khắc phục
Nhiều người bị rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19. Ảnh: Phạm Nhân

Đã lớn tuổi lại mắc bệnh lý nền cao huyết áp, khi mắc COVID-19, bà Nguyễn Thị Thu Hương (45 tuổi, Mai Dịch, Cầu Giấy) rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Rất may mắn sau 10 ngày điều trị, bà đã khỏi COVID-19. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, bà thường xuyên mất ngủ. Hầu như đêm nào bà cũng trằn trọc tới 2, 3 giờ sáng mới chợp mắt được.

"Lúc nào tinh thần tôi cũng lơ mơ, mệt mỏi, hay cau gắt, khó chịu trong người, cảm giác ăn không ngon. Suốt một tuần, tình trạng mất ngủ không cải thiện, tôi phải vào viện để thăm khám và hỗ trợ điều trị.

Rất may nhờ các bác sĩ hướng dẫn các bài tập, xoa bóp, bấm huyệt, ngâm chân, điện từ trường kết hợp với uống thuốc đều đặn, nay giấc ngủ của tôi đã đều đặn và dễ dàng hơn" - bà Hương chia sẻ.

Trước đây, chị Vương Thị Thùy Anh (TP.Nam Định) ngủ giấc dài (từ 10 đêm đến đến 6, 7h sáng hôm sau) nhưng sau khi mắc và khỏi COVID-19, chị khó đi vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, chị cũng dậy sớm. 3, 4h sáng người bệnh thức giấc và không ngủ được.

Tình trạng này kéo dài hơn 1 tuần, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, chị trở nên mệt mỏi, làm việc nặng thấy hụt hơi, tim đập nhanh, khả năng tập trung kém.

Sau khi khỏi COVID-19, nhiều người gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ.
Sau khi khỏi COVID-19, nhiều người gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM), mất ngủ trong thời gian mắc COVID-19 là chuyện rất bình thường. Tình trạng mất ngủ có thể diễn ra trong thời gian bị COVID-19, cũng có thể xuất hiện vào thời gian hậu COVID-19.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hầu như chỉ là do stress. Vì vậy, hãy làm tất cả những việc lành mạnh, những việc có thể mang lại niềm vui, tiếng cười, sự thoải mái cho bạn để giải tỏa stress. Nếu mất ngủ, căng thẳng, nhức đầu thì hãy uống thuốc thảo dược phù hợp, không việc gì phải chịu đựng cơn khó chịu để rồi stress thêm.

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động khoa học, điều độ. Tránh tình trạng nhàn rỗi quá mức dẫn đến hiện tượng ngủ vào ban ngày và mất ngủ vào ban đêm.

Nên tập thói quen ngủ 6-8 tiếng/đêm và cố gắng đi ngủ – thức dậy vào cùng một giờ như nhau vào tất cả các ngày trong tuần. Nên ngủ trước 23 giờ.

Nên giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ. Tắt các thiết bị điện tử trước khi ngủ ít nhất 30 phút.

Phòng ngủ nên sạch sẽ, yên tĩnh, đủ tối và có nhiệt độ thích hợp. Có thể ngâm chân hoặc thiền 30 phút trước khi ngủ.

Còn ThS, BS. Nguyễn Quang Hòa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, F0 gặp tình trạng mất ngủ trong và sau nhiễm cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục đều đặn.

Cụ thể, buổi chiều bệnh nhân không uống cafe, rượu, trà; tránh ăn quá no hoặc tập thể dục nặng trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ. Trước khi đi ngủ cần tạo thói quen giảm ánh sáng, điều chỉnh nhiệt độ và tiếng ồn, thư giãn bằng cách đọc sách hoặc nghe nhạc...

Đồng thời duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn, phòng ngủ chỉ dành cho việc ngủ, bỏ các thiết bị điện tử khỏi phòng. Không lo lắng về giấc ngủ vì càng lo càng mất ngủ.

Ngoài ra, bác sĩ Hòa cũng lưu ý bệnh nhân cần ngủ và dậy đúng giờ, kể cả ngày nghỉ. Bên cạnh đó, phòng ngủ nên để nhiệt độ lạnh hơn, tránh việc không ngủ trưa và không để bụng đói, khát khi đi ngủ. Ngoài ra, kiên trì và lạc quan sẽ giúp các người bệnh dần cải thiện được giấc ngủ và đưa cơ thể trở lại trạng thái ban đầu.

Phạm Đông