Mối quan hệ ít người biết giữa COVID-19 và bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em Tin Y tế - Ngày đăng : 12:30, 14/05/2022
Dù đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học nhưng cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em vẫn là 1 bí ẩn.
Chưa hết bàng hoàng bởi đại dịch COVID-19 thì chúng ta lại phải đối mặt với viêm gan cấp tính đang tấn công trẻ em trên toàn cầu. Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, căn bệnh đáng sợ này đã ghi nhận 348 ca nhiễm và cướp đi sinh mạng của 11 trẻ em. Người phát ngôn của WHO - ông Tarik Jasarevic cho biết, các số liệu trên có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm so với con số thực tế.
Ảnh minh họa (Nguồn: China News - Trung Quốc)
Trước nguy cơ bùng phát thành đại dịch, các nhà khoa học trên khắp thế giới bắt đầu lao vào nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, sau rất nhiều tranh cãi và giả thuyết được đặt ra thì nguyên nhân dẫn tới viêm gan cấp tính ở trẻ em vẫn là 1 ẩn số cần thêm nhiều thời gian mới có thể giải đáp.
Lúc đầu, các loại virus viêm gan được xếp hàng đầu trong diện tình nghi. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) và WHO đều công bố không tìm thấy virus viêm gan A, B, C, D, E trong bất kỳ mẫu bệnh phẩm nào. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng làm mối liên hệ giữa COVID-19 với căn bệnh bí ẩn này được tranh luận sôi nổi.
WHO cảnh báo COVID-19 có thể là nguyên nhân gây bệnh
Có 2 giả thuyết phổ biến nhất về việc COVID-19 có liên quan đến nguyên nhân gây viêm gan cấp tính ở trẻ em. Đầu tiên là bệnh này được gây ra bởi 1 biến thể mới từ SARS-CoV-2. Thứ hai là vaccine COVID-19 là nguyên nhân hoặc tác động lớn đến việc khởi phát bệnh viêm gan cấp tính cho trẻ em.
Ảnh minh họa (Nguồn: China News - Trung Quốc)
Chuyên gia Philippa Easterbrook thuộc Chương trình viêm gan toàn cầu của WHO cũng đã có lập trường chính thức về vấn đề này. Bà cho biết, trong khi Adenovirus bị nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu thì mối liên hệ với COVID-19 cũng không thể loại trừ. WHO cũng cân nhắc đáng kể về vai trò của COVID-19 như một bệnh đồng nhiễm hoặc từng mắc trước đó.
Cụ thể, các xét nghiệm đã xác nhận khoảng 70% số ca mắc có kết quả dương tính với Adenovirus. Tuy nhiên cũng có tới 18% bệnh nhân dương tính với COVID-19. Đặc biệt, có nhiều trường hợp đồng thời nhiễm cả hai loại trên khi nhập viện.
Ảnh minh họa (Nguồn: China News - Trung Quốc)
Còn về nghi vấn tình trạng viêm gan là do tiêm vaccine COVID-19 thì không được nhiều nhà khoa học đồng tình. Bà Philippa Easterbrook nói: "Chúng tôi đã gửi bảng câu hỏi điều tra đến các nước có ca bệnh để tìm hiểu về mối liên hệ với thực phẩm nào đó chẳng hạn. Và quan trọng, không có bằng chứng cho thấy có mối liên hệ với vaccine ngừa COVID-19, vì phần lớn trẻ em mắc viêm gan còn nhỏ tuổi (dưới 5 tuổi) và không được tiêm vaccine COVID-19".
Anh hiện đang dẫn đầu một loạt nghiên cứu toàn diện về di truyền học ở những em nhỏ mắc bệnh, phản ứng miễn dịch, virus cũng như như nghiên cứu về dịch tễ sâu hơn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết, họ không xác định được bất kỳ yếu tố nguy cơ nào liên quan tới hoạt động đi lại, ăn kiêng, tiếp xúc hóa chất hay các yếu tố nguy cơ khác có thể giải thích cho sự bùng phát bệnh này. Vì vậy, dự kiến các nghiên cứu trong tuần tới sẽ tập trung tìm hiểu về những lần phơi nhiễm và mắc COVID-19 ở các ca bệnh.