Quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:13, 13/05/2022
Nằm trong Khoa truyền nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, anh Nguyễn Tấn Đức (30 tuổi, ngụ TPHCM) đang dần bình phục sau nhiều ngày liên tục sốt, nhức đầu.
Theo anh Tấn Đức, lúc đầu anh nghĩ mình mắc COVID-19 nên đã đến phòng khám tư thử máu thì mới biết bị sốt xuất huyết nên về nhà theo dõi. Ba ngày sau, anh Tấn Đức nghĩ tình trạng bệnh đã hết nhưng bất ngờ có dấu hiệu sốt lại, đuối sức, mệt mỏi nên được gia đình đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, anh được bác sĩ xác định sốc sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu.
“Không nghĩ rằng sốt xuất huyết mà mệt đến mức cấp cứu như vậy. Trước đây tôi sợ COVID-19 nhất nhưng giờ thì sợ sốt xuất huyết hơn”, anh Tấn Đức chia sẻ thêm.
Cũng là bệnh nhân nhập viện sốt xuất huyết sau 3 ngày sốt cao, chị K.L (40 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nhập viện trong tình trạng bị chóng mặt, ngất xỉu và được đưa lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cấp cứu. Khi đó, chị L. đã bị giảm tiểu cầu nhanh chóng may mắn được cấp cứu kịp thời.
“Tôi không biết đợt này là dịch, mới nghe tin 6 người tử vong vì sốt xuất huyết tôi sợ quá, không biết sao năm nay lại nặng như vậy”, chị nói.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường - Phó trưởng khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM mỗi ngày có 100 lượt khám bệnh. Tính cộng dồn những tháng qua tới ngày 13.5, có 176 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị ngoại trú, trong đó chỉ trong vòng 1 tuần có 50 bệnh nhân mới nhập viện.
Riêng tại khoa Nhiễm C có 31 bệnh nhân sốt xuất huyết trong tổng số 52 giường bệnh. Bệnh nhân ở mức độ cần theo dõi, hoặc bệnh nhân nặng nhưng không phức tạp. Khoa đã dùng hành lang để đặt thêm giường vì các phòng đã hết giường bệnh trống.
Hiện nay, các khoa bệnh đang chia nhau nhận bệnh nhân do khoa Nhiễm D (trước đây chuyên sốt xuất huyết) đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Hành lang đã bắt đầu được trưng dụng để xếp giường cho bệnh nhân. Bệnh nhân đe dọa chuyển nặng hoặc đã ổn định sẽ theo dõi tại khoa.
Theo bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM, khu vực phía Nam khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho muỗi vằn phát triển, nên sốt xuất huyết xảy ra quanh năm. Khi sự cân bằng giữa tác nhân gây bệnh (virus sốt xuất huyết), véc tơ truyền bệnh (muỗi vằn), khối cảm thụ (con người) bị phá vỡ, dịch sẽ xảy ra. Do vậy, khi mùa mưa đến, vật chứa nước xuất hiện nhiều hơn dẫn đến nhiều loăng quăng, nhiều muỗi, nên sốt xuất huyết sẽ tăng cao hơn.
"Hai năm qua bệnh sốt xuất huyết yên ắng do chúng ta giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19. Nay xã hội đang dần quay trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán nhanh, rộng trong cộng đồng", bác sĩ Quang chia sẻ.