5 biểu hiện của trẻ chậm phát triển trí tuệ, chỉ cần mắc một trong số đó cũng không thể lơ là
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 12:20, 13/05/2022
Đối với cha mẹ, mỗi bước đi của con sẽ luôn được họ dõi theo và để ý trong tầm mắt của mình. Nhất là phụ nữ, tâm lý của người làm mẹ bao giờ cũng yêu, cũng thương và lo lắng cho con từng giây phút. Ngay cả khi mang thai, họ cũng khó tránh khỏi những lo lắng, bất an cho đứa con bé bỏng chưa chào đời của mình. Một trong số những vấn đề khiến chị em lo lắng nhất, đấy chính là trí tuệ của đứa trẻ sau này bởi nếu trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và tương lai phía trước.
Chậm phát triển trí tuệ là gì?
Chậm phát triển trí tuệ là sự khiếm khuyết trong việc phát triển trí não và thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Những đứa bé này thường có một số giới hạn về chức năng não bộ và về các khả năng khác như đối thoại, tự chăm sóc, hành xử xã hội. Bên cạnh đó, trẻ cũng có chỉ số thông minh (IQ) thấp và thường không kiểm soát được những hành vi của mình. Do đó, bé dễ bị kích động trước những tình huống đơn giản.
Chậm phát triển trí tuệ được chia ra làm 4 cấp:
Chậm phát triển trí tuệ mức nhẹ
Chậm phát triển trí tuệ mức trung bình
Chậm phát triển trí tuệ mức nặng
Chậm phát triển trí tuệ đặc biệt (rất nặng)
Cha mẹ có thể dựa vào đâu để biết con bị chậm phát triển trí tuệ?
Thực ra, trẻ chậm phát triển trí tuệ đều có những dấu hiệu riêng để nhận biết. Nếu trẻ phạm phải một trong năm điều dưới đây, thì cha mẹ hãy nên lưu tâm
1. Khó ăn và chậm nhai
Bú sữa mẹ là khả năng bẩm sinh của trẻ. Nếu thấy trẻ có hiện tượng khó bú, khó nuốt, nôn trớ hoặc thường xuyên ọc sữa thì cha mẹ cần chú ý, không được chủ quan bởi đây có thể là dấu hiệu tổn thương hệ thần kinh của trẻ.
2. Hiếu động
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng hiếu động là bản chất của trẻ nhưng cũng đừng vì vậy mà lơ là. Ở độ tuổi 4-5, trẻ vẫn có những biểu hiện rất rõ ràng của tăng động và đó có thể là biểu hiện của trẻ chậm phát triển trí tuệ. Bởi vì sự hiếu động khiến trẻ khó tập trung, nếu bị phân tâm nghiêm trọng thì khoảng chú ý của trẻ sẽ rất hẹp.
3. Suy giảm thị lực và thính giác
Khi trẻ bị khiếm khuyết về âm thanh - hình ảnh nghiêm trọng, tốc độ nhận thức của trẻ sẽ chậm lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự giao tiếp của trẻ với môi trường xung quanh ở mức độ nhất định, lâu ngày trẻ sẽ gặp trở ngại lớn trong giao tiếp, không có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển trí tuệ sau này.
4. Ý thức kém về môi trường xung quanh
Nhìn chung, đa số trẻ đều có sự tò mò về mọi sự vật, sự việc cũng như môi trường sống xung quanh chúng. Ngay cả những thứ không quen thuộc cũng thôi thúc trẻ phải khám phá ngay lập tức. Nhưng đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ thì ngược lại, chúng sẽ thờ ơ với mọi thứ xung quanh, không thích giao tiếp ngay cả với bố mẹ mình. Chúng không cần biết mọi người xung quanh có phản ứng thế nào, trẻ cũng tỏ ra lạc lõng, bất cần đời và chẳng chú ý đến điều gì cả.
5. Ngoại hình bất thường
Theo tìm hiểu, trẻ chậm phát triển trí tuệ bẩm sinh sẽ có nhiều điểm khác biệt về khuôn mặt, tư thế so với trẻ bình thường. Ví dụ như lưỡi bị kéo dài ra bên ngoài, thường xuyên bị chảy nước dãi...
Nếu trẻ gặp một trong những dấu hiệu như trên, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám tổng quát và nắm rõ tình hình. Chẩn đoán sớm và điều trị sớm cũng chính là chìa khóa giúp trẻ nhanh khỏi bệnh. Ngoài ra, cha mẹ nên nói chuyện và giao tiếp với con nhiều hơn, thường xuyên cho con chơi cùng các bạn nhằm nâng cao kỹ năng xã hội và bớt rụt rè hơn. Điều này có thể giúp con phát triển trí thông minh ở một mức độ nhất định và góp phần vào sự phát triển của não bộ.
Theo An Nhiên - Vietnamnet