Hà Nội: Chi tiền khôi phục nhà cổ trên "đất vàng" bị bỏ hoang
Xã hội - Ngày đăng : 12:19, 13/05/2022
Thông tin nêu trên được đại diện UBND phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm xác nhận với PV Dân trí sáng 13/5.
Việc lập dự toán được đại diện UBND phường Cửa Đông lý giải để các bên liên quan "nắm" được kinh phí phục hồi mái nhà cùng tất cả các hạng mục. Sau đó, phường sẽ phối hợp với Phòng Tư pháp quận để ban hành quyết định cưỡng chế, yêu cầu người dân phải khôi phục lại nguyên trạng các hạng mục do hành vi vi phạm hành chính gây ra.
"Nếu người vi phạm (bà Phạm Anh Thư, chủ sở hữu căn phòng tầng 2, số 127 Phùng Hưng - PV) chủ động thực hiện các quyết định này thì tốt. Nếu không thì trách nhiệm khôi phục thuộc về phường. Thông thường, quyết định cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng là đập bỏ công trình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nội dung cưỡng chế sẽ là yêu cầu khôi phục lại" - vị này cho hay.
Được biết, trong quá trình chờ UBND quận xem xét, giải quyết, UBND phường Cửa Đông tiếp tục yêu cầu bà Thư phải tuân thủ nội dung quyết định số 1601/QĐ-KPHQ ngày 22/11/2016 do UBND quận Hoàn Kiếm ban hành.
Như Dân trí đã đưa tin, suốt 8 năm qua, căn phòng ở tầng 2 số 127 Phùng Hưng bị bỏ hoang vì không còn mái nhà, nhiều hạng mục xuống cấp.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do bà Thư tự ý tháo dỡ mái nhà, làm lại cửa sổ. Lý giải về việc này, bà Thư cho biết, khi về đây sinh sống, bà thấy hiện tượng dột thấm ngày càng nhiều; hệ thống mái ngói có dấu hiệu xuống cấp, vỉ kèo gỗ có dấu hiệu bị mối mọt.
Đến năm 2014, do lo sợ mái ngói, vỉ kèo của ngôi nhà tuổi đời gần trăm năm có nguy cơ đổ sập, bà Thư đã tự ý tháo dỡ mái nhà, làm lại cửa sổ nhưng chính quyền sở tại yêu cầu bà dừng lại và lập biên bản vi phạm hành chính.
"Năm đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình phải làm lại phần mái, các hạng mục phụ trong nhà cho an toàn để tiếp tục sinh sống. Sau đó, lực lượng chức năng thông báo căn nhà thuộc diện công trình có giá trị đặc biệt. Vì vậy, phải xin ý kiến các sở ngành và khi xây dựng lại phải đảm bảo phần mái nhà được phục hồi nguyên trạng" - bà Thư chia sẻ.
Đến năm 2016, UBND quận Hoàn Kiếm ra Quyết định 1601/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính, cải tạo, xây dựng không phép và yêu cầu bà Thư phải khôi phục lại toàn bộ phần mái ngói, sàn gỗ, cửa gỗ… đã bị bà tự ý tháo dỡ.
"Do kinh tế khó khăn nên tôi không có tiền để phục dựng nguyên trạng mái ngói khung gỗ theo kiến trúc, kết cấu cũ. Đồng thời, tôi cũng không được cho phép làm mái tạm nên căn nhà phải bỏ không từ đó cho đến bây giờ" - bà Thư cho hay.
Được biết, ngôi nhà ở số 127 Phùng Hưng là nhà 2 tầng mái ngói mặt phố có giá trị đặc biệt theo Quyết định 6398/QĐ-UBND được UBND TP Hà Nội ban hành vào năm 2013. Hộ nhà bà Thư sở hữu và sử dụng tầng 2 với diện tích 55,7 m2.
Suốt 8 năm qua, do mái nhà bị tháo dỡ, lại không có kinh phí phục dựng nguyên trạng nên công trình này đã xuống cấp rất nhanh. Đồng thời, hộ gia đình tầng 1 cũng không dám tiếp tục sinh sống ở nơi này vì nguy hiểm.