Số ca mắc viêm gan bí ẩn gia tăng, phụ huynh làm gì để phòng bệnh cho con?
Tin Y tế - Ngày đăng : 11:40, 13/05/2022
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 3.5.2022 và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vào ngày 6.5.2022, số ca bệnh nghi ngờ hiện tại là hơn 300 trẻ, ghi nhận ở ít nhất 23 quốc gia ở Châu Âu, Châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Báo Lao Động trích đăng bài viết của TS.BS Đinh Thế Trung - Chuyên khoa Gan mật, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM để cập nhật những thông tin về căn bệnh này.
Tình hình và biểu hiện lâm sàng bệnh viêm gan bí ẩn
Bệnh viêm gan bí ẩn này là các trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em trước đó khỏe mạnh trong lứa tuổi từ 1 tháng đến 16 tuổi. Theo báo cáo của CDC vào ngày 6.5.2022, 9 ca mắc bệnh ở tiểu bang Alabama (Hoa Kỳ) đều là trẻ nhỏ (≤ 6 tuổi).
Triệu chứng lâm sàng bao gồm các triệu chứng ở giai đoạn khởi phát như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói; sau đó là các biểu hiện đặc trưng của giai đoạn toàn phát: viêm gan cấp nặng với nồng độ men gan tăng rất cao và vàng mắt vàng da xuất hiện. Hầu hết các trường hợp đều không sốt. Đa số các ca hồi phục hoàn toàn, khoảng 10% cần phải ghép gan và 9 trẻ đã tử vong.
Viêm gan cấp tính là gì?
Viêm gan là tình trạng tế bào gan bị viêm và huỷ hoại. Gan là “nhà máy” cho rất nhiều quá trình quan trọng cho cơ thể như tổng hợp các protein thiết yếu, khử độc… Do đó, tổn thương gan có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm gan có thể do nhiễm virus (gọi là viêm gan virus), do rượu bia, do thuốc hoặc các hoá chất khác, do một số rối loạn chuyển hoá, rối loạn hệ miễn dịch… Viêm gan có thể là cấp tính (bệnh diễn ra trong vòng 6 tháng) hoặc mạn tính (kéo dài hơn 6 tháng).
Bằng cách thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, các nhà khoa học nhận thấy bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em gần đây không phải là do virus viêm gan A, B, C, D, E và một số loại virus khác đã được biết gây viêm gan ở người (EBV, CMV…). Các nguyên nhân gây viêm gan khác (không phải do virus) liên quan đến thức ăn, độc chất… cũng không được tìm thấy. Do bệnh xảy ra cùng lúc ở nhiều quốc gia, các nhà khoa học vẫn nghi ngờ đây là bệnh do virus.
Điểm đáng lưu ý là adenovirus được phát hiện trong phần lớn mẫu máu của các trẻ mắc bệnh. Do vậy, adenovirus hiện là tác nhân được nghi ngờ nhiều nhất gây ra bệnh viêm gan bí ẩn. Đây chỉ là một nghi vấn, cần có các nghiên cứu tiếp theo để xác định liệu adenovirus có phải là nguyên nhân thực sự của đợt bệnh viêm gan gần đây hay không.
Adenovirus là virus chứa DNA chuỗi kép, bao gồm nhiều type virus khác nhau và có khả năng lây nhiễm cho các cơ quan khác nhau, phổ biến nhất là hệ hô hấp và tiêu hoá. Tuỳ theo type virus gây bệnh, biểu hiện lâm sàng hầu hết là bệnh cảnh nhẹ như cảm lạnh, viêm phế quản, viêm kết mạc mắt và viêm dạ dày ruột.
Những việc cha mẹ cần làm
Nguy cơ bệnh viêm gan bí ẩn xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Tuy nhiên tần suất trẻ em mắc viêm gan ở nước ta gần đây không tăng bất thường và chưa ghi nhận trường hợp nào do adenovirus gây ra. Do đó, các bậc cha mẹ nên theo dõi tình hình bệnh và các thông tin từ Bộ Y tế, không nên quá hoang mang, lo lắng.
Biểu hiện lâm sàng của viêm gan bí ẩn nhìn chung là giống với bệnh viêm gan virus cấp tính do virus viêm gan A, B, C, D và E (mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, đau bụng trong vòng 3 – 10 ngày đầu tiên; sau đó vàng mắt vàng da, tiểu sậm màu có thể xuất hiện, khi vàng mắt vàng da xuất hiện thì bệnh nhân không sốt). Đa số trẻ sẽ tự hồi phục hoàn toàn.
Trước tình hình hiện tại, các bậc cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng này và đưa con em đến cơ sở y tế chuyên khoa khám ngay khi có biểu hiện nghi ngờ, nhất là khi có vàng mắt vàng da, tiểu sậm màu xuất hiện.
Adenovirus được lây truyền từ người bệnh sang người khác qua đường tiêu hóa (phân của người bệnh có chứa virus), đường hô hấp (chất tiết đường hô hấp khi người bệnh ho hay hắt hơi có chứa virus) và qua tiếp xúc trực tiếp (bắt tay) hoặc gián tiếp (tiếp xúc với bề mặt hay vật dụng nhiễm virus của một người bệnh, sau đó đưa lên mắt mũi miệng mà không sát khuẩn tay).
Biện pháp phòng bệnh cho trẻ bao gồm đeo khẩu trang, vệ sinh hô hấp, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chạm vào mắt mũi miệng của mình) và ăn chín uống chín. Trẻ nên tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh.