Triều Tiên có 6 người chết vì sốt, xác nhận 1 ca tử vong do Covid-19
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:46, 13/05/2022
Hôm nay (13/5), truyền thông Triều Tiên thông báo ít nhất 1 công dân nước này đã tử vong vì mắc Covid-19, trong khi hàng trăm nghìn người khác phát triệu chứng sốt.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), khoảng 187.000 người đang được điều trị tại khu cách ly, sau khi triệu chứng sốt không rõ nguồn gốc “bùng nổ trên phạm vi cả nước” kể từ cuối tháng Tư.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo công tác chống dịch Covid-19. (Ảnh: KCNA) |
Khoảng 350.000 người có triệu chứng bị sốt bao gồm 18.000 trường hợp mới được báo cáo vào ngày 12/5, KCNA đưa tin. Trong số này, khoảng 162.000 người đang được điều trị, nhưng Triều Tiên không nói cụ thể có bao nhiều trường hợp được xác định mắc Covid-19.
Cũng theo KCNA, ít nhất 6 người đã tử vong sau khi có triệu chứng sốt và 1 trường hợp được xác nhận qua đời do nhiễm biến chủng Omicron.
Trong ngày 12/5, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thăm trung tâm chỉ huy phòng chống virus để kiểm tra tình hình và đưa ra các biện pháp ứng phó, sau khi chính quyền Bình Nhưỡng ban hành “tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất” và yêu cầu phong tỏa toàn quốc.
Triều Tiên cho hay dịch đã bùng phát ở thủ đô Bình Nhưỡng trong tháng Tư. Song truyền thông Triều Tiên không nói về nguyên nhân bùng dịch và thành phố cũng đã tổ chức một số sự kiện tập trung đông người vào ngày 15/4 và 25/4 bao gồm lễ diễu binh và đám đông tụ hội mà phần lớn không đeo khẩu trang.
Chủ tịch Triều Tiên "chỉ trích sự lây lan cơn sốt với trung tâm là khu vực thủ đô cho thấy một điểm yếu trong hệ thống phòng chống dịch đã thiết lập", theo KCNA.
Ông Kim nhấn mạnh cần chủ động cách ly và ưu tiên điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng sốt, đồng thời kêu gọi có những phương pháp và chiến thuật điều trị khoa học "nhanh như chớp" để kiểm soát tình hình.
KCNA cho biết thêm các cơ quan y tế Triều Tiên đang cố gắng tổ chức hệ thống xét nghiệm và điều trị, cũng như tăng cường công tác khử khuẩn.
Dịch Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh bùng phát có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn đối với Triều Tiên do quốc gia này thiếu nguồn lực y tế. Trước đó, Triều Tiên từng từ chối tiếp nhận các chuyến hàng chở vắc xin Covid-19 nằm trong chương trình chia sẻ vắc xin Covid-19 toàn cầu COVAX. Thậm chí, chính quyền Bình Nhưỡng cũng không nhận vắc xin Covid-19 của hãng Sinovac Biotech, Trung Quốc.
Các nhà phân tích nhận định sự xuất hiện của dịch Covid-19 có thể khiến tình hình căng thẳng an ninh lương thực của Triều Tiên trong năm nay càng trầm trọng hơn, bởi lệnh phong tỏa sẽ tác động tới “mọi nỗ lực chiến đấu” chống lại tình trạng hạn hán và huy động nguồn nhân lực.
Ông Kwon Young-se, ứng cử viên giữ chức Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nhấn mạnh hôm 12/5 rằng ông sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Triều Tiên bao gồm cung cấp phương pháp điều trị Covid-19, ống tiêm và các thiết bị y tế khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này chưa có kế hoạch chuyển vắc xin Covid-19 cho Triều Tiên, nhưng ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế hỗ trợ người dân Triều Tiên, đồng thời kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng tạo điều kiện cho công tác cứu trợ.
Minh Thu (lược dịch)