EU có sẵn sàng thay thế dầu Nga?
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:13, 13/05/2022
Theo Izvestia, đặc biệt là với khung thời gian cực kỳ ngắn cho việc áp đặt các lệnh trừng phạt: “trong 6 tháng EU có kế hoạch loại bỏ dần dầu thô từ Nga và vào cuối năm nay là các sản phẩm dầu”.
Nhưng trong khi khả năng cao vẫn không có lệnh cấm hoàn toàn, Liên minh châu Âu buộc phải tính đến lập trường của các nước Đông Âu, vì một lệnh cấm nghiêm ngặt là không thể chấp nhận được vì nhiều lý do.
Châu Âu là khu vực nhập khẩu gần như toàn bộ dầu thô và Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất của khu vực này. (Ảnh: Reuters) |
Phương án ngoại lệ
Các cuộc đàm phán về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga đã diễn ra gần một tháng nay. Bước đột phá quan trọng gắn liền với việc Đức quay ngoắt 180 độ, khi nước này cuối cùng đã đồng ý từ chối nguồn cung cấp từ Nga. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu nói chung vẫn khó có sự thống nhất hoàn toàn về vấn đề này.
Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ ở Đông Âu đang đòi hỏi ít nhất một thời gian trì hoãn lâu dài cho chính họ và thậm chí có thể loại trừ hoàn toàn khỏi quy tắc mà không có lệnh cấm. Hungary là nổi bật trong số đó.
Các đại diện của nước này đã nhiều lần tuyên bố rằng kế hoạch cấm vận hiện tại không phù hợp với họ, và các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga là “lằn ranh đỏ” đối với Budapest.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto, việc tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga không phải là vấn đề ý chí chính trị hay thời gian, mà là “thực tế vật lý và địa lý”.
Về nguyên tắc, Hungary đồng ý tham gia vào kế hoạch trừng phạt chung của EU, nhưng họ muốn kéo dài thời gian từ bỏ dầu Nga trong 5 năm và sau đó sẽ nhận được khoản đền bù đáng kể.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vẫn chưa có ý tưởng nào về cách EU sẽ giải quyết những khó khăn của Hungary.
Vấn đề trong trường hợp của Hungary không chỉ là nước này phụ thuộc hơn 2/3 vào dầu của Nga, mà còn là năng lực lọc dầu của nước này được điều chỉnh đặc biệt sang dầu Urals của Nga. Hàng tỉ euro đã được đầu tư vào những công nghệ này.
Ngay cả khi không có vấn đề về nguồn cung cấp, các khoản tiền tương đương sẽ được yêu cầu cho việc trang bị lại thiết bị của các doanh nghiệp, và theo phía Hungary, EU đã đưa chúng “chỉ trên giấy tờ”. Do đó, Hungary đang trông đợi vào việc được phép tiếp tục tự do mua dầu Nga.
Bên cạnh đó, Slovakia cũng gặp khó khăn không kém khi thị phần “vàng đen từ Nga trên thị trường nội địa lên tới 96%. Quốc gia này đang tính đến thời gian trì hoãn cho đến cuối năm 2023 và không rõ liệu đó chỉ là về dầu thô hay các sản phẩm từ dầu.
Cuối cùng là Bulgaria, quốc gia này kêu gọi EU không vội vàng chấp nhận lệnh cấm vận về nguyên tắc đối với dầu Nga, đồng thời nước này đang yêu cầu hoãn ít nhất 2 năm.
Nhìn chung, các quốc gia Đông Âu, trong trường hợp áp dụng ngay lệnh cấm vận theo hình thức hiện tại sẽ phải chuẩn bị cho tình trạng thiếu nhiên liệu trong vài năm khi không thể bổ sung từ nước ngoài, ngay cả khi các nhà cung cấp đã cố gắng hết sức.
Tuy nhiên, các nước Tây Âu lạc quan hơn nhiều và nhìn chung, họ đang cân nhắc phương án từ bỏ dầu mỏ một cách nghiêm túc. Ngay cả Italy, nước vốn trước đây tỏ ra “tiêu cực với lệnh trừng phạt Nga” nay cũng sẵn sàng đứng về phía hầu hết các nước EU. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều rõ ràng như vậy ở đây.
Dầu sẽ đi đâu?
Theo ông Ivan Timonin, chuyên gia tư vấn của VYGON Consulting, nếu nhìn vào mức tiêu thụ dầu của Nga nói chung, vào năm 2021 là khoảng 2,1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 1,5 triệu thùng các sản phẩm dầu.
Đứng đầu về lượng tiêu thụ dầu của Nga là Đức, quốc gia mua khoảng 555.000 thùng/ngày. Một động thái quan trọng là trong trường hợp có lệnh cấm vận, Đức sẽ gây nguy hiểm cho các nhà máy, nơi chuyên sản xuất dầu từ Nga.
Tổng thống Vladimir Putin cũng cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ gây tổn hại cho chính quốc gia của họ nếu cắt dòng năng lượng của Nga. (Ảnh: Reuters) |
Đồng thời, trong trường hợp chuyển sang nguyên liệu thô từ các nguồn khác - vốn sẽ được vận chuyển bằng đường biển sẽ là một nhiệm vụ gần như bất khả thi.
Trên thực tế, thậm chí Nga còn cung cấp nhiều dầu hơn cho Hà Lan (748 nghìn thùng/ngày), nhưng cần lưu ý rằng quốc gia này trong trường hợp đóng vai trò là một đầu mối giao thông và trung tâm chế biến. Các sản phẩm dầu thu được sau đó được gửi đến các nước khác nhau ở Tây Âu. Ở vị trí thứ 3 là Ba Lan, quốc gia nhận được khoảng 300.000 thùng/ngày từ Nga.
Về tỷ trọng dầu của Nga trong tổng lượng tiêu thụ của nguồn tài nguyên này, ngoài Slovakia, nơi hầu hết có nguồn gốc từ Nga, các nước dẫn đầu còn có Phần Lan (khoảng 90%), Lithuania, Hungary, Bulgaria và Ba Lan.
Số dư dầu của các nước EU khác dưới 50% của Nga và một số quốc gia (Đan Mạch, Áo, Tây Ban Nha) hầu như không sử dụng dầu từ Nga.
Ngoài ra, hơn 47% lượng dầu nhận được từ Nga trong EU dùng cho nhu cầu vận tải - đây là ngành có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trường hợp bị các lệnh trừng phạt. Khoảng 15% được sử dụng trong ngành công nghiệp, 9% còn lại dùng cho vận chuyển nước và 6% dùng để sưởi ấm trong gia đình. Vận tải hàng không tiêu thụ gần 5%.
Ứng cử viên thay thế
Ông Timonin nhận định, trong trường hợp có lệnh cấm vận, châu Âu sẽ cần thay thế 3,6 triệu thùng hydrocacbon lỏng mỗi ngày.
“Các nhà cung cấp có khả năng tăng nguồn cung cho khu vực bao gồm các nước OPEC tham gia thỏa thuận giảm sản lượng và có công suất dự phòng đáng kể, tổng khối lượng trong đó, theo nhiều ước tính, lên đến 4,5 triệu thùng/ngày”, ông Timonin cho hay
Tuy nhiên, ông Timonin nói thêm rằng, nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ từ Iran và Venezuela, các nước này cũng sẽ có thể tăng nguồn cung thêm 1,5 triệu thùng/ngày.
“Mặc dù vậy, các nhà nhập khẩu sẽ khó có thể thay thế đầy đủ nguồn cung từ Nga do một số yếu tố quan trọng, bao gồm việc tiếp tục hiệp định OPEC+, căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia và sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như định hướng của các nhà máy lọc dầu ở châu Âu sang các loại dầu Ural của Nga”, chuyên gia Timonin giải thích.
Theo ông Timonin, vấn đề thay thế hoàn toàn hydrocacbon lỏng từ Nga trên thị trường châu Âu là việc lâu dài.
Thanh Bình (lược dịch)