Tin thế giới 11/5: Nga ‘dõi bước’ NATO ở biên giới, lên tiếng về vùng Kherson; tân Tổng thống Hàn Quốc muốn hàn gắn với Nhật Bản?

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:46, 11/05/2022

Nga ‘dõi bước’ NATO ở biên giới, lên tiếng về vùng Kherson, tân Tổng thống Hàn Quốc có động thái với Nhật Bản…là một số tin thế giới nổi bật ngày 11/5.
Cựu Tổng thống, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Dmitry Medvedev. (Nguồn: TASS)
Tin thế giới 11/5: Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev chỉ trích cấm vận của Mỹ. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam xin điểm lại một số tin thế giới nổi bật ngày 11/5:

Nga-Ukraine

*Nga triệu tập Đại sứ Ba Lan, ‘dõi bước’ NATO ở biên giới: Ngày 11/5, hãng thông tấn nhà nước PAP (Ba Lan) dẫn lời Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho biết, Nga đã triệu tập Đại sứ nước này, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước lên cao liên quan tới xung đột quân sự ở Ukraine.

Phát biểu trong họp báo, ông Zbigniew cho biết: “Về mối quan hệ của chúng tôi với Liên bang Nga, chúng tôi biết rằng, Đại sứ Ba Lan tại Moscow đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga”.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang theo dõi chặt chẽ bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở biên giới của nước này. Tuyên bố trên được cho là nhằm phản ứng với việc Thủ tướng Anh Boris Johnson tới thăm Thụy Điển và Phần Lan trong ngày 11/5.

Cả Thụy Điển và Phần Lan dự kiến sẽ đưa ra quyết định trong tháng này về có nộp đơn gia nhập liên minh quân sự phương Tây hay không. (Reuters)

* Nga chỉ trích gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine: Ngày 11/5, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cáo buộc Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Moscow sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine.

Ông Medvedev cho rằng, dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua là một nỗ lực nhằm giáng một đòn nghiêm trọng đối với Nga, cũng như làm giảm ảnh hưởng chính trị và phát triển kinh tế của Moscow trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông, nỗ lực này “sẽ không hiệu quả” vì sức ép từ nợ chính phủ Mỹ, vốn đang tăng nhanh, sẽ đẩy nước này đến tình trạng vỡ nợ nhanh hơn.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cũng cáo buộc Washington sử dụng gói viện trợ để khiến Ukraine mắc nợ và chiếm đoạt trữ lượng ngũ cốc của đất nước này để đổi lấy khoảng vay. (Reuters)

* Bất chấp cảnh báo từ Ukraine, Nga vẫn cấp khí đốt cho Moldova: Ngày 11/5, nhà điều hành khí đốt quốc gia của Moldova (Moldovagaz) cho biết, quốc gia giáp biên giới với Ukraine không bị ảnh hưởng bởi quyết định của Kiev về việc đình chỉ vận chuyển khí đốt từ Nga.

Người phát ngôn của Moldovagaz cho biết: “Mọi thứ đều tốt. Chúng tôi không nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ nhà cung cấp của chúng tôi, (nhà xuất khẩu khí đốt của Nga) Gazprom, về khả năng ngừng cung cấp khí đốt”. Bà cho biết Moldova hiện đang nhận đủ nguồn cung cấp khí đốt.

Trước đó, ngày 10/5, Ukraine thông báo sẽ đình chỉ các dòng khí đốt qua điểm trung chuyển Sokhranivka, nơi vận chuyển gần một phần ba lượng nhiên liệu từ Nga đến châu Âu qua Ukraine và chuyển các dòng khí này đi nơi khác.

Ngày 11/5, người đứng đầu công ty vận hành hệ thống khí đốt Ukraine Naftogaz Yuri Vitrenko cho biết ông không thể xác nhận tuyên bố của Tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga) rằng không thể chuyển khí đốt quá cảnh qua Ukraine tới một điểm tiếp nhận mới. Ông Naftogaz Yuri Vitrenko cho biết: “Chúng tôi không thể xác nhận tuyên bố của Gazprom rằng về mặt kỹ thuật không thể chuyển khí đốt quá cảnh từ Sokhranivka đến Sudzha”.

Cùng ngày 11/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga có đủ khách mua các nguồn năng lượng của nước này ngoài các nước phương Tây. Tuyên bố trên được ông đưa ra trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách giảm mạnh sự phụ thuộc của họ vào nguồn dầu khí Nga.

Phát biểu họp báo ở Muscat sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Oman, ông Lavrov nêu rõ: “Hãy để phương Tây phải trả nhiều tiền hơn những gì họ từng trả cho Liên bang Nga và để những nước này giải thích cho người dân hiểu lý do tại sao họ trở nên nghèo hơn”. (Reuters/Sputnik)

* Điện Kremlin bình luận về việc khu vực Kherson muốn sát nhập Nga: Ngày 11/5, Điện Kremlin cho biết việc người dân sống ở khu vực Kherson, miền Nam Ukraine có muốn gia nhập Nga hay không phụ thuộc vào chính họ. Tuy nhiên, Nga cũng lưu ý, bất kỳ quyết định nào như vậy đều phải có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Trước đó, TASS dẫn lời một quan chức trong chính quyền do Nga kiểm soát ở Kherson cho biết, họ đã lên kế hoạch đề nghị Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ Nga.

Hồi tháng 4, Nga cho biết, các lực lượng của nước này đã giành được toàn quyền kiểm soát khu vực Kherson, vốn có tầm quan trọng chiến lược vì vùng này cung cấp một phần đường liên kết trên bộ giữa bán đảo Crimea và các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine. (TASS)

*Ukraine khẳng định nhập đủ nhiên liệu, nói Nga “phải chịu trách nhiệm” vì ngừng cấp khí đốt: Ngày 11/5, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Rostyslav Shurma cho biết, Ukraine đang nhập khẩu đủ nhiên liệu và xăng dầu để đáp ứng nhu cầu của nước này trong xung đột với Nga.

Phát biểu trong cuộc họp báo trên truyền hình, ông Shurma cho hay, Ukraine sẽ tích lũy nguồn dự trữ nhiên liệu để ngăn chặn thiếu hụt trong những tháng tới.

Cùng ngày, Giám đốc điều hành công ty vận hành hệ thống khí đốt của Ukraine (GTSOU) Sergiy Makogon cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho bất kỳ hậu quả nhân đạo nào sau khi dòng chảy khí đốt của Nga tới châu Âu thông qua một điểm trung chuyển ở Ukraine bị gián đoạn.

Đăng tải trên Facebook, ông Makogon viết: “Sáng nay (tập đoàn khí đốt quốc doanh của Nga) Gazprom trên lãnh thổ của Liên bang Nga đã ngừng vận chuyển khí đốt từ Nga tới cửa khẩu Sokhranovka”.

Theo ông Makogon, các cần trục đã bị ngừng hoạt động tại một nhà máy đường ống khí đốt trên lãnh thổ Ukraine, mà theo ông đang bị lực lượng Nga chiếm đóng. Điều này đã khiến việc cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng ở vùng Luhansk và Donetsk trở nên bất khả thi.

Giám đốc GTSOU nhấn mạnh: "Giới chức Nga phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho hậu quả nhân đạo khi thực hiện những hành động tương tự".

Trước đó một ngày, Ukraine tuyên bố đã cắt nguồn cung tuyến đường ống đi qua cửa khẩu Sokhranovka, vốn chuyển giao gần 1/3 nhiên liệu từ Nga tới châu Âu thông qua Ukraine. Theo chính quyền Kiev, các lực lượng Nga đang đe dọa sự ổn định và an toàn của toàn bộ hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine. (Reuters)

* Lãnh đạo Nhật Bản và Phần Lan gặp gỡ, bàn về Ukraine: Ngày 11/5, lãnh đạo của Nhật Bản và Phần Lan đã gặp gỡ tại Tokyo (Nhật Bản). Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin đã chia sẻ sự phản đối đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã thúc đẩy Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển cân nhắc việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước Nga, đặc biệt là khi NATO đẩy mạnh về phía Đông.

Trước đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho rằng, Phần Lan sẽ sớm đưa ra quyết định về việc xin gia nhập NATO. Các quan chức Nhật Bản cho biết, nước này đang theo sát các diễn biến và sẽ trao đổi với Phần Lan về vấn đề này.

Kể từ khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi tháng 2 vừa qua, ông Kishida đã nhiều lần đưa ra lo ngại về các hậu quả của nó ra ngoài biên giới châu Âu. Nhật Bản, cùng với Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác, đang thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” trong khi Trung Quốc đang quyết đoán trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.

Nhật Bản và Phần Lan đã và đang làm sâu sắc thêm mối quan hệ với tư cách là đối tác chiến lược chia sẻ các giá trị phổ quát như dân chủ và pháp quyền. Kinh tế, khoa học và công nghệ là lĩnh vực hợp tác then chốt giữa hai nước, nhất là khi Phần Lan được biết đến là quốc gia có tư duy chuyển đổi số hàng đầu. (Kyodo)

Trung Quốc

Trung Quốc cáo buộc Australia, Mỹ và Anh kích động chạy đua vũ trang: Ngày 11/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng Australia, Mỹ và Anh đang quân sự hóa khu vực Nam Thái Bình Dương, kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trả lời họp báo, ông Triệu nêu rõ: “Không tham vấn với các quốc đảo trong khu vực, Australia cùng với Mỹ và Anh thành lập khối quân sự và kích động cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Nam Thái Bình Dương'”. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Australia nên suy nghĩ lại về các hành động của mình”.

Trước đó, kênh truyền hình 9News của Australia đưa tin, Thủ tướng Quần đảo Solomon, ông Manasseh Sogaware, đã chỉ trích Australia không thông báo cho các quốc gia Nam Thái Bình Dương về quyết định mua tàu ngầm hạt nhân trong quan hệ đối tác với Mỹ và Anh trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh AUKUS. (Sputnik)

Hàn Quốc

* Tân Tổng thống Hàn Quốc muốn mở lại đường bay Seoul – Tokyo: Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 11/5 cho biết, Hàn Quốc sẽ thực hiện các bước để mở lại tuyến đường hàng không giữa các sân bay Gimpo của Seoul và Haneda của Tokyo trong tháng, nhằm tăng cường trao đổi giữa hai nước.

Ông Yoon cho hay, chính phủ có kế hoạch áp dụng các biện pháp chống virus Covid-19 tại sân bay quốc tế Gimpo của Seoul để xét nghiệm tất cả các du khách trước khi mở lại đường bay đến sân bay Haneda của Tokyo. Phát biểu trên được ông Yoon đưa ra trong cuộc gặp một phái đoàn quốc hội Nhật Bản, nhấn mạnh rằng, việc khôi phục quan hệ đã rạn nứt giữa hai nước sẽ phục vụ lợi ích của cả hai bên.

Tân Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ: “Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước láng giềng gần gũi nhất và là đối tác hợp tác quan trọng cùng chia sẻ các giá trị dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường. Việc sớm khôi phục và cải thiện mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản đang bị trì trệ là lợi ích chung của cả hai nước”. (Yonhap)

Sri Lanka

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cảnh báo các đảng chính trị: Ngày 11/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka P. Nandalal Weerasinghe cho biết ông sẽ từ chức trừ khi các đảng chính trị đảm bảo sự ổn định đất nước trong hai tuần tới.

Phát biểu trước các phóng viên ông cho biết, nếu không có giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện tại, các bước phục hồi nền kinh tế của Ngân hàng Trung ương sẽ không thể thành công. (Reuters)

Minh Vương