Vì sao nhiều trẻ lứa tuổi học đường vẫn bị tăng huyết áp?

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:29, 11/05/2022

Huyết áp cao thường thấy xuất hiện ở người lớn và người cao tuổi, tuy nhiên tăng huyết áp cũng xảy ra ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm nó dễ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho trẻ.
20190705_140036_962177_6.max-1800x1800.jpg
Nhiều trẻ ở lứa tuổi học đường cũng bị cao huyết áp - Ảnh: Internet

Vì sao trẻ lại tăng huyết áp?

BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM – cho biết các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tăng huyết áp ở trẻ nhỏ bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu.

Những ví dụ về dinh dưỡng không hợp lý như ăn mặn, ăn nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, nhiều chất đạm, thực phẩm đậm độ năng lượng cao như đồ ăn chiên ngập dầu, thức ăn nhanh, nước uống có gas, có đường, ăn ít rau... Bên cạnh đó, trẻ thiếu thời gian vận động thể lực, nghỉ ngơi, ngủ không đủ, áp lực, stress quá nhiều...

Với tăng huyết áp thứ phát, do một số bệnh lý dẫn đến tăng huyết áp như bệnh lý về thận, một số bệnh lý mạch máu, tim mạch, tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh mãn tính như hội chứng thận hư.

Còn theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy- Trưởng khoa thận, nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đa số trẻ hiện nay sáng được chở đi học, chiều được đón về, tối học bài, thời gian vui chơi, tập luyện rất ít. Trẻ cao huyết áp do béo phì, xét về độ tuổi là trẻ em nhưng cân nặng là như người lớn. Có những trẻ mới 13 tuổi mà đã nặng đến 100kg.

Gây hại cho sức khỏe trẻ ra sao?

Các chuyên gia đã nhận định rằng, trẻ càng ít tuổi, bị tăng huyết áp càng sớm thì nguy cơ đối với sức khỏe càng lớn. Huyết áp cao, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, kết quả lao động của trẻ.

Lâu dài có thể dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm, gây tổn thương các cơ quan như não, gây suy tim, suy thận, ảnh hưởng các chức năng tuần hoàn của cơ thể, tổn thương võng mạc, dẫn tới mù lòa và giảm tuổi thọ.

Bác sĩ Thúy cho biết có nhiều trường hợp trẻ béo phì đưa vào viện trong tình trạng co giật, do huyết áp cao quá dẫn đến xuất huyết não. Trong các cơ quan bị tổn thương do cao huyết áp, não là nặng nhất và có biểu hiện đầu tiên với các biến chứng như nhồi máu não, xuất huyết não, có thể dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, những trẻ bị béo phì, ngoài hậu quả là cao huyết áp còn có những bệnh lý đi kèm, không liên quan đến cao huyết áp nhưng lại làm cao huyết áp nặng lên như tiểu đường, tăng mỡ máu, tăng acid uric.

tang-huyet-ap1.jpeg
Cha mẹ cần lưu ý khi con có các dấu hiệu tăng huyết áp - Ảnh: Internet

Dấu hiệu để nhận biết trẻ tăng huyết áp như sau:

Trẻ bị tăng huyết áp thường có các dấu hiệu như: nhức đầu, nôn ói, chóng mặt, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực xảy ra theo cơn, giảm thị lực, co giật, mệt mỏi, phù ngoại biên….

Do đó, ki thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu tăng huyết áp nói trên, phụ huynh cần bình tĩnh đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán tăng huyết áp và tìm nguyên nhân điều trị.

Làm thế nào để phòng ngừa tăng huyết áp?

Điều dưỡng Như Huơng – Bệnh viện Nhi đồng TP – cho biết huyết áp cao ở trẻ em có thể phòng ngừa và điều trị dễ dàng bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống khoa học. Theo khuyến cáo của các chuyên gia tim mạch, các bậc cha mẹ nên chú ý đến các vấn đề sau:

– Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý.

– Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, khoa học, hợp lý, hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường, mỡ, mặn, thức ăn nhanh. Tăng cường chế độ ăn nhiều chất xơ, rau xanh, trái cây…

– Tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ như: tập thể dục, vui chơi hoạt động ngoài trời, khuyến khích trẻ năng động. Hạn chế ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, chơi game, xem ti vi…

– Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đường và muối(Chú ý lượng muối ăn trong chế độ ăn hàng ngày cho trẻ em từ 4- 8 tuổi là 1,2 g/ngày, trẻ lớn hơn là 1,5 g/ngày. Tránh ăn các loại thực phẩm làm sẳn không ghi rõ lượng muối (sodium, potassium) .

– Giúp trẻ đối phó với stress: Căng thẳng là thủ phạm làm gia tăng bệnh tăng huyết áp, kể cả người lớn lẫn trẻ em.

ANH ĐÀO (tổng hợp)