Người Việt đang ăn quá nhiều thịt đỏ, ảnh hưởng sức khỏe ra sao?

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:25, 11/05/2022

Các báo cáo mới đây cho thấy người Việt đang ăn quá nhiều lượng thịt đỏ, vượt xa so với khuyến nghị. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo gánh nặng bệnh tật.
20191112_133540_928947_thit-bo.max-1800x1800.png
Người Việt đang ăn quá nhiều thịt đỏ - Ảnh: internet

Theo các báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố, việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ sẽ gây ra bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng, bệnh tiểu đường, đột quỵ,...  Trung bình, mỗi người chỉ nên tiêu thụ 300-500g thịt đỏ mỗi tuần và chỉ nên ăn khoảng 2 lần/tuần (mỗi lần khoảng 150g thịt đỏ).

Các bữa ăn chứa quá nhiều đạm

Theo kết quả của Tổng điều tra về dinh dưỡng 2019-2020 của Bộ Y tế, mức tiêu thụ thịt của người Việt tăng nhanh, với bình quân 136,4g/người/ngày, trong đó thịt đỏ là 95,5g, thịt gia cầm 36,2g và các sản phẩm từ thịt là 4,7g.

Khu vực thành thị sẽ có mức tiêu thụ thịt cao hơn với 154g/người/ngày, còn ở khu vực nông thôn là 126,2g/người/ngày.

Theo nhu cầu khuyến nghị dành cho người Việt Nam, số lượng protein/ngày ở nhóm 19-30 tuổi nam giới là 74-68g, còn nữ giới 63-60g. Tỉ lệ giữa protein động vật/protein tổng số là từ 30-35%. Tỉ lệ giữa lipid động vật/lipid tổng số không nên vượt quá 60%.

Như vậy, so với mức khuyến nghị trên thì lượng thịt mà người Việt sử dụng đang cao hơn gần gấp đôi.

Bữa ăn của người Việt đã được cải thiện về số lượng món, "tươi" hơn nhưng tính cân đối của khẩu phần chưa đảm bảo: quá nhiều đạm động vật, tỉ lệ giữa protein động vật/protein tổng số là 52,8%. Tỉ lệ này vượt quá so với nhu cầu khuyến nghị gần 2 lần.

Về cơ cấu tiêu thụ thịt trong khẩu phần, mức tiêu thụ thịt đỏ quá cao so với nhu cầu khuyến nghị là 70g/người/ngày.

Những bệnh nào hay gặp khi ăn nhiều thịt?

BS Lê Thảo Nguyên - khoa dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện quận 11 – cho biết, ăn nhiều thịt có thể dẫn đến những bệnh sau đây:

1. Bệnh tim mạch

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong phổ biến trên thế giới. Một nghiên cứu năm 2019 trên 500.000 người trưởng thành cho thấy cứ 100 gam thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt cừu…  hoặc thịt chế biến sẵn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch 19%.

Nguyên nhân là vì chúng chứa axit béo bão hòa, làm tăng cholesterol “xấu”, khiến mọi người có nguy cơ mắc các bệnh tim cao hơn. Ngược lại, chế độ ăn dựa trên thực vật có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

2. Đái tháo đường type 2

Nghiên cứu cho thấy lượng thịt đỏ và thịt gia cầm tiêu thụ cao hơn có liên quan đến việc tăng đáng kể nguy cơ bệnh tiểu đường. Ngược lại, một chế độ ăn uống dựa trên thực vật có thể ngăn ngừa, kiểm soát và thậm chí đẩy lùi bệnh tiểu đường type 2.

3. Ung thư

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận rằng tất cả thịt chế biến (thịt xông khói, xúc xích, thịt giăm-bông và bất kỳ loại thịt nào khác đã được hun khói, xử lý hoặc chế biến theo cách khác) chứa chất gây ung thư.

Bên cạnh đó các loại thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và có mối liên hệ với ung thư tuyến tụy, tuyến tiền liệt. Hội đồng Ung thư NSW và hướng dẫn chế độ ăn uống của Úc khuyến cáo rằng bạn không nên ăn quá 700 g thịt đỏ sống hoặc 455 g thịt nạc đỏ nấu chín mỗi tuần.

20210617_040716_027119_thit-do-9.max-800x800.jpg
Ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ dẫn đến ung thư - Ảnh: Internet

4. Tăng huyết áp và đột quỵ

Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của đột quỵ vì nó làm tổn thương các mạch máu, khiến chúng trở nên hẹp hơn, và điều này có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông và di chuyển đến não.

Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và cholesterol - điển hình là thịt - có liên quan đến huyết áp cao và đột quỵ.

5. Bệnh Alzheimer

Loại sa sút trí tuệ này là một bệnh não tiến triển ảnh hưởng đến rất nhiều người lớn tuổi. Việc tiêu thụ thịt chế biến có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer trong khi các nghiên cứu cho thấy rằng ăn một chế độ ăn chủ yếu là thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer lên tới 53%.

6. Béo phì

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đái tháo đường type 2, ung thư đại tràng, vú và nội mạc tử cung. Các sản phẩm động vật chứa nhiều chất béo hơn so với thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Bởi vì thế không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu dân số cho thấy những người ăn thịt có tỷ lệ béo phì cao gấp 3 lần người ăn chay.

7. Rối loạn mỡ máu

Chất béo bão hòa làm tăng lượng cholesterol trong máu, và thực phẩm chế biến từ động vật, bao gồm thịt, bơ và pho mát, chứa nhiều chất béo bão hòa.

Tuy nhiên, thực vật chứa ít chất béo bão hòa và không có cholesterol, ngoài ra chúng còn giàu chất xơ hòa tan giúp giảm cholesterol nữa. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật làm giảm mức cholesterol hiệu quả hơn so với các chế độ ăn kiêng khác.

8. Gây nổi mụn

Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng quan trọng và quá ít có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá nhiều cũng có thể gây ra nhiều vấn đề, đặc biệt là mụn trứng cá.

Thịt chứa rất nhiều B12 và do đó việc tiêu thụ nhiều có thể gây ra tình trạng khó chịu, mất tự tin về da. Chế độ ăn thuần chay có thể là câu trả lời cho mụn trứng cá vì nó chứa ít B12 hơn nhiều.

Theo bác sĩ Nguyên nhìn chung, điều quan trọng là sự cân bằng của các loại thực phẩm tạo nên một chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh - nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả và hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, muối và đường - thay vì tập trung vào một loại thực phẩm cụ thể.

"Không nên ăn quá 3 bữa thịt một tuần, nên xen kẽ với các loại cá béo, đậu phụ, các loại đậu hạt, mè… để đa dạng bữa ăn và tốt cho sức khỏe", bác sĩ Nguyên chia sẻ.

ANH ĐÀO