Cẩn trọng với Hội chứng Pica, hậu quả khó lường

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:21, 11/05/2022

Hội chứng Pica là một hội chứng đặc trưng bởi sự thèm ăn (ăn bậy) đối với các chất không chứa nhiều chất dinh dưỡng, kì quặc có thể gây nguy hiểm tính mạng.
1400341177346072371881435607960503120765709n-1610853649997566100504-1610854664539872882036.png
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe khi lấy kim loại trong bụng cho bệnh nhân - Ảnh: BV Quân y 175

Nuốt nhiều thứ kì quặc

Mới đây, khoa ngoại bụng – Bệnh viện Quân y 175 - đã tiếp nhận bệnh nhi (13 tuổi) nhập viện cấp cứu với biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, toàn trạng gầy, xanh xao, liên tục kêu đau bụng. Bệnh nhi ngay lập tức được chỉ định chụp CT, phát hiện ra một dị vật rất lớn nằm trong dạ dày.

Sau thăm khám và phẫu thuật, các bác sĩ gắp ra được 1 khối tóc nặng 1,2kg lấp đầy lòng dạ dày.

Sau khi nhập viện, kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhi bị thiếu máu nhược sắc mức độ nặng, nồng độ Albumin thấp. Albumin là loại protein quan trọng, chiếm một phần lớn từ 58 – 74% trong tổng số lượng protein ở trong cơ thể, được sản xuất ở gan.

Gia đình cho biết, bệnh nhi có biểu hiện ăn tóc từ năm 3 tuổi, đi học mất cả mảng tóc, cô giáo cho biết bệnh nhi hay bứt tóc bỏ miệng ăn. Gia đình đã đưa bệnh nhi đi thăm khám nhưng tình trạng bệnh nhi bị bán tắc gây nhiều tranh cãi trong việc điều trị vào thời điểm đó, gia đình quyết định đưa bệnh nhi về tiếp tục theo dõi.

Tình trạng bứt tóc của bệnh nhi tiếp tục diễn ra không rõ nguyên nhân, không có quy luật, thỉnh thoảng bệnh nhi bứt tóc ăn trong nhiều ngày liên tục, mỗi lần bứt rất nhiều. Bệnh nhi biểu hiện là một người vui vẻ, hoạt bát và năng động trong cuộc sống, chưa thấy vấn đề bất ổn về tâm lý.

Trước đó không lâu bệnh viện này cũng đã đã phẫu thuật lấy các dị vật kim loại như đinh, thìa, bấm móng tay, lưỡi dao, thỏi sắt, móc đồ... trong bụng cho bệnh nhân T.H.T. (27 tuổi, quê Bình Dương).

Bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm thích ăn các dị vật kim loại. Đây là trường hợp hiếm gặp ở bệnh nhân có dấu hiệu hội chứng Pica. Khi bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng, được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương. Các bác sĩ phát hiện các dị vật trong bụng và chuyển lên Bệnh viện Quân y 175.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán là tổn thương dạ dày do dị vật. Các bác sĩ khoa ngoại bụng đã tiến hành hội chẩn, phẫu thuật lấy khoảng 1kg dị vật kim loại dã bị ăn mòn một phần như đinh, thìa, bấm móng tay, lưỡi dao, thỏi sắt, móc đồ trong bụng bệnh nhân.

Do số lượng dị vật trong bụng bệnh nhân quá nhiều nên êkip phải tiến hành mổ mở và chụp C- ARM (X-quang trong mổ) để tránh sót dị vật. Sau 2 tiếng các dị vật đã được lấy ra.

nataliehayhurst.jpeg
Hội chứng Pika có thể dẫn đến trẻ gặp nguy hiểm tính mạng - Ảnh: Internet

Có thể gây nguy hiểm tính mạng

Ths. Bs Phan Quang Thịnh – Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 175 - cho biết trong y văn thế giới gọi căn bệnh nuốt vật thể lạ này là Hội chứng Pica. Những người mắc Hội chứng Pica thường thèm hoặc ăn những món không phải là thực phẩm. Hiện tại không có cách nào để phân loại hành vi này.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cần kiểm tra một loạt các tình trạng khác nhau đồng mắc. Bao gồm cả sức khỏe tâm thần để cố gắng xác định nguyên nhân có thể xảy ra.

Hội chứng Pica thường phát triển ở những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng không phải tất cả những người mắc Hội chứng Pica đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hội chứng này cũng phổ biến hơn ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Ngoài ra, trẻ em mắc Hội chứng Pica có thể che giấu hành vi bởi cha mẹ và người chăm sóc.

Một số dạng Hội chứng Pica có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Ví dụ như việc thèm ăn các mảng sơn cũ bong ra rất nguy hiểm; đặc biệt là khi các các mảng sơn đến từ các tòa nhà cũ có thể chứa chì và gây ra nhiễm độc chì.

Một số biến chứng tiềm ẩn của Hội chứng Pica bao gồm: nghẹt thở do ăn đất đá to hay cát bay vào phổi; ngộ độc; gây hại cho não do ăn chì hoặc các chất có hại khác; gãy răng do ăn các vật cứng; loét tiến triển gây hại cho hệ tiêu hóa, chẳng hạn như gây thương tích cho cổ họng và dạ dày; gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như phân có máu, táo bón hoặc tiêu chảy; tắc ruột do thức ăn không được tiêu hóa, gây ứ đọng các thức ăn khác trong ruột.

Theo bác sĩ Thịnh, để điều trị Hội chứng Pica, ăn đồ không phải thực phẩm có thể gây ra các vấn đề như đau dạ dày và gãy răng. Điều trị thường bắt đầu bằng việc giải quyết những biến chứng này trước tiên. Một số người bị ngộ độc chì, nhiễm trùng hoặc các triệu chứng nghiêm trọng khác do hậu quả của Pica.

Điều trị trong những trường hợp này có thể bao gồm kháng sinh hoặc thậm chí phẫu thuật để lấy những vật thể đó ra. Để điều trị Hội chứng Pica, trước tiên, bác sĩ phải xác định lý do tại sao người đó thèm những đồ phi thực phẩm.

Điều này thường liên quan đến việc đánh giá tiền căn y khoa của họ để phân loại triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ nào khác hoặc làm thêm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.

ANH ĐÀO