TS. Hoàng Ngọc Vinh: Nếu vẫn còn tâm lý sính bằng cấp thì vấn nạn học giả, dạy giả sẽ khó giảm
Xã hội - Ngày đăng : 16:37, 11/05/2022
TS. Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm, một khi các nhà quản lý vẫn còn tâm lý sính bằng cấp, nhìn 'gà hóa cuốc' thì vấn nạn học giả, dạy giả sẽ khó có chiều hướng giảm. |
Những ngày qua, các diễn đàn học thuật trên mạng xã hội tranh cãi về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La". Nhiều người cho rằng nội dung đề tài hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ. Quan điểm của ông?
Mục tiêu và nội dung của đề tài này rất ít hàm lượng khoa học giáo dục nhưng lại xếp vào đề tài luận án tiến sĩ giáo dục. Cũng không phải đề tài thuộc về chính sách giáo dục hay quản lý giáo dục, có lẽ chỉ ngang với một báo cáo chuyên đề.
Vì thế, khá nhiều nội dung viết thiếu mạch lạc, không liên kết với nhau, vấn đề nghiên cứu xác định không rõ... Nhiều tài liệu đưa vào hoặc trích dẫn không ăn nhập với mục tiêu luận án cần đạt được.
Ví dụ, phần viết về đường lối của Đảng trong phát triển thể dục thể thao nói chung chứ không có gắn với đường lối của Đảng về "phát triển môn cầu lông" hoặc tài liệu nghiên cứu về quốc tế cũng không tìm thấy từ "cầu lông" trong tài liệu nghiên cứu lý luận hay kinh nghiệm quốc tế.
Tóm lại, đề tài này theo cách nhìn nhận chung thì không có ý nghĩa về khoa học.
Trong đánh giá công trình khoa học, luận án ngoài ý nghĩa khoa học, phương pháp nghiên cứu còn có ý nghĩa thực tiễn. Vậy theo ông, một đề tài nghiên cứu thế nào mới được xem là xứng tầm xét về cả tính học thuật lẫn thực tiễn?
Đề tài có thể phản ánh khía cạnh thực tiễn nào đó nhưng chưa hẳn đã mang tính khoa học, vì khoa học là sự quan sát, mô tả, xác định, nghiên cứu thực nghiệm và sự giải thích bằng lý luận. Tính khoa học chính là sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn, được kiểm nghiệm bằng thực tiễn, phản ánh quy luật chung nhất, thể hiện logic, hệ thống.
Nếu thực tiễn được mô tả hoặc áp đặt chủ quan sẽ coi như mất tính khoa học. Mặt khác, thực tiễn có ý nghĩa khoa học cũng phải mang tính chất điển hình. Về mặt học thuật lý luận cần phản ánh và được kiểm chứng bằng các thực nghiệm trong thực tế.
Những vấn đề mang tính học thuật trong một luận án phải thể hiện được người nghiên cứu có hiểu biết sâu và rộng về chủ đề nghiên cứu. Nghĩa là, đọc các công trình mang tính kinh điển, công trình nghiên cứu cùng lĩnh vực hiện thời và đưa ra những ý kiến phản biện, nhận xét, đánh giá và tìm được "lỗ hổng" trong các công trình đó. Đồng thời, đánh giá về nhiệm vụ của người nghiên cứu sau khi xác định được các hạn chế (lỗ hổng) đó và các câu hỏi mà người nghiên cứu phải trả lời.
Những công việc phải làm, phương pháp, công cụ để tiến hành lấp "chỗ hổng" đó và chứng minh bằng thực nghiệm thì đó là những vấn đề mang tính học thuật. Những phát hiện mới phải mang tính chất nguyên gốc (origin).
Đây không phải luận văn đầu tiên bị "soi". Nhiều năm qua, vẫn có những luận văn gây xôn xao dư luận bởi kém hàm lượng khoa học hoặc chỉ là "công nghệ nhân bản". Vậy nhìn từ những câu chuyện này, theo ông, làm sao để có “học thật, thi thật, nhân tài thật”?
Hiện tượng trên có thể xem là vấn nạn rất khó giải quyết, đó là văn hóa hám danh, sính bằng cấp hình thành nên thể chế phi chính thức bên cạnh thể chế chính thức - tức các quy định luật pháp tưởng như rất chặt chẽ về thủ tục và quy trình...
Nhưng thủ tục, quy trình đúng không lấy gì đảm bảo chất lượng thực hiện các thủ tục quy trình đó. Trong xã hội, một khi có cầu ắt có cung, nhất là trong xã hội chuộng bằng cấp.
Nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn thậm chí cả cơ sở đào tạo, hội đồng "đi đêm" với nhau, làm việc thiếu trách nhiệm khiến cho tấm bằng tiến sĩ kiếm được khá dễ dãi.
Trong khi đó, cơ quan quản lý lại có phần "buông lỏng", thụ động và thiếu năng lực để xử lý những sai phạm của cơ sở đào tạo vốn đang được tự chủ rất nhiều về học thuật nhưng lại thiếu đi trách nhiệm giải trình và tính liêm chính cần thiết.
Thời gian qua, nhiều luận án tiến sĩ gây xôn xao dư luận vì kém hàm lượng khoa học hoặc chỉ là "công nghệ nhân bản". (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Theo ông, công tác hậu kiểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các đề tài tiến sĩ cần được chú trọng thế nào?
Trước hết, cần phải đảm bảo khâu tiền kiểm cho tốt đã. Một số quốc gia gọi là tiền kiểm định - nghĩa là cơ sở đào tạo tiến sĩ muốn có tư cách đào tạo thì cần đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định về điều kiện đảm bảo chất lượng.
Không thể để cho đội ngũ hướng dẫn kém năng lực và phẩm chất cứ khoác cái áo tiến sĩ, giáo sư là nghiễm nhiên đủ điều kiện hướng dẫn mà không chú ý đến chuyên môn, cũng như uy tín thực tế trước cộng đồng khoa học.
Về vấn đề hậu kiểm rất khó đối với Bộ vì không thể đủ người để làm việc này. Những cán bộ quản lý Nhà nước không phải là chuyên gia ở mọi lĩnh vực học thuật, nếu có kiểm tra thì chỉ kiểm tra về quy trình thủ tục hoặc những vi phạm dễ nhất là "đạo văn".
Mặt khác, muốn thẩm định luận án tiến sĩ thì phải có bộ tiêu chỉ đánh giá chuẩn trên cơ sở Khung trình độ quốc gia (VQF). Nhưng tôi biết hiện nay thì yêu cầu luận án tiến sĩ theo quy định ban hành năm 2021 còn khá chung chung, hầu như không đề cập VQF. Đây là việc cần làm để quá trình thẩm định đánh giá được khách quan, tránh tranh cãi.
Cần phải siết chặt hơn nữa đối với việc đào tạo tiến sĩ ra sao để những luận án tiến sĩ không bị “cất vào tủ”?
Thực ra, về quy định đào tạo tiến sĩ ở ta rất chặt về thủ tục, quy trình xếp vào loại bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, quan trong là ý thức trách nhiệm của những người liên quan trong quá trình thực hiện.
Cơ quan quản lý cần lắng nghe dư luận trong việc hạ thấp chuẩn công bố quốc tế, nghiên cứu điều chỉnh quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đánh giá luận án tiến sĩ, tiêu chuẩn năng lực của người hướng dẫn.
Yêu cầu tất cả các cơ sở đào tạo tiến sĩ, cho dù ở cơ quan tổ chức nào, cũng đều phải công khai toàn bộ luận án lên website (trừ những luận án thuộc bí mật quốc phòng hay an ninh quốc gia) để xã hội và cộng đồng các nhà khoa học được biết cũng là cách quản lý tri thức hiệu quả.
Khi để lọt những luận án kém chất lượng, vi phạm luật pháp cần xử lý với tổ chức cá nhân vi phạm hoặc đề nghị lên cấp có thẩm quyền xử lý.
Đó là phía đào tạo còn phía sử dụng nhân lực cũng rất cần có chiến lược quản lý nguồn nhân lực hợp lý thông qua tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm theo năng lực làm việc ứng với vị trí việc làm.
Một khi các nhà quản lý vẫn còn tâm lý sính bằng cấp, nhìn "gà hóa cuốc", cứ thấy lấp lánh nghĩ là vàng và sử dụng thì vấn nạn học giả, dạy giả sẽ khó có chiều hướng giảm.
Xin cảm ơn ông!