Học sinh Phú Thọ, TP.HCM trải nghiệm thực tế với robot giáo dục và ngôn ngữ lập trình

Cuộc sống số - Ngày đăng : 12:06, 11/05/2022

Chương trình tập huấn trực tuyến vừa được Trung tâm xuất sắc về kỹ thuật số (CODE), Đại học RMIT tổ chức, đem đến cho học sinh 2 trường trung học ở Phú Thọ và TP.HCM trải nghiệm thực tế với robot giáo dục và ngôn ngữ lập trình.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang triển khai trên cả nước từ đầu năm học 2020 - 2021. Theo kế hoạch, kể từ năm nay, học sinh trung học có thể chọn các môn học khoa học máy tính bao gồm lập trình cơ bản, thực hành với robot giáo dục và học cách lắp ráp một robot đơn giản.

Với mong muốn hỗ trợ chuẩn bị cho việc triển khai định hướng khoa học máy tính trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Trung tâm xuất sắc về kỹ thuật số (CODE) thuộc Đại học RMIT mới đây đã tổ chức một chương trình tập huấn chuyên sâu với hai trường trung học ở tỉnh Phú Thọ và TP.HCM.

Học sinh Phú Thọ, TP.HCM trải nghiệm thực tế với robot giáo dục và ngôn ngữ lập trình
Trọng tâm hoạt động hiện tại của CODE là phân tích, thực tế ảo tăng cường, robot và giáo dục STEM.

Tham dự chương trình tập huấn trực tuyến kéo dài 8 tuần này, các học sinh và giáo viên của 2 trường phổ thông đã được thực hành với Phòng thực nghiệm dạy học từ xa và robot giáo dục của CODE.

Qua phương thức học theo dự án, các em có cơ hội nắm rõ nội dung các môn học về khoa học máy tính theo đề xuất trong chương trình đào tạo mới của Bộ GD&ĐT, còn các thầy cô được thực hành cách truyền tải các giờ học robot, lập trình và thu hút học sinh tham gia. Đến cuối chương trình tập huấn do CODE tổ chức, các học sinh tham gia khoá học đã biết cách dùng robot giáo dục trong thực tế. Chương trình tập huấn cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên trường THPT Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), cho biết mô hình học theo dự án của CODE giúp học sinh tích lũy không chỉ kiến thức liên ngành mà còn những kỹ năng mềm thiết yếu như giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thuyết trình và tư duy phản biện.

"Chương trình học được truyền tải qua các chủ đề thường thức hằng ngày như robot hướng dẫn viên du lịch, robot làm vườn, robot giao hàng tự động, robot bảo vệ môi trường, và theo cách hết sức hấp dẫn và thực tế. Đến cuối mỗi dự án, học sinh có được kiến thức vững chắc và tự tin hơn khi biểu đạt bản thân”, cô Nguyễn Thị Liên nhận xét.

Học sinh Phú Thọ, TP.HCM trải nghiệm thực tế với robot giáo dục và ngôn ngữ lập trình
: Học sinh trường THPT Đức Trí (TP.HCM) trình bày dự án robot và lập trình của các em trên lớp học trực tuyến.

Em Nguyễn Thế Nam, học sinh lớp 10 trường THPT Việt Trì cho biết em rất hứng khởi và ngạc nhiên khi tham gia chương trình tập huấn trực tuyến về robot giáo dục và ngôn ngữ lập trình. “Em bị cuốn theo ngay từ bài học đầu tiên – nó cực kỳ lý thú. Em cảm thấy may mắn khi có cơ hội được mở rộng thêm kiến thức về robot, điều mà em tin sẽ hỗ trợ con người rất nhiều trên mọi mặt cuộc sống trong tương lai”, học sinh Nguyễn Thế Nam nói.

Tiếp nối thành công của chương trình tập huấn, CODE mong muốn sẽ hỗ trợ thêm nhiều trường trung học trên khắp Việt Nam trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh thu hút giáo viên và học sinh đến với các môn học khoa học máy tính, đồng thời vẫn đảm bảo được kiến thức bắt buộc trong sách giáo khoa mới.

Cô Huỳnh Thục Yến, trưởng nhóm Tiếp cận và tương tác số trực thuộc CODE, cho biết Trung tâm vừa tổ chức 4 phiên thảo luận trực tuyến với giáo viên trung học nhằm cho họ thấy mối liên kết giữa chương trình tập huấn mà trung tâm cung cấp với chương trình mới của Bộ GD&ĐT.

“Các buổi thảo luận đã thu hút gần 70 giáo viên từ 30 trường trung học. Chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập thêm quan hệ hợp tác với những trường này trong năm nay và mở rộng các buổi đào tạo trên khắp Việt Nam, để cả giáo viên và học sinh đều có thể thích ứng với chương trình mới và đạt kết quả học tập tốt hơn”, cô Huỳnh Thục Yến cho hay.

Vân Anh