Vì sao dân bỏ hoang nhà cổ trên "đất vàng" Hà Nội?
Xã hội - Ngày đăng : 09:42, 11/05/2022
Suốt 8 năm qua, một căn phòng ở tầng 2 số 127 Phùng Hưng (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chỉ còn trơ trọi 4 bức tường. Theo bà Nguyễn Anh Thư (53 tuổi, ở Hà Nội), sau khi chuyển về đây sinh sống, bà thấy hiện tượng dột thấm ngày càng nhiều; hệ thống mái ngói có dấu hiệu xuống cấp, vỉ kèo gỗ có dấu hiệu bị mối mọt.
Đến năm 2014, do lo sợ mái ngói, vỉ kèo của ngôi nhà tuổi đời gần trăm năm có nguy cơ đổ sập, bà Thư đã tự ý tháo dỡ mái nhà, làm lại cửa sổ, nhưng chính quyền sở tại yêu cầu bà dừng lại và lập biên bản vi phạm hành chính.
"Năm đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình phải làm lại phần mái, các hạng mục phụ trong nhà cho an toàn để tiếp tục sinh sống. Sau đó, lực lượng chức năng thông báo căn nhà thuộc diện công trình có giá trị đặc biệt. Vì vậy, phải xin ý kiến các sở ngành và khi xây dựng lại phải đảm bảo phần mái nhà được phục hồi nguyên trạng" - bà Thư chia sẻ.
Cũng theo bà Thư, do đã tháo xong toàn bộ phần mái lại muốn tiếp tục có nơi ăn, chỗ ở nên bà đã làm đơn xin làm mái tạm nhưng không được chính quyền sở tại chấp thuận.
Đến năm 2016, UBND quận Hoàn Kiếm ra Quyết định 1601/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính, cải tạo, xây dựng không phép và yêu cầu bà Thư phải khôi phục lại toàn bộ phần mái ngói, sàn gỗ, cửa gỗ… đã bị bà tự ý tháo dỡ.
"Do kinh tế khó khăn nên tôi không có tiền để phục dựng nguyên trạng mái ngói khung gỗ theo kiến trúc, kết cấu cũ. Đồng thời, tôi cũng không được cho phép làm mái tạm nên căn nhà bỏ không từ đó cho đến bây giờ" - bà Thư cho hay.
Sau 8 năm ròng rã chờ đợi, cùng với việc kiệt quệ kinh tế và nhu cầu bức thiết phải có nhà để ở, hồi tháng 4 vừa qua, bà Thư lại tiếp tục có đơn cho phép che tạm mái bằng loại tôn giả ngói và chờ đợi sự phản hồi từ chính quyền sở tại.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Quang Huấn - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đông, cho biết ngôi nhà ở số 127 Phùng Hưng là nhà 2 tầng mái ngói mặt phố có giá trị đặc biệt theo Quyết định 6398/QĐ-UBND được UBND TP Hà Nội ban hành vào năm 2013. Hộ nhà bà Thư sở hữu và sử dụng tầng 2 với diện tích 55,7 m2.
Vì vậy, vào năm 2014, khi bà Thư tự ý tháo dỡ mái ngói cùng nhiều hạng mục, địa phương đã lập biên bản, yêu cầu dừng xây dựng. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã phải tìm lại hồ sơ để tham mưu cho UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để thực hiện theo bản vẽ chi tiết của nhà biệt thự cũ.
"Hiện nay, Quyết định 1601/QĐ-KPHQ ban hành năm 2016 vẫn đang là quyết định có giá trị pháp lý cao nhất. Riêng việc không có khả năng về kinh tế thì đó là trách nhiệm chủ sở hữu vì không có cơ quan nào đứng ra thẩm định khả năng tài chính hiện tại của bà Thư" - ông Huấn cho hay.
Được biết, hiện UBND quận Hoàn Kiếm cùng các phòng ban liên quan đang tổ chức họp bàn để giải quyết dứt điểm vụ việc này.