TPHCM: Báo động dịch chồng dịch, xuất hiện trẻ mắc tay chân miệng nặng

Tin Y tế - Ngày đăng : 21:46, 10/05/2022

TPHCM - Sốt xuất huyết chưa qua, bệnh tay chân miệng lại đến. Bệnh nhân tay chân miệng tại TPHCM tuần qua đã tăng gần 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó, dự báo sẽ diễn tiến phức tạp.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM vào ngày 10.5, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm nổi các nốt nước đỏ ở miệng, tay, chân - biểu hiện của bệnh tay chân miệng.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang được điều trị tại bệnh viện.Ảnh: Nguyễn Ly
Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Ly 

Anh Nguyễn Văn Hà (ngụ tỉnh Đắk Nông) đưa con trai 1 tuổi nhập viện điều trị tạo hình hậu môn, nhưng khoảng vài ngày sau bệnh nhi xuất hiện những triệu chứng ngứa và nổi nốt ở miệng và tay nên được chuyển sang khoa truyền nhiễm điều trị. 

“Bác sĩ nói con tôi bị tay chân miệng, cháu sốt liên tục và tay chân nổi đầy nốt nước nên tôi vẫn đang rất lo”, anh Hà chia sẻ. 

Tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, trung bình mỗi ngày điều trị cho từ 30-40 bệnh nhân mắc tay chân miệng. Theo các bác sĩ, giai đoạn từ tháng 5-8 là thời điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não nên dịch chồng dịch rất phức tạp.

Theo Th.S.BS Nguyễn Đình Qui - Phụ trách khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, ghi nhận trong vòng 1 tuần lễ, có gần 500 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, khoảng 40 trẻ phải nhập viện điều trị, tăng gấp 4 lần so với 4 tuần trước đây. 

Nhằm đảm bảo công tác điều trị trước tình hình số trẻ nhập viện tăng, Khoa Truyền nhiễm đã phải bố trí thêm phòng ốc và giường xếp để bệnh nhi nhập viện điều trị. 

Cũng theo các bác sĩ, hiện nay, số trẻ nhập viện tăng cũng vì một phần phụ huynh lo lắng quá nên đưa con nhập viện. Vì thế, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục tư vấn sàng lọc bệnh, nếu trong vòng 24-48h theo dõi mà bệnh nhi không có nguy cơ trở nặng sẽ được cân nhắc cho về nhà điều trị. 

Với 5-6% trẻ mắc tay chân miệng độ 2B (độ nặng) trở lên, các bé sẽ được theo dõi tích cực, tránh tình trạng phát hiện muộn trẻ có thể bị viêm màng não hoặc virus tấn công vào trung khu não bộ khiến trẻ bị viêm não tối cấp, viêm cơ tim thứ cấp dẫn đến tử vong nhanh chóng. 

Cũng tại thời điểm này, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có 28 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện nội trú. Con số này tăng gần gấp 3 lần so với đầu tháng 4.2022. 

Theo các bác sĩ, thời điểm này số trẻ nhập viện tăng là phù hợp khi trẻ đến trường học, giao lưu với bạn cùng lớp nên bệnh tay chân miệng lây nhanh.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 - 70 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, chủ yếu bệnh nhẹ. Tỷ lệ nhập viện (từ độ 2A trở lên) thấp.  

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho thấy, 4 tháng đầu năm 2022, TPHCM ghi nhận 936 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó, 95% ca bệnh từ 1-5 tuổi. 

Số ca bệnh tăng báo động ở hầu hết các địa phương, đặc biệt ở quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, quận Tân Bình, Khu vực 3 TP.Thủ Đức.

NGUYỄN LY