Tin thế giới 10/5: Nga lớn tiếng chỉ trích NATO là người gây chiến; EU khó ‘bật đèn xanh’ cho Ukraine; tân Tổng thống Hàn Quốc gửi thông điệp ‘gợi mở’
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:08, 10/05/2022
Nga lớn tiếng chỉ trích NATO là người đi gây chiến. (Ảnh: QT) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Ngoại trưởng Nga thăm Algeria
Ngày 10/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tới Algeria và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Algeria Ramtane Lamamra.
Hai ngoại trưởng sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là cuộc chiến chống khủng bố. Algeria đang đóng góp mạnh mẽ vào Cơ sở dữ liệu chống khủng bố quốc tế được thành lập theo sáng kiến của Nga.
Bên cạnh đó, Algeria cũng được cho là sẽ thúc đẩy nỗ lực của Liên đoàn Arab nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó có thể là trở thành trung gian hòa giải giữa Nga-Ukraine. (TASS)
Phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc chỉ trích NATO mạnh mẽ
Ngày 9/5, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky cho rằng, NATO đang tiến hành một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm chống Nga và trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, các tài liệu của quân đội Ukraine về kế hoạch tấn công Nga đã bị phát hiện.
Ông Polyansky nói: “Hiện đang diễn ra cuộc chiến tranh ủy nhiệm với NATO. NATO đang nỗ lực cho một cuộc chiến ủy nhiệm đối với Nga. Đây là thực tế mà chúng tôi đang phải đối mặt. Các tài liệu và bằng chứng mà chúng tôi phát hiện trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt cho thấy rõ ràng đã có những kế hoạch cụ thể để tấn công Nga từ lãnh thổ Ukraine, cũng như những kế hoạch cụ thể để tấn công vào Donbass”.
Phó Đại diện thường trực của Nga nhấn mạnh rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là một cuộc tấn công phủ đầu và hoàn toàn tuân thủ Điều 51 của Hiến chương LHQ. (TASS)
Nga đã chuyển 15.000 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới Ukraine
Cơ quan báo chí của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga ngày 10/5 thông báo các đoàn xe của Bộ này đã chuyển tới Luhansk, Donestk (Donbass) và Ukraine 350 tấn hàng viện trợ nhân đạo.
Thông báo của bộ trên có đoạn: “Kể từ ngày 7/5, một lô hàng viện trợ nhân đạo khác với tổng trọng lượng khoảng 350 tấn đã được các đoàn xe của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga chuyển đến DPR, LPR và Ukraine. Hàng hoá bao gồm nước đóng chai, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cơ bản”.
Như vậy, tổng số hàng viện trợ mà Bộ này đã chuyển giao từ đầu chiến dịch hỗ trợ nhân đạo đã lên tới 15.000 tấn.
Ngoài ra, các chuyên gia Nga cùng các đồng nghiệp DPR và LPR đang tích cực tiến hành rà phá bom mìn ở các vùng lãnh thổ này. (TASS)
Nga bác bỏ thông tin đóng cửa các Sứ quán tại châu Âu
Ngày 10/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko bác bỏ thông tin nước này sẽ đóng cửa các Đại sứ quán của Nga tại các nước châu Âu, đồng thời nhấn mạnh "công việc của các văn phòng đại diện ngoại giao là quan trọng".
Trước đó, hãng thông tấn RIA dẫn lời một Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ đóng cửa các Đại sứ quán ở châu Âu để đáp trả các biện pháp không thân thiện của các quốc gia phương Tây và việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. (Reuters)
Ba Lan nói gì về vụ Đại sứ Nga bị tấn công?
Sau vụ tấn công nhằm vào Đại sứ Nga Sergey Andreev ở Thủ đô Warsaw, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina ngày 9/5 cho biết, Ba Lan “nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình và đang theo dõi kĩ lưỡng”.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho rằng vụ tấn công vào Đại sứ Nga là “đáng tiếc”: “Sự việc hôm nay trong lễ đặt vòng hoa tại nghĩa trang chiến sĩ Liên Xô ở Warsaw là một sự cố đáng lẽ không nên xảy ra, 1 sự cố đáng tiếc cho tất cả các bên”. (Reuters)
Ngoại trưởng Đức bất ngờ thăm Ukraine
Ngày 10/5, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tới thăm thị trấn Bucha, ngoại ô thủ đô Kiev, trong một chuyến công du bất ngờ tới Ukraine.
Đây là nơi phát hiện hàng trăm thi thể dân thường trong một hố chôn tập thể. Ukraine và các nước phương Tây đã liên tục cáo buộc Nga phạm phải các tội ác chiến tranh, và các binh sĩ Nga gây ra một cuộc “thảm sát” tại Bucha.
Theo Suddeutsche Zeitung, Ngoại trưởng Baerbock đến Kiev bằng đường tàu hỏa và là quan chức cấp cao đầu tiên của chính phủ liên bang Đức có chuyến thăm tới Ukraine. (DW)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Ukraine điện đàm
Ngày 9/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Ukraine Alexey Reznikov đã tiến hành điện đàm thường kỳ và thảo luận về sự hỗ trợ quân sự của Washington dành cho Kiev, cùng những vấn đề khác.
Tại một cuộc họp báo, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, ông Austin đã nhấn mạnh thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden liên quan tới khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 150 triệu USD cho Ukraine. Số tiền này sẽ được sử dụng để cung cấp cho Kiev các khí tài như pháo, radar phản pháo và thiết bị gây nhiễu điện tử.
Về phần mình, ông Resnikov đã chia sẻ đánh giá của mình với ông Austin về tình hình trên chiến trường Ukraine. (TASS)
Sẽ rất lâu để Ukraine gia nhập EU
Trong bài phát biểu tại nghị viện châu Âu ngày 9/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định Ukraine có thể cần đến nhiều năm hay thậm chí hàng thập kỷ để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
“Đó là sự thật, trừ khi chúng ta quyết định hạ thấp các tiêu chuẩn gia nhập và suy nghĩ lại về sự thống nhất của châu Âu”, ông Macron nói.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, EC đang chờ nhận được bảng câu hỏi dành cho ứng cử viên gia nhập EU từ phía Ukraine. Phản hồi về nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine dự kiến sẽ được EC đưa ra vào tháng 6 tới. (AFP)
Thụy Điển nêu quan điểm về hệ quả gia nhập NATO
Phát biểu trên đài phát thanh Thụy Điển ngày 10/5, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Peter Hultqvist cho rằng các năng lực phòng thủ của khu vực Bắc Âu sẽ được củng cố nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cho phép lập kế hoạch phòng thủ chung trong khuôn khổ liên minh quân sự.
Bộ trưởng Hultqvist của Đảng Dân chủ Xã hội nêu rõ: "Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ nhận được kết quả rằng chúng ta sử dụng sức mạnh và lợi thế của nhau, hoàn toàn bổ sung cho nhau và đồng thời tiến hành kế hoạch hành động. Như vậy, kết quả sẽ là chúng ta cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là điều có thể xảy ra nếu chúng ta chọn gia nhập NATO". (Reuters)
Tân Tổng thống Hàn Quốc nhậm chức
Ngày 10/5, tại tòa nhà Quốc hội, ông Yoon Suk-yeol đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc.
Phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Yoon đã bày tỏ, chính quyền mới của Hàn Quốc sẵn sàng mở lại tiến trình đàm phán phi hạt nhân đang bế tắc.
“Dù chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa không chỉ với an ninh của chúng ta mà cả Đông Bắc Á, cánh cửa đối thoại vẫn sẽ mở để chúng ta có thể giải quyết mối đe dọa này một cách hòa bình”, tân Tổng thống Hàn Quốc nói.
Ông cũng khẳng định: “Nếu Triều Tiên thực sự bắt tay vào quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, chúng tôi sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế để đưa ra một kế hoạch táo bạo nhằm cải thiện mạnh mẽ nền kinh tế Triều tiên và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”. (Reuters)
Triều Tiên bất ngờ phong tỏa thủ đô
Ngày 10/5, phương tiện truyền thông đưa tin nhà chức trách Triều Tiên đã bất ngờ ra lệnh phong tỏa thủ đô Bình Nhưỡng của nước này, yêu cầu người dân ở trong nhà, với lý do “vấn đề quốc gia” nhưng không nêu rõ đó là gì.
Theo NK News, các nhà chức trách Triều Tiên dường như đã hướng dẫn người dân không ra khỏi nơi cư trú và cũng không nói rõ khi nào sắc lệnh này sẽ được dỡ bỏ.
Các quan chức ngoại giao nước ngoài làm việc tại Bình Nhưỡng nói với NK News rằng những chỉ thị ngắn hạn yêu cầu người dân ở trong nhà không phải là bất thường, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020. (Yonhap)
Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ đến Quần đảo Solomon
Nhật báo The Australian ngày 10/5 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ dẫn đầu một phái đoàn cấp cao đến Quần đảo Solomon để chính thức ký một hiệp ước an ninh giữa hai nước. Tuy nhiên, chưa rõ thời gian cụ thể là bao giờ.
Tờ báo nhận định, chuyến thăm Quần đảo Solomon nằm trong chương trình công du của ông Vương Nghị tới một loạt các quốc gia Thái Bình Dương, nhằm phô trương ảnh hưởng của Trung Quốc trước Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương.
Trung Quốc cáo buộc G7 can thiệp vào công việc nội bộ
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/5 cho biết, tuyên bố quan ngại của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính Hong Kong là một sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh một số nước đã cố tình phớt lờ những bước tiến trong nền dân chủ của Hong Kong. Ông khẳng định chủ quyền của Trung Quốc và các quy tắc cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế cần được tôn trọng. (THX)
LHQ lên án bạo lực leo thang ở Sri Lanka
Ngày 10/5, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Michelle Bachelet đã lên tiếng chỉ trích bạo lực leo thang ở Sri Lanka, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng, đồng thời hối thúc nhà chức trách nước này ngăn tình trạng bất ổn hơn nữa.
Trong một tuyên bố, bà Bachelet cũng hối thúc các bên kiềm chế và tiến hành đối thoại có ý nghĩa để trấn an sự bất bình trong dân chúng.
Tuyên bố có đoạn: "Tôi vô cùng lo lắng trước sự leo thang bạo lực ở Sri Lanka sau khi những người ủng hộ Thủ tướng tấn công người biểu tình ôn hòa ở thủ đô Colombo ngày hôm qua (9/5) và bạo lực đám đông sau đó nhằm vào các thành viên của đảng cầm quyền.
Tôi lên án tất cả những hành động bạo lực và kêu gọi nhà chức trách độc lập điều tra toàn bộ các cuộc tấn công một cách độc lập, kỹ lưỡng và minh bạch. Điều quan trọng là phải đảm bảo những kẻ kích động hay tổ chức bạo lực phải được đưa ra trước công lý”. (AFP)