Trào lưu gap year: Giới trẻ cần lưu ý những gì?
Xã hội - Ngày đăng : 20:00, 10/05/2022
Nhiều sinh viên chọn gap year
Gap year có thể hiểu là thời gian “nghỉ giữa hiệp” kéo dài 6 tháng đến một năm, được hiểu là cơ hội để bạn trẻ rời bỏ sách vở, rời bỏ giảng đường quen thuộc để có thể thỏa trải nghiệm những điều bản thân mong ước.
Gap Year không mang mục đích nghỉ dưỡng mà sẽ hướng các bạn trẻ theo đuổi các hoạt động phát triển bản thân, đem đến kinh nghiệm sống thực tế từ các hoạt động trải nghiệm đã định hướng từ trước, hoặc cũng có thể hiểu là khoảng lặng để bạn trẻ định hướng và thực sự tìm được đam mê của mình.
Trải nghiệm này đã được nhiều bạn trẻ Việt Nam biết tới và chọn lựa sau tốt nghiệp.
Nói về hành trình của mình, Nguyễn Tuấn Tú (quê Yên Bái) cho biết sau khi học xong lớp 12 Tuấn quyết định thi vào trường Cao đẳng Du lịch. Tuy nhiên, chỉ vừa học được một học kỳ Tú nhận ra không phù hợp với ngành này.
Suốt mấy tháng học tại trường em rất áp lực nên nghĩ đến chuyện tạm dừng việc học để xác định lại hướng đi. Sau đó em mới phát hiện mình thích mày mò những phụ kiện của ô tô nên quyết định đi học nghề sửa chữa ô tô và bắt đầu lên kế hoạch cho lộ trình sắp tới của mình.
Ba năm học nghề, em xin việc ở một cửa hàng sửa chữa để học tập kinh nghiệm, hiện nay em đã mở một showroom sửa chữa riêng với thu nhập rất tốt”, Tú nói.
Thế nhưng, không phải ai gap year cũng may mắn tìm được đam mê giống Tú. Đã từng đổi chuyên ngành từ Kế toán sang học Cao đẳng Sư phạm vì thấy không phù hợp nhưng Nguyễn Trà Giang - sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, vẫn không tìm được đam mê thật sự của mình.
“Ngã rẽ của em bắt đầu từ năm lớp 12, em chọn ngành kế toán vì mọi người nghĩ rằng ngành này sau khi ra trường dễ kiếm việc, lương lại cao.
Thế nhưng, em phát hiện mình thích làm cô giáo mầm non nên quyết định thi vào ngành sư phạm mầm non. Học thêm 1 học kỳ ở ngành mới em cũng chán", Giang tâm sự. Sau hai lần Gap year, Trà Giang quyết định bán hàng online.
Gap year cần thận trọng?
Nhiều chuyên gia cho rằng Gap year là để tìm thấy đam mê thực sự nhưng khi chúng ta quyết định xách ba lô lên và đi, sẵn sàng đón nhận và chia sẻ mọi thứ với những người xung quanh, với thế giới bên ngoài thì cũng cần có trong tay một bản kế hoạch và hành trình thật chi tiết chứ không phải gap year vô định.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thái Anh - Trung tâm tư vấn tâm lý Thái Anh thì gap year chính là một năm nghỉ ngơi, làm những điều mình thích trước khi tiếp tục hành trình đi học hoặc đi làm.
Tuy nhiên, việc có trong tay một bản kế hoạch và hành trình cụ thể cũng lợi thế để các bạn trẻ có thể thuyết phục phụ huynh ủng hộ hành trình gap year của mình.
“Các bạn trẻ cũng cần xác định hướng đi chứ không phải cứ tạm nghỉ 1 năm rồi muốn ra sao thì ra, đi đâu thì đi. Bởi lẽ, dù là gap year hay không thì hành trình mà không có tấm bản đồ thì xem như bạn chỉ có thể luẩn quẩn và không biết sẽ đi đâu, về đâu và điều này sẽ đưa bạn đến gần với thất bại hơn.
Vì thế, trước khi thực hiện hãy lập kế hoạch thật cụ thể, trang bị cho bản thân những kỹ năng cụ thể và tới nơi mà mình muốn tới.
Chắc chắn là gap year là hành trình bạn xác định đam mê để cố gắng, phấn đấu tìm lại bản thân chứ không phải gap year để ăn chơi, giải trí và hưởng thụ. Nếu nghĩ gap year để hưởng thụ thì sẽ dẫn bạn đến thất bại”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thái Anh nói.