Bộ Y tế: Cơ sở bán lẻ thuốc không được phép kinh doanh sản phẩm chứa Methanol

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:00, 10/05/2022

Bộ Y tế ngày 10/5 yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế, đảm bảo việc cơ sở bán lẻ thuốc không được phép kinh doanh sản phẩm có chứa Methanol.

Bộ Y tế ngày 10/5 có công văn yêu cầu tăng cường quản lý sản phẩm chứa Methanol được mua, bán tại các cơ sở kinh doanh dược.

Hiện tại, một số cơ sở bán lẻ thuốc bày bán các sản phẩm chứa hóa chất Methanol gây nhầm lẫn với cồn sát trùng hoặc hướng dẫn sử dụng như sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế.

Điều này gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người dùng và không có hiệu quả sát khuẩn như mong muốn.

agfffss.png
Hình ảnh chai cồn chứa Methanol mua ở nhà thuốc mà nam bệnh nhân 54 tuổi đã uống nhầm dẫn đến ngộ độc. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Theo Bộ Y tế, Methanol là hóa chất dùng với mục đích là chất đốt, rửa dụng cụ, làm dung môi hóa chất xét nghiệm. Cơ quan này khẳng định đây không phải là thuốc, nguyên liệu làm thuốc và không được sử dụng cho mục đích sát khuẩn trong y tế.

Vào tháng 3, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho nam bệnh nhân 54 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau đầu, mờ mắt, chóng mặt, chẩn đoán ngộ độc do uống nhầm cồn 70 độ.

Người nhà ông này cho hay đã mua cồn về để sát khuẩn phòng dịch Covid-19. Do mua tại hiệu thuốc nên gia đình tin tưởng để sát khuẩn mà không đọc kỹ công dụng ghi trên nhãn mác là “Dùng làm chất đốt và rửa kính”.

Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã xét nghiệm chai cồn do gia đình mang tới. Kết quả phát hiện nồng độ cồn công nghiệp Methanol là 56%. Bệnh nhân trên được xử trí lọc máu khẩn cấp, qua cơn nguy kịch nhưng còn di chứng mờ mắt.

Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế kiểm tra đầy đủ thông tin về thành phần, nhãn mác trước khi mua, bán sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay.

Các cơ sở kinh doanh này cũng phải hướng dẫn cụ thể, đầy đủ cho người mua, bệnh nhân về các lưu ý, đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế trên địa bàn, đảm bảo cơ sở bán lẻ thuốc không được phép kinh doanh, bày bán các sản phẩm có chứa Methanol.

Sở Y tế cũng được giao chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các phòng, ban thuộc Sở và các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh có mua, bán Methanol mà giấy đăng ký kinh doanh không có phạm vi kinh doanh hóa chất và không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất, hoặc có các giấy phép nhưng không tuân thủ quy định pháp luật về quản lý hóa chất và các quy định khác có liên quan.

Với các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế, Bộ Y tế yêu cầu không kinh doanh các sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế khi phát hiện thành phần sản phẩm có chứa Methanol…

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - cho biết loại cồn sát trùng cần dùng phổ biến là ethanol, còn cồn công nghiệp Methanol là hóa chất độc hại không được dùng để sát trùng.

Nhiều năm gần đây, qua việc xét nghiệm các chai cồn sát trùng do bệnh nhân mang tới, Trung tâm Chống độc phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng rởm (chai cồn chỉ có chứa thành phần cồn công nghiệp Methanol và nước) và báo cáo với các cơ quan chức năng, thông báo rộng rãi.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm cho hay nhiều sản phẩm cồn công nghiệp như vậy vẫn tiếp tục được bán ở các hiệu thuốc nhưng đã thay đổi nhãn mác về công dụng thành “dùng để đốt hay lau chùi” hình thức chai lọ và nhãn mác vẫn rất giống các chai cồn sát trùng...

Theo TS Nguyên, ngoài việc không bảo đảm sát trùng, khi dùng cồn công nghiệp Methanol quá nhiều trên da diện rộng, nhiều lần sẽ ngấm qua da tới mức đủ gây ngộ độc (nhiễm toan chuyển hóa, tổn thương mắt, tổn thương não).