"Tôi chưa thấy luật nào nhường đường xe ưu tiên thì được phép vượt đèn đỏ"
Xã hội - Ngày đăng : 07:18, 10/05/2022
Sau khi Dân trí tạo bảng thăm dò về việc: Nên tuân thủ chờ đèn đỏ hay vượt đèn đỏ để nhường đường xe cứu thương?, có 35% ý kiến cho rằng sẽ lập tức nhường đường dù phải vi phạm luật giao thông; 13% ý kiến cho biết không chấp nhận vượt đèn đỏ để nhường đường; và 52% cho rằng sẽ tùy tình huống thực tế để quyết định có nhường đường hay không.
"Xe họ ưu tiên chứ xe tôi có ưu tiên đâu!"
Bên cạnh việc tham gia bảng thăm dò, nhiều bạn đọc cũng đã gửi ý kiến bình luận về sự việc đang gây nhiều tranh cãi, xoay quanh clip có nội dung: mặc cho xe cứu thương hú còi ưu tiên, gọi loa xin nhường đường nhưng tài xế một xe ô tô 5 chỗ vẫn kiên quyết chờ đèn đỏ, không di chuyển.
Lái xe về sau có giải thích lý do cho hành động này như sau:
"Tôi lái xe bao năm biết rõ luật quy định xe nào được ưu tiên, nhưng không có luật nào quy định ô tô phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên.
Luật thì thế, còn hôm đó nếu thuận tiện để nhường đường tôi vẫn sẽ vượt lên nhường ngay, nhưng đường khi đó quá đông nên tôi không thể làm khác được. Nếu nhường đường thì hoặc bị xử lý vì vượt đèn đỏ, hoặc xảy ra tai nạn thì tôi không làm được".
Trong hàng trăm bình luận của bạn đọc gửi về, rất nhiều người bày tỏ quan điểm đồng tình với người lái xe Vios trong clip và cho rằng: "Lỡ vượt đèn đỏ mà không may có xe hướng đèn xanh lao vào gây tai nạn thì sao, ai chịu thay cho? Khi CSGT gửi hình ảnh phạt nguội không có hình xe cứu thương vì có thể xe ấy đã rẽ thì lái xe Vios sao có thể biện hộ? Tóm lại phải có luật rõ ràng cụ thể chứ lái xe thấp cổ bé họng gặp công an đã run sao mà lý giải với họ được".
"Luật mới chỉ quy định nhường đường khi đang lưu thông, chứ luật nào quy định là các xe phải đi sai luật như vượt đèn đỏ, rẽ sai làn để nhường xe ưu tiên? Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cơ quan làm luật phải bổ sung những tình huống xử lý của pháp luật để những trường hợp như thế này không bị phạt vì vi phạm luật, thì mới thể hiện pháp luật là tốt và là thượng tôn pháp luật", quan điểm của bạn đọc Nguyễn Thanh Đoàn.
Bạn đọc Tuanvu viết: "Nhường đường cho xe cứu thương khi đang lái xe trên đường tham gia giao thông khác với việc đang dừng đèn đỏ phải nhường đường. Theo quan điểm cá nhân tôi: Lái xe cần chấp hành Luật Giao thông đường bộ dừng đèn đỏ, không vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương".
Bạn đọc Tuanvu cũng không quên dẫn lại câu chuyện xảy ra hồi tháng 3 tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình khi một tài khoản Facebook có tên A.H. đã đăng tải sự việc mình bị xử phạt nguội vì nhường đường cho xe cứu thương.
Theo chia sẻ của chủ nhân đoạn clip, khi anh này đang dừng chờ đèn đỏ thì nghe thấy tiếng còi cảnh báo của xe cứu thương đi ở phía sau, anh này buộc phải điều khiển xe lách qua để nhường đường, nhưng khoảng trống lại không đủ để xe cứu thương vượt lên, buộc tài xế phải vượt đèn đỏ và dừng trên phần đường dành cho người đi bộ.
Tình huống này đã được camera giám sát giao thông ghi lại, khiến anh A.H. phải nhận giấy xử phạt nguội từ cơ quan chức năng.
Bạn đọc Minh Đạt cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân khi bị phạt vì nhường đường cho xe ưu tiên: "Em bị một lần rồi ạ. Cảnh sát giao thông họ trích Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008 rằng nhường xe ưu tiên nhưng không có nghĩa là anh được vượt đèn đỏ; xe họ là xe ưu tiên, chứ xe anh có ưu tiên đâu. Vẫn ăn biên bản ạ".
Chấp nhận bị phạt để cứu một mạng người!
Liên quan đến việc lái xe có tên A.H ở TP Thái Bình được cho là bị phạt nguội sau khi vượt đèn đỏ nhường đường xe cứu thương, bạn đọc Nguyễn Tuấn Linh cho biết: Lái xe này bị phạt vì lý do không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo chứ không phải vì vượt đèn đỏ khi nhường đường cho xe cấp cứu.
Lái xe này dừng chờ đèn đỏ ở làn bên phải, là làn dành cho xe rẽ phải. Ngay cột đèn tín hiệu cũng có bảng xe được phép rẽ phải khi đèn đỏ. Khoảng mười mấy giấy sau, xe cấp cứu đến, ra tín hiệu xin nhường đường thì lái xe này mới đi lên trước vạch dừng, rồi xe cấp cứu đi lên. Sau đó ô tô này rẽ trái, vì vậy mới bị phạt:
"Các bạn có thể tìm video rồi bật lên nghe là hiểu. Thứ nhất, trường hợp này công an nói giọng rất nhẹ nhàng và rõ ràng: "Được rồi, trường hợp này nhường xe cứu thương để đội xem xét". Nghĩa là người ta không phạt. Thứ hai, làn phải là làn đi thẳng hoặc rẽ sang phải, phía trước dưới lòng đường có kẻ mũi tên rõ ràng, hơn nữa có biển phụ dưới cột đèn, cho phép đèn đỏ vẫn được rẽ phải. Ông lái xe muốn rẽ trái nhưng khôn lỏi, đậu sang bên đó nhằm rẽ trái cho nhanh, mặc ông nào thích rẽ phải cũng phải đợi. Đây là kiểu sống ích kỷ và vô trách nhiệm.
Thứ ba, theo quy định, nhường đường xe ưu tiên là phải táp vào lề phải, rẽ sang phải của mình để nhường đường, không được phép vượt đèn đỏ táp sang trái như video bởi nhiều trường hợp nó gây nguy hiểm cho phương tiện khác. Ông này không táp phải hoặc rẽ phải vì ông ấy đang muốn rẽ trái cơ mà".
Bạn đọc Chu Đình Hoan thì khẳng định nếu mình ở trường hợp của lái xe Vios, sẽ sẵn sàng chấp nhận bị phạt nếu có thể cứu sống được một mạng người: "Với tôi thà vi phạm giao thông, tôi cũng tránh cho xe cứu thương đi. Các bạn có từng nghĩ và đặt hoàn cảnh nếu người nằm trong xe cứu thương là người thân của bạn không? Chỉ cần 30 giây, một phút đến sớm là có thể cứu được, các bạn sẽ đối mặt với tình huống này như thế nào?".
Bạn đọc Tuấn Lê đồng quan điểm: "Không nhường thì tội người đang cấp cứu, còn nhường thì bị phạt nguội vượt đèn đỏ, theo quan điểm của tôi thì thôi kệ chấp nhận phạt để cho họ đi, biết đâu cứu được một mạng người thì mất tiền cũng không sao cả".
"Nhà tôi gần nút giao, từ bé tới giờ đã mấy chục năm rồi chưa gặp trường hợp nào vì nhường đường cho xe ưu tiên mà tai nạn cả, đi đường cũng chưa thấy bao giờ luôn. Lấn làn, chèn vạch để nhường đường cho xe ưu tiên cũng chưa dính phạt nóng phạt nguội bao giờ.
Vì vậy, nhìn cảnh này tôi thấy thật là buồn vì sự thiếu ý thức hay thiếu hiểu biết của chiếc xe đen, chỉ cần tiến lên nép bên phải một chút thôi là có thể xe cấp cứu đi qua được rồi, ai dám phạt xe đen nếu làm vậy đâu, có thể cứu sống một mạng người nếu họ hiểu biết", bạn đọc Duy Hào nêu rõ quan điểm.