'Món quà truyền thống' Triều Tiên gửi 'ông chủ mới' của Nhà Xanh

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:23, 09/05/2022

Khi Nhà Xanh chuẩn bị có 'ông chủ mới', lại có đường lối cứng rắn với Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã ngay lập tức có những động thái gửi gắm thông điệp tới Seoul.
'Món quà truyền thống' Triều Tiên gửi 'ông chủ mới' của Nhà Xanh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) đã gửi thông điệp cứng rắn đến tân lãnh đạo Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Nguồn: Reuters)

Gây áp lực "phủ đầu"

Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo trong bối cảnh chỉ còn 3 ngày nữa là diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người đã cam kết sẽ áp dụng một đường lối cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.

Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã thử nghiệm một vật thể được cho là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này vào khoảng 5h07 giờ GMT ngày 7/5 từ Sinpo, nơi Bình Nhưỡng đặt một xưởng đóng tàu lớn.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng thông tin, vật thể được Triều Tiên phóng ra có thể là một tên lửa đạn đạo. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn các nguồn tin từ chính phủ nước này cho biết vật thể này đã rơi xuống gần vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều ước tính rằng SLBM của Triều Tiên đã bay lên độ cao 50-60 km và xa khoảng 600 km. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã ra lệnh cho các quan chức nước này chuẩn bị cho tất cả “các tình huống không thể lường trước” và đảm bảo sự an toàn cho các máy bay và tàu, song hiện chưa có báo cáo thiệt hại nào được ghi nhận.

Có vẻ như vụ phóng là màn trình diễn một SLBM đầu tiên của Triều Tiên kể từ hồi tháng 10 năm ngoái, khi nước này phóng thử một tên lửa tầm ngắn mới từ tàu ngầm 8.24 Yongung - tàu ngầm duy nhất của Bình Nhưỡng có năng lực phóng tên lửa.

Mỹ suy đoán rằng Triều Tiên đang chuẩn bị bãi thử hạt nhân Punggye-ri và có thể sẵn sàng tiến hành một vụ thử sớm nhất là trong tháng này.

Robert Kelly, một chuyên gia về Triều Tiên tại trường Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), nhận định rằng việc Triều Tiên dồn dập tiến hành các vụ thử có thể là để “gửi một thông điệp” đến chính quyền sắp nhậm chức tại Hàn Quốc.

Chuyên gia Robert Kelly nhận định: “Tôi cho rằng động thái này nhằm cảnh báo người Hàn Quốc rằng ‘chúng tôi vẫn đang ở đây, các bạn nên hành động thận trọng'. Triều Tiên lâu nay vẫn có truyền thống làm như vậy”.

Giáo sư Yang Moo-jin, làm việc tại trường Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul, cũng đồng tình với ý kiến trên khi nói: "Vụ thử này là nhằm gửi thông điệp đến chính quyền mới của Hàn Quốc, đồng thời gây áp lực 'phủ đầu' để nắm quyền kiểm soát tình hình trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn Quốc".

Nguy cơ tính toán sai lầm

Tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc phát triển kho vũ khí hạt nhân.

Chủ tịch Triều Tiên đã chủ trì một cuộc diễu binh quân sự quy mô lớn trong đó có sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũng như các vật thể có vẻ như là các SLBM được chở trên các xe tải và xe có bệ phóng.

Leif-Eric Easley, một giảng viên tại trường Đại học Ewha ở Seoul, nhận định: “Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có vẻ như đang chuẩn bị cho một vụ thử đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Thời điểm của vụ thử nghiệm này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thời gian các đường hầm dưới lòng đất và công nghệ thiết bị sửa đổi sẵn sàng đưa vào hoạt động".

Nếu diễn ra, vụ thử hạt nhân thứ 7 này sẽ là lần thử đầu tiên kể từ tháng 9/2017 và sẽ làm trầm trọng thêm những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông Yoon Suk-yeol sẽ lên cầm quyền vào ngày 10/5 tới và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ đến thăm Hàn Quốc và hội đàm với ông vào ngày 21/5.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Yoon cho biết một cuộc hội đàm của ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không phải là chưa được tính đến, nhưng nó cần phải mang lại những kết quả cụ thể.

Ông Yoon nói: “Không có lý do gì để tránh gặp mặt Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể mang lại những kết quả cụ thể, hoặc những kết quả ấy chỉ là về mặt hình thức chứ không phải những kết quả thực sự trong vấn đề phi hạt nhân hóa... điều này sẽ không thể giúp tạo tiến triển cho mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên”.

Tháng 10/2021, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo mới và nhỏ hơn từ một tàu ngầm, một động thái mà giới phân tích cho là có thể nhằm đẩy nhanh năng lực triển khai một tàu ngầm phóng tên lửa.

Thời gian qua, Triều Tiên đã nỗ lực hết mình để đạt được năng lực phóng tên lửa có đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm, mà theo lý thuyết thì có thể củng cố khả năng răn đe của nước này khi đảm bảo được năng lực đáp trả nếu bị tấn công bằng hạt nhân.

Phương Hà